Thới Bình
(VNTB) – “Việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.”
Từ năm 2056 – 2069, dân số Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số siêu già, tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 21%.
Theo Bộ Y tế, dân số cả nước được dự báo tăng dần qua các năm, nhưng tốc độ tăng dân số bình quân giảm dần, từ 0,93% trong giai đoạn 2020-2025 xuống còn 0,42% trong giai đoạn 2040-2045.
Dân số Việt Nam vào năm 2030 và năm 2050 dự kiến sẽ ở mức tương ứng từ 105 và 115 triệu người. Trong 6 vùng kinh tế – xã hội, quy mô dân số của vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung Bộ – Duyên hải miền Trung luôn đứng đầu cả nước. Trong khi, vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên thuộc nhóm có quy mô dân số thấp nhất trong toàn bộ giai đoạn dự báo.
Bộ Y tế dự báo sẽ bắt đầu thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2%. Từ năm 2056 – 2069 sẽ có cơ cấu dân số “siêu già”, tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 21%.
Vấn đề ở đây là tốc độ già hóa dân số nhanh, già hóa kéo theo tuổi thọ trung bình tăng cao nhưng số năm sống khỏe của người già Việt Nam lại giảm.
Không cần đến những lập luận hàn lâm, giờ chỉ cần bước ra đường là người ta thấy nhan nhản người già đi bán vé số, bán rong thì làm sao mà… sống khỏe cho được ở cả nghĩa đen lẫn bóng trong an sinh.
Theo thống kê chưa đầy đủ được công bố lúc chưa xảy ra đại dịch Covid thì ở thành phố Hồ Chí Minh có 500.000 người cao tuổi, trong đó có không ít người cao tuổi đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Đa phần trong số họ có hoàn cảnh khá giống nhau, đó là đều không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội, không có sự chăm sóc của con cái, người thân và không có bất cứ nguồn thu nhập nào để tự lo cho cuộc sống của bản thân.
Chính vì thế, những người cao tuổi này, vẫn phải tự kiếm những việc làm phù hợp với hoàn cảnh, sức khỏe của mình và chủ yếu là chọn nghề bán vé số dạo.
Giải thích chuyện phải ly hương ở tuổi gần đất xa trời, một cụ bà trải lòng: “Người Sài Gòn từ lâu họ có thói quen mỗi sáng uống cà phê, đọc báo và mua vài tờ vé số.
Mua vé số đối với họ không hẳn là hy vọng trúng số, mà như là làm phước giúp những người nghèo, người tàn tật, người già cô đơn như tui có thu nhập mưu sinh qua ngày.
Người càng lớn tuổi càng dễ mời được khách mua, và tui biết có nhiều người không phải ham chơi vé số, nhưng khi tui mời, họ thấy mình già cả, nên thương vẫn sẵn sàng mua vài ba tờ, như cách an ủi mình vậy. Nhờ vậy mà những người già như tui cũng còn kiếm được đồng lời mỗi ngày, sau khi trả tiền phòng trọ, ăn uống tằn tiện, cũng còn dư mỗi tháng khoảng từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng lận lưng phòng khi ốm đau bệnh tật và lo hậu sự về sau”.
Trong số người già chọn bán vé số để lây lất phần đời còn lại đó ở Sài Gòn, có Trang Thanh Xuân từng nức tiếng đào chính sân khấu cải lương một thời, xế chiều cô độc, gánh nợ tiền chữa bệnh cho em gái đã mất, bà chật vật bán vé số.
“Lúc mới giải nghệ, đi bán vé số mà nghe ai hát cải lương là thấy đau. Đứng ở đằng này mà nghe đằng kia, những người đồng nghiệp của mình đang hát trên sân khấu, chỉ biết chết lặng.
Bệnh tim khiến tôi không thể nào còn hát ca được nữa. Mỗi khi sân khấu mở màn, nghe tiếng trống tiếng nhạc vang lên, tôi lại không thể chịu đựng nổi. Số phận của mình đã như vậy biết làm sao giờ…”, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân, 71 tuổi, rơm rớm nước mắt nhớ lại chuyện ngày xưa.
Bà vẫn luôn dùng hai chữ “số phận” để nói về cuộc đời mình. Có lẽ cũng không có từ nào khác để lý giải cho một đoạn trường mà bà đã trải qua, phải đi tiếp cho hết một kiếp người…
Nhìn những cụ già, sức tàn, lực kiệt, mắt mờ, chân tay run rẩy lết từng bước trên khắp nẻo phố phường đô thị để bán hàng, làm thuê làm mướn,…, người ta chợt thấy quá mỉa mai khi Đảng và Nhà nước luôn một mực tuyên truyền, rằng, “ngay sau cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã có “Thư gửi các vị phụ lão” vào ngày 21-9-1945, trong đó, Bác đã thăm hỏi, chúc sức khỏe và nhắn nhủ những người cao tuổi tiếp tục nêu gương sáng và truyền dạy kinh nghiệm quý báu cho con cháu.
Sau khi Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập (10-5-1995), Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 59/CT-TW “Về chăm sóc người cao tuổi”, quy định: “Việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội”. Luật Người cao tuổi năm 2009 đã dành toàn bộ chương II để quy định về phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi…”.