Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sân Golf Phan Thiết – 
Đơn Phản ảnh và đề nghị, ngày 02/01/2019, của ông Đinh Trung

Phan Bình Minh

 

(VNTB) – Ông Đinh Trung đã chỉ ra nhiều biểu hiện sai trái, tiêu cực “lợi ích nhóm”, trong quá trình xóa bỏ sân golf Phan Thiết là đất công biến thành đất tư nhân.

 

Từ đầu tháng 8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo “Đưa vụ sân golf Phan Thiết vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi”. Ngày đầu tuần chuẩn bị qua tháng 9, mặc dù bị cách ly – phong tỏa nghiêm ngặt vì Covid-19 theo Chỉ thị 16, nhiều người dân Bình Thuận, TP HCM chuyển nhau tin nhắn “Mật”: Sáng nay lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương về làm việc ở Phan Thiết, …

Tiếp theo bài viết “Người cộng sản Đinh Trung” [1], chúng tôi sẽ công bố một số đơn của ông Đinh Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận gửi cho các cơ quan Trung ương về vụ 62 ha đất vàng Sân golf Phan Thiết biến thành Khu đô thị.

Nội dung các đơn thuần túy liên quan tới tính pháp lý dự án, cách giải quyết của Thanh tra Chính phủ, và … từ đó hướng đến mối quan hệ lợi ích. Ông Đinh Trung đã chỉ ra nhiều biểu hiện sai trái, tiêu cực “lợi ích nhóm”, trong quá trình xóa bỏ sân golf Phan Thiết là đất công biến thành đất tư nhân.

Các đơn này đã được đưa lên Facebook dạng ảnh và nhiều người cũng chia sẻ, chúng tôi copy, chuyển qua dạng chữ (văn bản – text) và phổ biến rộng rãi hơn. Phần “Ghi chú” không thuộc nội dung đơn.

Báo chí nhà nước quản lý chỉ trích một phần nội dung đơn của ông Đinh Trung. Để khách quan, chúng tôi công bố toàn văn dạng ảnh và dạng văn bản, đơn dài nên mong mọi người cố gắng đọc. Cảm ơn báo chí công bố, cảm ơn các bạn đã xem.

Xin trân trọng giới thiệu:

***

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

————————————

Bình Thuận, ngày 02 tháng 01 năm 2019

ĐƠN PHẢN ẢNH VÀ ĐỀ NGHỊ

Kính gửi: đồng chí Nguyễn Xuân Phúc Ủy viên Bộ Chính trị,

Thủ tướng Chính phủ.

đồng chí Trương Hòa Bình Ủy viên Bộ Chính trị,

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.

Đồng kính gửi: đồng chí Lê Minh Khái Ủy viên Trung ương Đảng,

Tổng Thanh tra Chính phủ.

đồng chí Trần Hồng Hà Ủy viên Trung ương Đảng,

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tôi tên Đinh Trung nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nghỉ hưu đang thường trú tại số nhà 87 đường Tuyên Quang, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, điện thoại số: 0917485300. Tôi xin phản ánh, cung cấp thông tin và đề nghị một số vụ việc liên quan đến trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân Tỉnh Bình Thuận sau đây:

I.- Những biểu hiện sai trái, tiêu cực “lợi ích nhóm” câu kết với Công ty Cổ phần Rạng Đông xóa bỏ sân golf Phan Thiết là đất công biến thành đất tư nhân không đúng với quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 đồng thời quy định giá thu tiền sử dụng đất không sát giá thị trường làm thiệt hại ngân sách nhà nước.

1/- Sân golf Phan Thiết là đất nhà nước cho thuê, chủ đầu tư trả tiền thuê đất và các khoản thuế phát sinh hàng năm, thời hạn 50 năm; hoàn thành đi vào hoạt động từ năm 1997. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm thời kỳ đầu (2011-2015) của tỉnh Bình Thuận đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 4/5/2013. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn (2011-2015) của thành phố Phan Thiết phê duyệt bằng Quyết định số 3200/QĐ-UBND ngày 13/12/2013 [2] thì đất sân golf Phan Thiết là đất thể dục thể thao. Theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 [3] và Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 [4] của Thủ tướng Chính phủ vẫn ghi sân golf Phan Thiết nằm trong quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Tại khoản I, điểm 4, điều 1, Quyết định 1946 ghi rõ: “Đối với các dự án sân golf đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đã triển khai xây dựng; dự án đã hoàn thành đang hoạt động trước ngày quy định này có hiệu lực thì tiếp tục được hoạt động, …”. Tại khoản c, điểm 2, điều 3 của quyết định này cũng ghi rõ: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Kiểm tra, giám sát việc xây dựng sân golf theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo chỉ sử dụng đất đã cấp xây dựng sân golf để xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf, không sử dụng đất để xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng.”

Ngày 15 tháng 11 năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho chuyển nhượng vốn và chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Rạng Đông; giấy chứng nhận đầu tư ghi rõ mục tiêu: “xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo”. Hơn hai tuần sau, ngày 2 tháng 12 năm 2013 Công ty cổ phần Rạng Đông có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị để “đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thực, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng với các công trình phụ trợ”. Ngày 5/3/2014 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thông báo số 75 thống nhất đề nghị của Công ty cổ phần Rạng Đông. Trong khi chưa có quyết định của các cấp thẩm quyền trước đó, ngày 1 tháng 3 năm 2014 Công ty cổ phần Rạng Đông thông báo chấm dứt hoạt động sân golf từ ngày 1/4/2014 nhưng lãnh đạo tỉnh không có ý kiến gì, coi như chấp nhận sự đã rồi. Liền theo đó, Thường vụ Tỉnh ủy có thông báo số 394/TB-TU ngày 7/5/2014 đồng ý giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho xóa bỏ sân golf chuyển sang đất ở đô thị.

Thực tế đó chứng tỏ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận ngay từ đầu đã câu kết, móc ngoặc với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông xóa bỏ sân golf, sử dụng đất này để kinh doanh bất động động sản như phân lô, bán nền, xây biệt thự, nhà cao tầng v.v.. để bán, chuyển nhượng là trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Chính phủ các các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

2/- Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh không thu hồi đất sân golf khi chuyển mục đích sử dụng đất sang dự án khu đô thị mới là trái với khoản d, điểm 3, điều 62 Luật Đất đai năm 2013:

“3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:

d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị…”

3/- Ủy ban nhân dân tỉnh không thu hồi đất, không tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất nhưng giao thẳng đất và định giá đất không có căn cứ thực tế, không sát với giá thị trường vào thời điểm giao đất đem lại lợi ích kếch xù cho chủ đầu tư, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Khu đất sân golf được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chuyển sang đất ở đô thị có diện tích 620 655 m2 là khu đất đẹp nhất thành phố Phan Thiết tiếp giáp bãi biển Đồi Dương và hai trục đường lớn Nguyễn Tất Thành và Tôn Đức Thắng, phần còn lại tiếp giáp với khu đô thị hiện có. Diện tích đất phải thu tiền sử dụng đất là 363 523 m2 (gồm đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ), chiếm 58,57%; diện tích không thu tiền sử dụng đất là 257 132 m2 (gồm các công trình công cộng như đường giao thông, công viên cây xanh, nhà trẻ…), chiếm 41,43% tổng diện tích khu đất của dự án.

Ngày 25 tháng 11 năm 2015 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 3371/QĐ-UBND về phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho 363 523 m2 với số tiền sử dụng đất là 936 800 triệu đồng, như vậy giá thu tiền sử dụng đất là hơn 2,5 triệu đồng/m2.

Thực tế qua khảo sát giá thị trường trên địa bàn thành phố Phan Thiết và các tuyến đường nằm quanh dự án khu đô thị du lịch biển này thì giá thấp nhất khoảng 10 triệu đồng/m2, giá cao nhất khoảng 24 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phân lô bán nền với giá từ 20 triệu đến trên 30 triệu đồng/m2. Cách định giá và thu tiền sử dụng đất như thế đưa lại lợi ích kếch xù cho doanh nghiệp có thể thất thu cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỉ đồng và không loại trừ tiêu cực, tham những, “lợi ích nhóm” ở đây.

Một điều sai trái nữa là trong khi Chính phủ quy định khu đô thị mới phải dành 20% diện tích cho nhà ở xã hội nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh không thực hiện mà bán hết cho nhà đầu tư với giá rẻ mạt như trên. Trong khi quy hoạch dự kiến khu đô thị mới thu hút trên một vạn dân, chẳng lẽ hoàn toàn dành cho “giới thượng lưu” hết hay sao ?. Các công trình công cộng trong khu đô thị cũng không tổ chức đấu thầu mà giao thẳng cho chủ đầu tư; một số hạng mục công trình chủ đầu tư chiếm đất công để xây chùa gọi là “di tích lịch sử” cấp tỉnh, xây tượng đài… không đúng quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được duyệt.

4/- Về trình tự, thủ tục, thời gian ban hành các Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết cũng không bình thường.

Trong khi chưa có Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất thì đã quyết định phê duyệt chi tiết xây dựng khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Chủ đầu tư (Công ty cổ phần Rạng Đông) chưa làm nghĩa vụ tài chính (chưa nộp tiền sử dụng đất) thì UBND tỉnh vẩn đồng ý cho chủ đầu tư làm lễ khởi công công trình. Đây là cách làm không bình thường, là quy trình ngược, với mục đích, động cơ không trong sáng, lành mạnh. Cụ thể như sau:

– Ngày 6/4/2015 UBND Tỉnh có quyết định số 909/QĐ-UBND, quyết định phê duyệt chi tiết xây dựng khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

– Ngày 10/4/2015 UBND tỉnh có quyết định số 997/QĐUBND quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thể dục thể thao sang đất ở đô thị.

– Ngày 18/4/2015 Chủ đầu tư khởi công công trình theo sự đồng ý của UBND Tỉnh.

– Ngày 25/11/2015 Chủ tịch UBND Tỉnh mới có quyết định số 3371/QĐ-UBND về thu tiền sử dụng đất. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành nhưng theo đề nghị của chủ đầu tư, UBND Tỉnh có công văn số 4677/UBND-ĐTQH ngày 22/12/2015 đề nghị Bộ Tài chính cho chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất trong 2 năm 2016-2017. Bộ Tài chính không đồng ý vì dự án không thuộc diện hoãn nộp tiền sử dụng đất nhưng mãi đến tháng 10/2016 tỉnh mới bắt đầu thu tiền sử dụng sử dụng đất và đến giữa năm 2017 chủ đầu tư mới nộp xong tiền sử dụng đất. Như vậy gần 2 năm kể từ ngày Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định thu tiền sử dụng đất mới thu xong tiền sử dụng đất như ý đồ của UBND tỉnh. Theo Thông báo số 24/TB-KTNN ngày 12/01/2018 của Kiểm toán Nhà nước về kết quả Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2016 tỉnh Bình Thuận. Tại trang 5 của Thông báo nêu rõ: “Công tác quản lý, sử dụng đất khu đô thị.

– Hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 chưa phù hợp quy hoạch chung của thành phố Phan Thiết, hồ sơ quy hoạch không làm nhiệm vụ quy hoạch; không bố trí 20% quỹ đất ở để phát triển nhà ở xã hội theo quy định.

– Việc xác định giá đất còn một số tồn tại như: Xác định sai chi phí đã làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách.

– Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã không thực hiện đúng quy trình luân chuyển hồ sơ địa chính theo quy định mà cùng với Cục Thuế, Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Tài chính xem xét cho giản nợ tiền SDĐ dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết và chậm luân chuyển hồ sơ Dự án khu nghỉ dưỡng Royall Hill.

– Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết đã hoàn thành 95% hạng mục hạ tầng nhưng các hạng mục công trình công cộng chưa triển khai thực hiện. Dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Royall Hill thực hiện xong hạng mục hạ tầng kỹ thuật khi chưa có giấy phép xây dựng là chưa phù hợp quy định”.

(Dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Royall Hill trên diện tích gần 10 ha cũng là dự án do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư).

Đến nay gần một năm từ khi có thông báo kết quả của Kiểm toán Nhà nước nói trên, nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn bao che, không chỉ đạo kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm các ngành chức năng của tỉnh và cán bộ, công chức liên quan đến những sai phạm mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra.

5/- Về mối quan hệ không bình thường giữa lãnh đạo tỉnh Bình Thuận với Công ty Cổ phần Rạng Đông.

Từ năm 2001 đến nay, lãnh đạo tỉnh đã đồng ý để Công ty Cổ phần Rạng Đông mời gần 300 cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh và cán bộ lãnh đạo thành phố, thị xã, huyện, cán bộ lãnh đạo xã, phường đi du lịch, tham quan nước ngoài, có đồng chí một năm đi 2, 3 lần, mỗi lần đến 2, 3 nước.

Sau khi có Chỉ thị số 38/TW ngày 21/7/2014 của Bộ chính trị về tăng cường công tác quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn cho các doanh nghiệp tư nhân mời cán bộ lãnh đạo tỉnh (có cả cán bộ hưu trí) đi nước ngoài. Các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh cử cán bộ đi nước ngoài “việc riêng” nhưng nội dung lại ghi “nghiên cứu công nghệ 4.0”. Báo chí trong nước phát hiện đưa tin, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Thuận báo cáo tình hình cán bộ, viên chức của tỉnh đi nước ngoài từ năm 2014 đến nay, chưa thấy Thủ tướng Chính phủ xử lý thế nào.

Hầu hết các đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh và một số lãnh đạo đương chức của tỉnh tuy có nhà ở được nhà nước hóa giá được Tập đoàn Rạng Đông bán đất ở tại khu dân cư mới Hùng Vương và Đông Xuân An để xây nhà mới, có đồng chí xây biệt thự 500 đến 600m2 như nguyên giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Thân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng…; có đồng chí mua đi bán lại kiếm chênh lệch. Ngay khu đô thị du lịch biển Phan Thiết hiện nay đã có một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh xây biệt thự như Hồ Dũng Nhật nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Nguyễn Văn Tài nguyên Cục trường Cục Thuế tỉnh và một số cán bộ sở, ngành tỉnh liên quan đến việc ủng hộ xóa bỏ sân golf và tham mưu định giá rẻ mạt về tiền sử dụng đất của dự án.

Trong mối quan hệ có đi có lại này, Công ty Cổ phần Rạng Đông được lợi ích kếch xù về kinh tế như được Ủy ban nhân dân tỉnh ưu ái định giá tiền sử dụng đất rẻ mạt; giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất; cho chậm nộp thuế không đúng thời hạn quy định; đầu tư xây dựng cầu Phú Hài giá 10 tỉ đồng bằng hình thức BOT cho thu phí 20 năm; thậm chí Công ty tự ý xây dựng công trình khi chưa có giấy phép xây dựng…; Giám đốc Công ty có 4 con nhưng vẫn được giới thiệu làm đại biểu Quốc hội, được các ngành chức năng của tỉnh ủng hộ đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Ngoài ra Ủy ban nhân dân tỉnh còn buông lỏng quản lý một số dự án khác như cấp phép cho Công ty Dương Đông Hòa Phú xây kho, cầu cảng ở một nơi hẻo lánh nhập và buôn lậu hàng vạn tấn xăng dầu với giá trị trên 2000 tỉ đồng; dư luận cho rằng đây là vụ buôn lậu lớn nhất nước, tòa án nhân dân Bình Thuận đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 11/12/2018 vừa qua; dự án du lịch Muine Hill tại phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết chưa được chấp thuận đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng nhưng đã xây dựng từ năm 2009 và hoạt động đến nay gần 10 năm, tỉnh không hay biết; giao hơn 1,2 triệu m2 đất tại vị trí khá đẹp ở thành phố Phan Thiết cho Công ty đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải làm dự án lấn biển Hamu Bay nhưng Công ty này chưa hoàn thành san lấp mặt bằng, chưa giải tỏa đền bù, chưa nộp thuế theo quy định, chưa có đánh giá tác động môi trường thì đã ký hợp đồng kinh tế giao cho công ty Đất biển vàng (Đà Nẵng) treo pa nô, rao bán đất nền trên mạng và tổ chức hội nghị quảng bá giới thiệu mở bán đất rầm rộ. Công ty này vừa qua tài trợ kinh phí cho các đoàn cán bộ tỉnh đi nước ngoài nghiên cứu “công nghệ 4.0”.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn diện dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (việc xóa bỏ sân golf, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất, định giá đất, đấu thầu xây dựng các công trình công cộng…). Đồng thời xem xét mối quan hệ giữa lãnh đạo tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh với Công ty cổ phần Rạng Đông, có kết luận công khai, minh bạch; nếu có vi phạm, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan.

II. Về các dự án khai thác titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua còn nhiều bất cập như vừa giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch, điều tra thăm dò trữ lượng rồi cấp phép cho khai thác luôn, không đấu giá quyền khai thác; mỗi doanh nghiệp chiếm cứ, xí phần một lãnh địa như vậy cần xem xét cả về chủ trương và pháp lý.

Do thiếu trách nhiệm trong quản lý của chính qụyền địa phương và không tránh khỏỉ tiêu cực, chống lưng, bao che để một số doanh nghiệp khai thác trái phép, trốn thuế diễn ra thường xuyên gây hậu quả rất nghiêm trọng về môi trường sinh thái và thất thu thuế tài nguyên cho tinh, có hiện tượng nhiễm xạ… ảnh hường đến đời sống, sản xuất của cư dân trong vùng; cản trở sự phát triển của các ngành kinh tế khác có tính khả thi và hiệu quả hơn như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, sạch, trồng rừng, phát triển năng lượng tái tạo… (hầu hết các dự án khai thác titan đều chồng lên quy hoạch của tỉnh về phát triển các ngành trên và nằm trên rừng cát gồm những loài cây bản địa khó thay thế, phòng hộ, chống cát bay; trong 2 cuộc kháng chiến là chiến khu cách mạng Lê Hồng Phong).

Đề nghị Thủ tưởng Chính phủ xem xét giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện, cỏ kết luận công khai từ quy hoạch, thăm dò, điều tra trữ lượng, cấp giấy phép khai thác, đấu thầu khai thác, tổ chức và giám sát khai thác, tiêu thụ, hiệu quà kinh tế, nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp, tác hại môi trường… trong thời gian qua, đồng thời cho dừng khai thác quặng titan Binh Thuận vì các lý do:

Một là: Ngoài một số lý do nêu trên, Bình Thuận vẫn còn-thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt của nhân dân nhất là trong vùng quy hoạch khai thác titan, nguồn nưởc ngầm rất hiếm; chắc chắn không bảo đảm nguồn nước để tuyển quặng.

Hai là: Truớc mắt khai thác và chế biến titan không hiệu quả vì chưa có công nghệ khai thác hiện đại, chưa có chế biến sâu. Đây là nguồn tài nguyên không tái tạo nếu khai thác đem bán thô chỉ lảm cạn kiệt, “chảy máu” nguồn tài nguyên quí hiếm của đất nước. Tài nguyên đất nước còn đó, thế hệ này chưa làm thì thế hệ sau với sự phát triển và tiến bộ của khoa học kỷ thuật và công nghệ nhất định sẽ làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Hơn nữa Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 phê duyệt quy hoạch tống thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né dến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khu du lịch này dọc bờ biển nằm gần khu vực quy hoạch khai thác titan thì khó thực hiện cùng lúc vừa khai thác titan vừa phát triển du lịch hiệu quả và bền vững được.

Kính mong Thù tướng Chính phủ, Thanh tra Chinh phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm chi đạo về những nội dung tôi phản ánh và đề nghị trong đơn.

Trân trọng cám ơn

Người viết đơn phản ánh vả đề nghị.

(đã ký)

Đinh Trung

___________________

Ghi chú

[1] “Người cộng sản Đinh Trung”

https://baotiengdan.com/2021/08/29/san-golf-phan-thiet-nguoi-cong-san-dinh-trung/

https://vietnamthoibao.org/vntb-nguoi-cong-san-dinh-trung-san-golf-phan-thiet-bai-14/

https://www.facebook.com/ptbtmb/posts/613906976682820

[2] Quyết định số 3200/QĐ-UBND, ngày 13/12/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận, Về việc xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011 – 2015) của thành phố Phan Thiết. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bat-dong-san/Quyet-dinh-3200-QD-UBND-2013-Quy-hoach-su-dung-dat-2020-Ke-hoach-2011-2015-Phan-Thiet-Binh-Thuan-222960.aspx.

[3] Quyết định số 1946/QĐ-TTg, ngày 26/11/2009, của Thủ tướng Chính phủ, Về việc phê duyệt quy hoạch sân golf việt nam đến năm 2020. https://luatvietnam.vn/xay-dung/quyet-dinh-1946-qd-ttg-thu-tuong-chinh-phu-48098-d1.html

[4] Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014, của Thủ tướng Chính phủ, Điều chỉnh, bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=174126

***

Ảnh chụp Bản gốc Đơn Phản ảnh và đề nghị, ngày 02/01/2019, của ông Đinh Trung kèm theo (7 trang)


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Sân Golf Phan Thiết – Đơn phản biện, ngày 30/09/2019 của ông Đinh Trung (phần 1)

Phan Thanh Hung

Chuyển đổi sân Golf Phan Thiết có đúng quy định pháp luật không? ( Bài 1 -2)

Phan Thanh Hung

VNTB – Sân Golf Phan Thiết – Đơn phản biện, ngày 30/09/2019 của ông Đinh Trung (phần 2)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo