Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)
Một bức ảnh lan truyền trên mạng đã từ rất lâu và cứ được lập đi lập lại mỗi khi có dịp hoặc đến ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Người đàn ông đứng trên bục cao được cho là Trịnh Công Sơn đang “đọc diễn văn khai mạc buổi xử bắn một thanh niên ‘có tội với cách mạng’ “.
Nguồn gốc là xuất phát từ bài báo đề tựa “Trịnh Công Sơn, một thần tượng sụp đổ …” đăng trên tờ Trắng Đen hồi tháng 9 năm 1975. Bức ảnh của bài báo được chú thích như sau: “Đồng bào Sàigòn bắt đầu ghê tởm Trịnh Công Sơn từ sau buổi anh lên đọc diễn văn khai mạc buổi xử bắn một thanh niên ‘có tội với cách mạng’ ([theo tin của tờ] Washington Post tháng 9 – 75)“.
Nhưng thật ra, tờ Washington Post không những không có bài báo nào như thế, mà cũng chưa bao giờ đăng bức ảnh này.
Sự thật là bài báo tiếng Mỹ và bức ảnh (phóng lớn hình bị cáo) được đăng trên tờ The Lewiston Daily Sun – ngày 6 tháng 6 năm 1975. Nội dung bài báo ghi rõ: “Trên một bục cao ngay phía sau bị cáo Sang là một người đàn ông mặc thường phục đứng đọc lời tuyên án, buộc tội. Câu kết: Tử hình“.
Như vậy, người đàn ông đứng trên bục cao phải là một cán bộ có thẩm quyền kết tội và tuyên án tử hình, do đó người đó không thể nào là Trịnh Công Sơn được.
Hơn nữa, toàn bộ nội dung bài báo (xem bản dịch phía dưới) không hề có “đọc diễn văn khai mạc buổi xử bắn” như tờ Trắng Đen bịa ra.
Ngoài ra ảnh gốc là ở đây với chú thích có nội dung tương tự như trên: https://www.gettyimages.at/detail/nachrichtenfoto/war-and-conflict-the-vietnam-war-pic-june-1975-nguyen-nachrichtenfoto/80751629
Đặc biệt, một số người quen biết Trịnh Công Sơn cho biết, ông không bao giờ mặc áo sơ mi ngắn tay. Có nhiều ảnh chụp nhưng không hề thấy có một ảnh nào Trịnh Công Sơn mặc áo sơ mi ngắn tay.
[Chú thích ảnh]
Thường dân sắp sửa bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời xử tử
Nguyen Tu Sang bị còng tay bị tòa án nhân dân xét xử và kết án tử hình vì ném lựu đạn vào các dân phòng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời và xử tử vào ngày 29 tháng 5 tại Sài Gòn. Hình ảnh này có ở Bangkok, Thái Lan vào thứ Năm [5 tháng 6 năm 1975]. (AP Wirephoto)
Chánh phủ Cách mạng Lâm thời thi hành án tử hình tại Sài Gòn
Chú thích của Ban biên tập: Bài tường thuật dưới đây được mang tay từ Saigon tới Bangkok, Thái Lan, hôm thứ Năm [5 tháng 6 năm 1975].
SAIGON (AP) – Họ đến xem một “Tòa án nhân dân” của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời (PRG) mới.
Có tới hơn 1000 người đến dự khán. Họ tụ tập hồi tuần trước trên đường Công Lý gần cầu McNamara Bridge, cây cầu được người Mỹ gọi theo tên cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara, vì một âm mưu ám sát ông trong khoảng những năm đầu thập niên 1960 khi chất nổ được gài trên cây cầu nằm trong lộ trình của ông.
Nguyen Tu Sang, 23 tuổi, con của một người thợ mộc, đã bị buộc các tội ném lựu đạn vào các dân phòng của Chánh phủ CM lâm thời, tội đã tham gia bốn ngành khác nhau của quân đội Sài Gòn cũ, và là kẻ gây rối tại khu phố của mình.
Hai biểu ngữ treo trên một dãy bàn xếp liền nhau ngang qua mặt đường. Một tấm biểu ngữ viết: “Tòa án Nhân dân Phường Yên Đổ”. Tấm kia viết “Cương quyết trừng trị bọn phá rối trật tự an ninh để đảm bảo tài sản sinh-mạng cho nhân dân”.
Phiên tòa có sự chứng kiến của cha mẹ Sang. Đám đông đứng đối diện một ngôi chùa. Sang đứng thẳng trên một chiếc ghế gỗ mà không thấy có cảm xúc gì, hai tay bị còng ra phía trước. Đứng bên phải anh ta là những binh sĩ của PRG, một trong số họ cầm khẩu súng AK47 với lưỡi lê chĩa vào anh ta. Trên một bục cao ngay phía sau Sang là một người đàn ông mặc thường phục đứng đọc lời tuyên án, buộc tội. Câu kết: tử hình.
Sang được dẫn vào một con hẻm gần đó, nơi anh ta được ra lệnh quay mặt vào một bức tường. Anh bị bắn chết bằng một khẩu súng lục có một bộ phận giảm thanh. Các nhân chứng cho biết có ba phát đạn đã được bắn. Một phát vào đầu Sang và hai phát vào lưng. Một xe cứu thương đã mang xác anh ta đi. Các nhân chứng cho biết ngay trước khi bị hành quyết Sang đã bình tĩnh, và hút một điếu thuốc. Anh ta chỉ suy sụp và khóc khi nhìn thấy mẹ tiến lại gần trong nước mắt.
______________
Nguồn:
https://news.google.com/newspapers?nid=IT5EXw6i2GUC&dat=19750605&printsec=frontpage&hl=en
* Những chữ trong ngoặc vuông […] là chú thích của tác giả bài này.