Nguyễn Cao (VNTB) Nếu Quốc hội Việt Nam đã nhìn nhận Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” như nêu tại Điều 4.1, Hiến pháp 2013, thì về nguyên tắc, cần thực hiện đúng theo những gì mà Bộ Chính trị đã đúc kết thành “Tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Cụ thể là quyền lập hội từ quan điểm tự do thành lập các đảng phái mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tại “Báo cáo về tình hình các đảng phái trong nước 3-1944”, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài, họp tại Liễu Châu (Quảng Tây Trung Quốc) tháng 3-1944.
Có quyền lập hội thì mới có đảng phái
Trong báo cáo nói trên, người khai sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam (từ 1951 đến 1976 mang tên Đảng Lao động Việt Nam), biện giải: “Có người cho rằng đảng phái ở Việt Nam quá nhiều, đó là một ấn tượng không tốt. Kỳ thực không phải như thế. Tại sao vậy? Chúng ta mất nước đã hơn tám mươi nǎm, kẻ thù của chúng ta là hai tên cướp hung ác ở phương Đông và phương Tây, chúng dùng nọc độc thuốc phiện, giáo dục nô lệ, chính sách trường kỳ khủng bố và nhiều chính sách thâm độc khác, hòng làm tê liệt sự hiểu biết của chúng ta, hòng tiêu diệt tinh thần dân tộc và đè bẹp nghị lực đề kháng của chúng ta.
Các đảng phái ở Việt Nam, trừ các đảng phái thân Nhật, thân Pháp mới được đẻ ra gần đây, đều ra đời và trưởng thành trong hoàn cảnh muôn vàn gian khổ. Điều đó chứng tỏ sự hiểu biết của nhân dân Việt Nam đã không bị kẻ thù làm tê liệt mà vẫn tiến theo kịp trào lưu của thế giới. Tinh thần dân tộc và nghị lực đề kháng của nhân dân Việt Nam không hề bị tiêu diệt”.
“Theo tôi được biết, những chính đảng cũ và ít nhiều có thế lực, cả thảy có sáu đảng: Đảng Xã hội thành lập tám nǎm nay; Việt Nam Quốc dân đảng thành lập mười tám nǎm nay; Việt Nam Tân Quốc dân đảng thành lập mười ba nǎm nay; Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập mười bốn nǎm nay; Đảng Lập hiến thành lập hai mươi nǎm nay; Đảng Bảo hoàng thành lập khoảng mười nǎm nay”. Ông Hồ Chí Minh nêu khá chi tiết.
Vào thời điểm 1944, ông Hồ Chí Minh nhìn nhận người Việt Nam không hề sợ cộng sản: “Cả nước Việt Nam chúng ta, không có một nhà bǎng nào là của người Việt Nam, không có một người Việt Nam nào là nhà tư bản lớn. Tài sản của chúng ta, một lần đã bị “cộng” cho giặc Pháp, một lần bị “cộng” cho giặc Nhật, còn có cái gì để mà “cộng” nữa?”.
Vì sao giờ đây cộng sản lại sợ có nhiều đảng phái?
Trong báo cáo nói trên, có đoạn viết: “Người có học thức lại càng không sợ. Nǎm 1789, do cuộc Đại cách mạng Pháp mà tư tưởng dân chủ truyền bá khắp Âu châu. Nǎm 1917, do cuộc cách mạng Nga mà tư tưởng cộng sản truyền bá khắp thế giới. Đó là trào lưu tư tưởng của thời đại, sợ nó thì thật không đúng. Huống hồ, “làm theo nǎng lực, hưởng theo nhu cầu”, “mọi người đều bình đẳng về kinh tế”, “cần phải làm cho đời sống và sự sinh tồn của mỗi người dân được bảo đảm”, đó là những tư tưởng từ thiện, tương thân tương ái, nhân dân ấm no, thế giới đại đồng”.
Như vậy, khi Liên Xô sụp đổ, khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã thì tư tưởng cộng sản như ông Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong “Báo cáo về tình hình các đảng phái trong nước 3-1944” coi như chính thức cáo chung. Thật ra với chiến dịch cải cách ruộng đất trong 3 năm 1953 – 1956, người dân Việt không còn như lời của ông Hồ Chí Minh là “không hề sợ cộng sản” (nguồn đã dẫn), vì lúc này tất cả tài sản của người dân khá giả đều bị “cộng”. Trí thức cũng bị “cộng” các kiến thức của mình vào “vòng kim cô” của đảng cộng sản. Dòng di cư ồ ạt vào Nam của đồng bào miền Bắc trong hai năm 1954-1956 là một đơn cử thuyết phục.
Trong cái sợ có nhiều đảng phái, nhiều tổ chức hội, đoàn, có lẽ cũng xuất phát từ chuyện những người cộng sản sợ hãi lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” [1]. “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa” [2]. Như vậy, cha đẻ của đảng cộng sản Việt Nam đã luôn khẳng định: Dân là chủ, Chính phủ là “đầy tớ” của dân.
“Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Quyền “đuổi Chính phủ” này cũng được hiểu là quyền của người dân – “ông chủ” “đuổi đầy tớ”. Nhưng từ “thời dân chủ cộng hòa” cho đến nay, đã bảy mươi mốt năm qua, người dân vẫn chưa biết “đuổi đầy tớ” bằng cách nào, khi “đầy tớ” “không làm được việc cho dân”.
Do vậy, nếu có nhiều hội, đoàn độc lập – tiền thân để tiến đến các đảng phái, thì chuyện “đuổi đầy tớ” sẽ không dừng lại là một mỹ từ của dân chủ.
Chính phủ cần “độc lập” và dân chủ trong lựa chọn
“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Điều 2.1, Hiến pháp 2013. Hiến định này sẽ khó thực hiện khi tiếp theo đó, Điều 4.1 của Hiến pháp lại trao cho Đảng Cộng sản quyền “lãnh đạo Nhà nước”. Nói một cách khác, chính phủ thực hiện quản trị quốc gia phải theo “định hướng” của Đảng Cộng sản.
Vấn đề này bước đầu đã khởi động tại Việt Nam. Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh đã có đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” với đề xuất hợp nhất cơ quan đảng, chính quyền.
Đề án lập luận: Khoản 3 Điều 4 Hiến pháp quy định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” và “chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình”. Nhưng cho đến nay chưa có thể chế nào quy định rõ tổ chức đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật là gì? Hay là chỉ có tư cách cá nhân là công dân và tổ chức thì hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật thôi, còn với tư cách là đảng viên, thành viên trong tổ chức Đảng thì hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là gì thì chưa được thể chế hóa; cũng chưa thể chế hóa để cho người dân giám sát tổ chức đảng và đảng viên.
Hệ thống chính trị Việt Nam là hệ thống một đảng duy nhất cầm quyền. Đảng cầm quyền là quyết định chủ trương, chính sách quan trọng chi phối sự phát triển của đất nước, là bố trí đảng viên vào các vị trí then chốt của bộ máy nhà nước, là tỷ lệ đảng viên tại các cơ quan dân cử. Để cầm quyền, Đảng phải “cầm” nhân sự, phải “cầm” bộ máy chính quyền như thế nào: Đảng không có bộ máy riêng, mà sử dụng bộ máy của nhà nước.
“Nếu so sánh với các nước thì hệ thống chính trị – nhà nước của Việt Nam là hệ thống đặc biệt. Tổ chức bộ máy Đảng hoạt động dựa vào nguồn cấp từ ngân sách nhà nước. Do vậy nói Đảng có thể hiểu đấy cũng là nhà nước và ngược lại. Chính vì đặc biệt nên dễ dẫn đến sự lấn sân nhau, dẫn đến chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước. Vấn đề này đã tồn tại lâu dài và chưa được giải quyết triệt để, thậm chí dẫn đến sự hiểu thiên lệch là một số tổ chức đảng và chính quyền có chức năng, nhiệm vụ giống nhau”. Đề án có đoạn viết như vậy.
Tuy nhiên đề án của tỉnh Quảng Ninh hiện nay đang “bí” ở phần quyền lực thuộc về ai?. Phương thức hoạt động của bộ máy Đảng khác căn bản với bộ máy chính quyền. Chi phối tổ chức và hoạt động của bộ máy Đảng trước hết là điều lệ, quy chế, quy tắc do Đảng ban hành. Nguyên tắc hoạt động cơ bản là thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số. Trong khi đó, chi phối tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền là pháp luật, đi theo nó là rất nhiều thủ tục hành chính cho nội bộ cơ quan hành chính và cho người dân, tổ chức, cơ quan hành chính do thủ trưởng lãnh đạo.
Nói một cách khác, theo quy định ở Điều 2.1, Hiến pháp 2013 thì khi hợp nhất, mọi hoạt động phải căn cứ theo quy định pháp luật, không phải theo điều lệ Đảng. Như vậy, nếu từng nhiệm kỳ chính phủ đều có sự lựa chọn một đảng thích hợp thì khi có sự cạnh tranh, việc quản trị quốc gia chắc hẳn sẽ tốt hơn nhiều. Đây cũng là phương thức lựa chọn của tất cả các quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, Triều Tiên, Cu-ba và Việt Nam.
Với bề dày 86 năm hình thành và phát triển, nếu có nhiều đảng phái như nêu ở “Báo cáo về tình hình các đảng phái trong nước 3-1944”, tin rằng ưu thế vẫn thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước tiên Quốc hội Việt Nam cần nhanh chóng ban hành Luật về quyền lập hội. Đây không chỉ là đòi hỏi của “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, mà còn là đòi hỏi của thực thi các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết.
Chú thích
Chú thích
[1] Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, báo Cứu quốc số ra ngày 17-10-1945.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Sự Thật, trang 283.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả