Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sẽ giảm án ở phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm và cả với Lê Hữu Minh Tuấn?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Việt Nam tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nên sẽ giảm án ở phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm?

 

Ngày 24-2, thông tin từ Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho biết ngày 8-3 tới sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm với 6 bị cáo trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Theo đó, phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 đến 10-3.

Trong số 6 người kháng cáo án sơ thẩm, nhóm Lê Đình Công (sinh năm 1964), Lê Đình Chức (sinh năm 1980), Lê Đình Doanh (sinh năm 1988), Bùi Viết Hiểu (sinh năm 1943), Nguyễn Quốc Tiến (sinh năm 1980) cùng cho rằng mức án cấp sơ thẩm tuyên cho mình là nặng, xin tòa cấp phúc thẩm căn cứ các tình tiết để giảm nhẹ thêm hình phạt.

Riêng bị cáo Bùi Thị Nối (sinh năm 1958) kháng cáo vì không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm, nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại.

Trước đó, chiều 14-9-2020, Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên tử hình Lê Đình Công và Lê Đình Chức về tội Giết người sau khi xác định họ chủ mưu, cầm đầu vụ chống đối ở thôn Hoành. Cùng tội danh trên, tòa tuyên Lê Đình Doanh án chung thân. Bùi Viết Hiểu lĩnh 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù. Các bị cáo còn lại lĩnh mức án từ 15 tháng tù treo đến 12 năm tù giam.

Liệu với việc Việt Nam hôm 22-2 tuyên bố ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) cho nhiệm kỳ tới, sẽ giúp hội đồng xét xử phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm sẽ chấp nhận các kháng cáo của 6 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm?

Tính đến thời điểm hiện tại thì Việt Nam tiếp tục hứng sự chỉ trích mạnh mẽ về những hành vi được cho là vi phạm nhân quyền.

Một bài viết trên trang web VOA của Ban Việt ngữ đài này, nhận xét: “Chính phủ Việt Nam không ngừng hình sự hoá các hoạt động biểu đạt chính trị, bóp nghẹt tiếng nói của người dân và thẳng tay đàn áp các nhà báo độc lập và những người bất đồng chính kiến.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ và các nhà báo tự do trong nước trong những năm qua, đặc biệt trước thời gian diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13 vừa kết thúc hôm 1-2”.

Khả năng giảm án sẽ ở mức độ nào trong phiên phúc thẩm sắp tới đây?

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người tham gia bào chữa ở vụ án này dè dặt nói rằng: “Phải nói thật đây là sáu bị cáo trong nhóm tội bị tuyên với tội danh là ‘giết người’, do vậy hình phạt đối với họ là rất nặng, còn những bị cáo còn lại, trong đó có một số ban đầu bị buộc tội danh ‘giết người’ đã được chuyển sang tội danh ‘chống người thi hành công vụ’, do đó hình phạt với nhóm được chuyển tội danh đó là khá nhẹ, đồng thời một số người trong số đó đã được trả tự do luôn tại tòa.

Có thể trong thâm tâm, nhóm được chuyển tội danh đó cho rằng họ bị oan, nhưng với việc bị ‘cọ xát’ trong trong quá trình điều tra vụ án, chúng tôi nghĩ rằng họ đã quá hoảng sợ, và họ e sợ với những việc có thể gặp phải nếu tiếp tục theo đuổi quá trình tố tụng và kêu oan. Do vậy, họ chấp nhận bản án mà theo họ khi đã có sự gia giảm hình phạt như vậy đã là may mắn cho họ rồi; cho nên họ chấp nhận là họ không kháng cáo đối với hình phạt của họ, so với 6 bị cáo kháng án kia”.

Giả dụ như bản án tuyên với mức giảm nhẹ hình phạt cho cả 6 bị cáo, thì xem ra có quyền kỳ vọng một kịch bản tương tự đối với nhà báo tự do Lê Hữu Minh Tuấn.

Vì sao lại gọi là ‘kịch bản’? Đơn giản thôi, đó sẽ là một cơ hội để truyền thông cho tính nhân đạo trong hoạt động xét xử ở Việt Nam, qua đó giảm nhẹ phần nào về cáo buộc nhà nước Việt Nam “không ngừng hình sự hoá các hoạt động biểu đạt chính trị”.

Hồi đầu năm nay, thông cáo báo chí của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) phát đi hôm 8-1, ba ngày sau khi ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn, thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, bị tòa án TP.HCM kết án từ 11 đến 15 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.

OHCHR nhìn nhận rằng đây dường như là một phần của một “sự kìm hãm ngày càng tăng” “đối với quyền tự do ngôn luận” ở Việt Nam.

Bà Shamdasani, người phát ngôn của OHCHR lưu ý rằng việc Việt Nam sử dụng luật được định nghĩa mơ hồ để bắt giữ người một cách tùy tiện là vi phạm Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), về quyền có chính kiến và tự do ngôn luận.

Trong một diễn biến khác, thư ký toà án tỉnh Hoà Bình hôm 24-2 đã thông báo hồ sơ vụ án của bà Cấn Thị Thêu và con trai của bà là Trịnh Bá Tư đã được chuyển sang tòa án để giải quyết theo thủ tục xét xử sơ thẩm. Hai mẹ con bà Thêu, Tư cùng bị truy tố tội Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN theo điều 117 Bộ luật Hình sự.


Tin bài liên quan:

VNTB – Có tổn thất dân sự trong vụ án liên quan điều luật hình sự 331 hay không?

Do Van Tien

VNTB – Nhà chức trách ở đâu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ai mới thật sự thao túng đất đai?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo