Lâm Viên
(VNTB) – Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại, khiến các đại biểu băn khoăn tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội sáng 22-5.
Người dân cũng đang cảm thấy rất khó hiểu với cách giải thích của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – nơi chấp bút soạn thảo dự luật này: “Việc không ghi biên bản, ghi âm, ghi hình trong quá trình hòa giải để đảm bảo các bên không bị chia sẻ thông tin cá nhân” (*).
“Hay 2 vợ chồng trục trặc, ly hôn vì cô vợ phát hiện được anh chồng có vi phạm gì đó về mặt đạo đức thì chủ yếu tác động chia sẻ, vị tha vì các con. Người ta có thể rủ nhau lên chùa nhờ hòa thượng nói thêm, nhưng việc này chỉ cần một bên thôi chứ không nhất thiết phải 2 bên dẫn nhau lên chùa”, ông Nguyễn Hòa Bình nêu ví dụ khi ông cho rằng trong những trường hợp thực tế như thế này, mà cần sự thống nhất 2 bên về địa điểm thì cũng “hết sức khó khăn”. (**)
Có thắc mắc, đến bộ luật hình sự vô cùng bí mật mà còn yêu cầu ghi âm, ghi hình, còn hòa giải đối thoại tại tòa chủ yếu là vụ việc dân sự, hành chính, là việc của đôi bên thì việc công khai, hay giữ thông tin, hình ảnh đến đâu là chuyện của đương sự, vì sao lại cấm?.
Theo các chuyên gia pháp luật, việc không ghi âm, ghi hình hòa giải, đối thoại tại tòa án là vi phạm nguyên tắc tự nguyên thỏa thuận, “tự định đoạt và tự quyết định của đương sự” được quy định trong tố tụng dân sự. Trong hòa giải theo quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở 2013, thì đối thoại là để đơn giản hóa mọi tranh chấp, và việc ghi âm, ghi hình hoặc công khai thông tin, hình ảnh đến đâu là quyền của đương sự, không ai cấm được.
Có lẽ ông Chánh tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình cần phải trả lời loạt thắc mắc sau đây của cử tri: Lời nói gió bay, lấy gì làm bằng chứng khi bị lật kèo đây?;
Tòa hoặc bộ phận làm công tác hòa giải phải có biên bản hay ghi âm cuộc đối thoại để lưu hồ sơ, nếu cấm thì khi lật kèo bằng chứng ở đâu?; Giữ kín thì ra qui định là không được chia sẻ thông tin buổi hòa giải. Ai phạm thì phạt, chớ ai lại cấm ghi biên bản trong lúc quá trình hòa giải diễn ra, không ghi sao mà nhớ và lập biên bản kết quả;
Việc không tiết lộ là trách nhiệm của hòa giải viên và các bên đương sự, tuy nhiên bằng chứng và ghi chép bản thân nó không tự tiết lộ được, mà nó là trình tự thủ tục để các bên có chứng cứ hòa giải với nhau. Ví dụ ngày thứ nhứt, chồng đồng ý chu cấp cho con 100 triệu đồng/năm, nếu không ghi chép thì đến lúc sang ngày thứ hai, về nằm suy nghĩ lại, ông chồng lại không đồng ý, và các bên lại phải tiếp tục đàm phán cho đến bao giờ?; Nếu làm theo lời của ông chánh án, vậy thì cần phải bổ sung thêm: Hành vi khiếu kiện sau hoà giải sẽ được coi là hành vi vi phạm pháp luật…
_______________
Chú thích: