Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sân golf Phan Thiết – Bài 13. Những người cộng sản

án dân sự

Phan Bình Minh

 

(VNTB) – Rõ ràng đây là cuộc chiến giữa những người cộng sản chân chính và những người cộng sản thực dụng, hoàn toàn không có thế lực phản động nào ở đây. 

 

Những ngày khu vực phía Nam gồng mình chống Covid-19, nhiều địa phương bị phong tỏa bởi Chỉ thị 16, có một người nguyên là Ủy viên trung ương đảng, Phó ban Tổ chức Trung ương, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng và Bình Thuận đã chết trong lặng lẽ. “Cáo phó” (hình 1) của gia đình người chết đưa lên mạng xã hội và nhiều người ở Phan Thiết, Sài Gòn đã nhắn tin, bình luận với nhau “THÀNH KÍNH PHÂN LÔ” !

***

Chúng tôi đã viết nhiều bài liên quan đến Dự án xẻ thịt Sân golf Phan Thiết thành “Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết”, sau hai lần Thanh tra Chính phủ làm việc, hiện nay Cơ quan điều tra Bộ Công an đang xem xét “dấu hiệu vi phạm pháp luật” [1], và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì Đưa vụ sân golf Phan Thiết vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi [2]. Trong các bài viết về Sân golf Phan Thiết có hai nhân vật đều là Ủy viên trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận (tỉnh Thuận Hải cũ), đến nay đều đã chết. Có thể nói, hai người này đặc trưng cho hai thế hệ của hai thể chế kinh tế – chính trị là nền kinh tế kế hoạch tập trung và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Người thứ nhất là ông Lê Văn Hiền, Bí thư tỉnh Thuận Hải từ 1976-1986 và người thứ hai là ông Nguyễn Ánh Minh, Bí thư tỉnh Bình Thuận từ 2001-2005. Cả hai đều là những người cộng sản đích thực.

Cả hai người này chúng tôi đều có đề cập ở các bài viết trong chuyên mục “Sân golf Phan Thiết” mà nhiều báo mạng và facebook đã đăng tải: Bài 2. Nhận diện nhóm lợi ích; Bài 3. Tỉnh Rạng Đông”; Bài 6. Làm sao cho có niềm tin ?

1. Ông Nguyễn Ánh Minh (1945-2021)

Ông Nguyễn Ánh Minh sinh năm 1945 (chết 12:30 ngày 17/08/2021), quê ở xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Phát triển từ phong trào Đoàn ở Bảo Lộc lên Bí thư tỉnh Lâm Đồng (vào giai đoạn mà người Quảng Ngãi nắm quyền Tây Nguyên đến nổi cán bộ công chức nói vui là: không cần học tiếng Anh, tiếng Nga hay tiếng Dân tộc, chỉ cần học tiếng Quảng Ngãi là được cơ cấu).

Ông Nguyễn Ánh Minh (hình 2) là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX; từ Bí thư tỉnh Lâm Đồng chuyển ra Hà Nội làm Phó ban Tổ chức Trung ương (được cấp nhà ở Tp Hồ Chí Minh), năm 2001-2005 làm Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận rồi nghỉ hưu.

Hai người đồng hương Quảng Ngãi, một là Nguyễn Ánh Minh – quan chức, có quyền hạn chính trị tuyệt đối, và người kia là Nguyễn Văn Đông – giám đốc Công ty xây lắp của tỉnh có tham vọng tìm kiếm thế lực chính trị để làm bá chủ thị trường xây dựng tỉnh Bình Thuận. Một người cần vơ vét cho chuyến tàu chót (nhiệm kỳ cuối), một người là doanh nhân đang lên, có chân trong Hội đồng nhân dân tỉnh. Vậy là hai người “kết nghĩa anh em chí cốt”, để người này cho người kia cái mình có.

             Hình 1: Cáo phó ông Nguyễn Ánh Minh

 

– Ông Nguyễn Ánh Minh cho Nguyễn Văn Đông quyền lực, đưa Nguyễn Văn Đông thành Anh hùng lao động, Đại biểu quốc hội. Điều đặc biệt là với kinh nghiệm của Phó Ban tổ chức Trung ương, ông Nguyễn Ánh Minh đã cơ cấu dàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận kế thừa các nhiệm kỳ sau cúc cung tận tụy với Nguyễn Văn Đông. Chính vì vậy mà Nguyễn Văn Đông tự hào là “người làm nhân sự cho tỉnh Bình Thuận”. Còn người dân địa phương thì nói Bình Thuận thuộc Rạng Đông và Nguyễn Văn Đông là “Tỉnh trưởng tỉnh Rạng Đông”.

Nguyễn Ánh Minh đưa một tên lưu manh di truyền và chuyên nghiệp, từ trốn nghĩa vụ quân sự, đến buôn lậu, trùm số đề, lừa đảo, lâm tặc, …. không ít tiền sự ở Bình Thuận. Chấp nhận trở thành cặp bài trùng maphia kinh tế – chính trị, lũng đoạn tỉnh Bình Thuận suốt nhiều năm trời: không phải không công.

– Nguyễn Văn Đông cho Nguyễn Ánh Minh là tài sản vật chất, chính ngôi nhà ở phường An Khánh, Quận 2 (nay là TP Thủ Đức) có địa chỉ ghi trên Cáo phó cũng của Nguyễn Văn Đông mua tặng cho vợ chồng Nguyễn Ánh Minh, ngoài ra còn các ngôi nhà tặng cho con của Nguyễn Ánh Minh và nhiều tài sản ở Phan Thiết. Công lao Nguyễn Ánh Minh đã trực tiếp giúp cho Nguyễn Văn Đông hình thành, xây dựng nên quần thể Sea Links City (https://www.rangdonggroup.com.vn/du-an/sea-links-city/), bất chấp các quy định pháp về đất đai, xây dựng.

Không cần quy hoạch, không cần quyết định giao đất, không cần chuyển mục đích sử dụng đất, không cần giấy phép xây dựng, … Rạng Đông chiếm đất, thi công. Nếu có vấn đề gì thì Nguyễn Ánh Minh có mặt tại hiện trường để bảo kê. Hỏi cán bộ, quan chức nào dám xử lý. Hậu quả pháp lý liên quan đến khu Sea Links đến nay vẫn chưa giải quyết xong, người dân bị cướp đất đến nay vẫn tiếp tục khiếu nại.

         Hình 2. Giới thiệu Nguyễn Ánh Minh trên website Trung ương đảng

 

Người biết chuyện, không ngạc nhiên khi Nguyễn Ánh Minh chết lại được nhân dân “THÀNH KÍNH PHÂN LÔ”

2. Ông Lê Văn Hiền (1925-2010)

Ông Lê Văn Hiền sinh năm 1925 (chết 8:45 ngày 02/08/2010) tại xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, là một vị tiền bối cách mạng, hoạt động thời tiền khởi nghĩa và tham gia giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám tại quê nhà, là ủy viên thanh niên cứu quốc trong UBND cách mạng lâm thời và Ủy ban Việt Minh phủ Tuy Hòa, được kết nạp Đảng tại quê hương cuối năm 1945.

Trong kháng chiến chống Pháp, là Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ở chiến khu Việt Bắc năm 1951. Trong kháng chiến chống Mỹ, đã từng giữ cương vị Quyền Bí thư Khu ủy khu VI.

Kết thúc chiến tranh năm 1975, là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa IV, V, VI), Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải và phái viên của Trung ương Đảng cho đến khi nghỉ hưu.

Sau khi nghỉ hưu, trở về với đời thường, ông Lê Văn Hiền hoạt động xã hội, với cương vị thành viên chủ chốt của Ban Chấp hành và Chủ tịch Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh.

 

Hình 3. Ông Lê Văn Hiền: lúc làm Bí thư tỉnh Thuận Hải và làm Chủ tịch hội đồng hương tỉnh Phú Yên tại TP HCM

Những năm cuối đời, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhất là từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ 2007 về sau (giai đoạn này ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Minh Triết làm Chủ tịch nước), ông Lê Văn Hiền đã làm đơn gởi các cơ quan Trung ương tố cáo nhóm lợi ích của Nguyễn Ánh Minh – Nguyễn Văn Đông hình thành và phát triển đang lũng đoạn, khuynh loát cả tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó (trước 2010), vì nhiều lý do mà đơn tố cáo của ông Lê Văn Hiền không được những người có trách nhiệm cao nhất quan tâm, thậm chí còn có ý kiến quy chụp ông cậy mình là “lão thành cách mạng”, tư duy bảo thủ đã cản trở tiến trình đổi mới của đất nước.

Trước khi chết, ông Lê Văn Hiền đã giao lại bộ hồ sơ tố cáo (hình 2) cho những người “đồng chí” tiếp tục lý tưởng, công việc dở dang của ông.

Tỉnh Bình Thuận may mắn là có người như ông Lê Văn Hiền và kế thừa là những người như ông Đinh Trung, … đã chấp nhận nhiều rủi ro để vạch mặt nhóm lợi ích hình thành từ anh em đồng hương Quảng Ngãi kết nghĩa là Nguyễn Ánh Minh – Nguyễn Văn Đông. Nhóm lợi ích này càng ngày càng lớn mạnh, kéo dài nhiều năm trời. Thậm chí, giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt cả hàng triệu con người, chúng móc ngoặt với nhau xẻ thịt hơn 62 ha đất vàng tại trung tâm thành phố Phan Thiết, biến Sân golf đẹp nhất Đông Nam Á – từ đất thể dục thể thao thành đất ở đô thị để phân lô bán nền, lách qua hàng loạt quy định của pháp luật để chiếm đoạt hơn 7.000 tỷ đồng.

 

           Hình 4. Trang 1 bộ hồ sơ tố cáo của ông Lê Văn Hiền

 

Mặc dù Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vụ sân golf Phan Thiết vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi [2], nhưng kết quả như thế nào, còn phải chờ kết luận từ ông Nguyễn Phú Trọng.

Rõ ràng đây là cuộc chiến giữa những người cộng sản chân chính và những người cộng sản thực dụng, hoàn toàn không có thế lực phản động nào ở đây. Tuy nhiên, ai cũng thấy những người cộng sản chân chính ngày càng hiếm hoi và cô đơn.

_______________

Ghi chú:

[1] Bộ Công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu 9 dự án “khủng” ở Bình Thuận https://www.sggp.org.vn/bo-cong-an-de-nghi-cung-cap-ho-so-tai-lieu-9-du-an-khung-o-binh-thuan-749858.html

[2] Đưa vụ sân golf Phan Thiết vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/dua-vu-san-golf-phan-thiet-vao-dien-ban-chi-dao-trung-uong-theo-doi-763161.html

[3]

Bài 2. NHẬN DIỆN NHÓM LỢI ÍCH

https://vietnamthoibao.org/vntb-san-golf-phan-thiet-bai-2/

https://baotiengdan.com/2020/05/23/san-golf-phan-thiet-bai-2-nhan-dien-nhom-loi-ich/

https://www.facebook.com/ptbtmb/posts/267797001293821

Bài 3. TỈNH RẠNG ĐÔNG”

https://baotiengdan.com/2020/05/24/san-golf-phan-thiet-bai-3-tinh-rang-dong/

https://vietnamthoibao.org/vntb-san-golf-phan-thiet-3/

https://www.facebook.com/ptbtmb/posts/268562767883911

Bài 6. LÀM SAO CHO CÓ NIỀM TIN ?

https://baotiengdan.com/2020/05/27/san-golf-phan-thiet-bai-6-lam-sao-cho-co-niem-tin/

https://vietnamthoibao.org/vntb-san-golf-phan-thiet-bai-6a/

https://www.facebook.com/ptbtmb/posts/271142787625909


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng CSVN: những nguy cơ nội tại ( Bài 5)*

Phan Thanh Hung

VNTB – Sân Golf Phan Thiết – Tỉnh Trưởng Rạng Đông xảo biện

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại hội 13 đi về đâu? ( Phần I)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo