VNTB – Sao lại có chuyện như thế được?

VNTB – Sao lại có chuyện như thế được?

Út Sài Gòn

(VNTB) – Một đảng viên đức cao vọng trọng thì đúng là làm sao lại xảy ra cớ sự như vậy được…

Dư luận vẫn đang bàn luận về vấn đề sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh diều do ông giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên cùng các cộng sự soạn dành cho học sinh lớp 1.

Nhiều ý kiến lên tiếng rằng trong quyển sách có nhiều nội dung không phù hợp, không có tính nhân văn. Song cũng có ý kiến cho rằng, với một người học rộng tài cao như giáo sư Thuyết, trình độ chuyên môn của các cán bộ trong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như sự nhìn nhận của hiệu trưởng các trường, làm sao lại có thể có những sai sót thấy sờ sờ ra đó cho được?

– Quả đúng là thật sự khó tin mà.

– Có gì mà khó tin vậy anh Tám?

– Thì câu chuyện sách giáo khoa Tiếng Việt 1 đó chị Bảy. Với trình độ chuyên môn cao như ông Thuyết, cũng như những người đồng biên soạn rồi khả năng thẩm định của Bộ giáo dục và đào tạo, làm sao có thể sai sót nhiều đến như vậy được? Không biết báo chí và cộng đồng có nói quá không nữa?

– Tui nói thiệt với anh, nếu báo chí nói quá, sao ông Thuyết lại dễ dàng “tha” cho báo được? Nhất là ở đây không chỉ có một tờ báo phản ánh. Cứ cho ông Thuyết “đại nhân không chấp tiểu nhân”, Bộ Thông tin Truyền thông cũng chẳng dễ dàng gì bỏ qua. Ở đó mà nói quá lên.

Mà tui có đọc nội dung trong quyển sách Tiếng Việt 1 đó rồi. Đúng là có nhiều cái cảm thấy kỳ kỳ, từ những từ ngữ nhưng nhá cỏ, nhá dưa cho đến câu chuyện về hai con ngựa như báo đã đăng. Rõ ràng là có những cái bất ổn. Soạn sách giáo khoa cho học sinh, nhất là học sinh lớp 1, nên ưu tiên dùng những từ toàn dân, đằng này nhóm soạn sách lại khoái sử dụng từ địa phương. Có khi người lớn còn không hiểu, làm sao chỉ cho các em?

– Ừ hen…

– Chưa hết, bữa tui có đọc một bài báo. Theo ông Thuyết, ông cho rằng không nên lo học sinh không hiểu, bởi dạy cho học sinh hiểu là nhiệm vụ của giáo viên. Giáo viên sẽ giảng cụ thể cho học sinh ý nghĩa của từ ngữ trong các bài đọc, học sinh không phải tự mình học với SGK.

Có một mâu thuẫn thế này, bìa 4 sách giáo khoa Tiếng Việt 1, đó là lời ông Thuyết hay do cộng sự ổng viết hoặc lời đó của nhà xuất bản, cũng không biết, nội dung lại có vẻ trái ngược như điều ông nói với báo. “Nội dung và hình thức trình bày các bài học trong sách hấp dẫn, khơi gợi trí tò mò khoa học, phát huy tính tích cực, khả năng tự học, tự vận dụng những điều đã học vào cuộc sống và bồi dưỡng tình cảm, đạo đức, lối sống cho học sinh”.

– Ờ, nghe chị nói cũng có lý. Nhưng mà tui không hiểu thế này. Cứ cho ông Thuyết và nhóm của ông có sơ suất đi, Bộ giáo dục đào tạo cũng không để ý kỹ, không lẽ hiệu trưởng các trường cũng không nhận ra?

– Sâu bên trong câu chuyện như thế nào, có gì gút mắc hay éo le, cái đó thì mình cũng không biết nữa. Nhưng tui nghĩ hiệu trưởng phải biết chứ. Năm nay là cái năm mà Bộ cho chọn lựa sách giáo khoa để giảng dạy mà.

Lựa chọn sách của nhóm Cánh diều, chắc các trường cũng phải coi, chọn lọc kỹ càng mới quyết định cho học sinh học chứ. Còn tại sao biết sai vẫn chọn, có lẽ nên đợi coi có hiệu trưởng trường nào trả lời về vấn đề này không?

– Chắc cũng phải như vậy quá. Khi đó, có lẽ mình sẽ có câu trả lời cho câu hỏi tại sao trường biết nội dung không phù hợp lại chấp nhận dạy chương trình đó cho các em lớp 1? Do bị ép ngầm hay do sơ suất trong quá trình chọn lọc giáo trình?

Có thể nói, vấn đề giáo dục là cực kỳ quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Giáo dục học sinh lớp 1 còn quan trọng hơn nữa.

Không biết rằng rồi đây câu chuyện về nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt 1 sẽ ra sao?

Mà thôi, xứ Việt mình mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo rồi mà…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)