Tử Long
(VNTB) – Ông Nguyễn Xuân Phúc khi còn đường chức có những “tuyên ngôn”… một tấc đến trời về cây sâm Ngọc Linh.
Tại Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác diễn ra ngày 06-9-2018, tại Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vào vai một chính khách tham gia quảng bá hàng hóa không mấy thua kém Tổng thống xứ Kim Chi Yoon Suk Yeol, ‘người bán hàng số một’ của Hàn Quốc.
“Quốc bảo” sâm Ngọc Linh mất người “đỡ đầu”
Ở hội nghị lần đó, trên cương vị là người đứng đầu chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc mạnh miệng tuyên bố: “Có thể nói sâm Ngọc Linh còn quý hơn vàng vì ngoài những giá trị về sức khỏe, còn ẩn chứa những tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời là cơ hội để khẳng định niềm tự hào dân tộc, tương tự như người Hàn Quốc đã làm với nhân sâm”.
Diễn giải như một nhà khoa học, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng theo các nghiên cứu gần đây, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh Việt Nam có chứa đến 52 hợp chất saponin có tính kháng khuẩn, kháng ung thư, a-xít béo…, trong đó một nửa (26) hợp chất saponin có ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật, sâm Trung Quốc; còn lại 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ông đến Kon Tum “với niềm tin chúng ta có thể đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”, là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, hiện là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và cả Trung Quốc…”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quốc kế dân sinh còn là việc bảo tồn, giữ gìn sự quý hiếm của sâm cũng như tạo ra nhiều sản phẩm, chế phẩm từ sâm Ngọc Linh, giải quyết nhiều việc làm và thu ngân sách cho các tỉnh sản xuất, tiêu thụ sâm Ngọc Linh.
“Đông người được hưởng, đó là quốc kế dân sinh. Giữ gìn quốc bảo là giữ một vật quý hiếm nào đó ở trong tủ kính, giữ gìn mãi. Nhưng từ quốc bảo ra quốc kế dân sinh để người dân được hưởng lợi là tinh thần, tư tưởng để chúng ta làm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc say sưa về viễn cảnh của đầu ra sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Lúc được “Đảng tín nhiệm” phân công làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục làm công việc quảng bá sâm Ngọc Linh.
Ngày 6-8-2022, tại thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), chính quyền UBND các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia”, và ông Nguyễn Xuân Phúc là khách mời danh dự của “phát biểu chỉ đạo”.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại sự kiện thăm Vườn sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) trên cương vị Thủ tướng Chính phủ năm 2017; khẳng định sâm Ngọc Linh xứng đáng với tên gọi “Quốc bảo”, cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò của “Quốc bảo” trong quốc kế dân sinh.
Đánh giá cao nỗ lực của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, Chủ tịch nước cho rằng, hơn 5 năm qua, nhiều cấp ủy, chính quyền 2 tỉnh đã tích cực, chủ động trong bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, mở rộng diện tích gieo trồng loài cây quý hiếm đặc biệt này của Việt Nam…
Sâm Ngọc Linh thời “hậu Nguyễn Xuân Phúc”
Cận Tết Quý Mão 2023, ông Nguyễn Xuân Phúc “tự nguyện” rời các chức vụ trong Đảng và Nhà nước. Sâm Ngọc Linh dường như bị mất “người đỡ đầu”.
Trả lời chất vấn của đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Kin Tim tại Kỳ họp thứ 5, hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, mới diễn ra đầu tháng 7-2023, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thừa nhận rằng, đến nay chưa có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đến liên hệ, hay gửi mẫu đến để phân tích, kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh.
Trước đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII (diễn ra vào tháng 12-2021), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn cho biết, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư mua sắm hệ thống máy móc thiết bị, dụng cụ vật tư hóa chất với mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng để phân tích ADN sâm Ngọc Linh (tách chiết, nhân bản, kiểm tra, định lượng ADN) phục vụ giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả; phân tích hàm lượng saponin và các hoạt chất sinh học khác trong sâm Ngọc Linh.
Từ hai thông tin trên cho thấy Kon Tum đã chi 13 tỷ đồng mua máy kiểm định sâm nhưng ế khách.
Ngày 29-7-2023, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh về vấn đề sâm Ngọc Linh. Theo đó, trong thời gian qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam công bố mở hàng loạt showroom trên cả nước chuyên bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Trong khi đó chính quyền huyện Tu Mơ Rông khẳng định Công ty cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum (công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam) tuy có triển khai dự án nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh ở xã Ngọc Lây, nhưng đến nay chưa có kết quả công bố dự án thí điểm nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh có thành công hay không, cây sâm nuôi cấy mô cũng chưa thu hoạch được.
Công ty này cũng không liên kết trồng sâm Ngọc Linh với bất kỳ hộ dân nào để trồng sâm Ngọc Linh.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết đã kiến nghị thành lập đoàn liên ngành thanh tra toàn bộ dự án nuôi cấy mô và các hoạt động của Công ty cổ phần rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum để làm rõ việc triển khai dự án nhằm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh: ‘quốc bảo’ của Võ Kim Cự
Người đứng đàng sau các kịch bản ‘đánh bóng’ sâm Ngọc Linh là một chính khách từng gắn liền với tên tuổi của tập đoàn Formosa, ‘kẻ hủy diệt’ môi trường biển miền Trung Việt Nam.
Theo quảng cáo, hệ sinh thái thuộc Tập đoàn Y Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam bao gồm 22 đơn vị trực thuộc các viện khoa học, công nghệ, các tổng công ty, thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sản xuất nguyên liệu và chế biến sản phẩm, truyền thông, kinh doanh bán hàng.
Chủ tịch Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam là ông Võ Kim Cự, từng là Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 – 2015. Ông Cự cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Viện trưởng Viện bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh Việt Nam.
Tập đoàn này được thành lập từ tháng 3-2022 với người đại diện pháp luật là bà Võ Thị Thuỷ, trụ sở chính đặt tại quận Đống Đa, Hà Nội. Bà Thuỷ đồng thời cũng là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum đã đề cập ở trên.
Về mối quan hệ giữa Công ty cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum, hai doanh nghiệp này không chỉ có chung người đại diện pháp luật mà theo xác nhận từ ông Nguyễn Duy Thái, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum, công ty này cung cấp nguyên liệu trực tiếp cho tập đoàn để chế biến sâu.
“Sản phẩm của tập đoàn lấy nguồn từ Công ty cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Theo đề án, công ty vừa nuôi cấy mô, vừa trồng sâm gieo bằng hạt, mua sâm của dân về trồng. Trong rừng, công ty có diện tích hơn 24 ha. Diện tích sâm Ngọc Linh ở rừng, trồng bằng gieo hạt được công ty thực hiện từ lâu. Sản phẩm sâm củ, công ty cung cấp trực tiếp cho tập đoàn để chế biến sâu”, ông Thái tuyên bố như vậy với báo chí.
Hiện Y Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam đang có 11 cửa hàng Võ Kim Đường, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Hà Tĩnh. Tập đoàn cho biết mục tiêu phát triển hệ thống 300 showroom trong cả nước và 35 showroom trên 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.