Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tác động hậu bầu cử Mỹ

Thái Hóa Lộc

 

(VNTB) – Thông điệp rất rõ ràng: Nếu châu Âu muốn được bảo vệ từ Mỹ, họ phải trả giá, cả về tài chính lẫn chính trị. 

 

Cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2024 đã kết thúc và ông Donald Trump sẽ quay lại Toà Bạch Ốc trong một thời gian ngắn nữa. Nước Mỹ và thế giới đứng trước một ngã rẽ. Chắc chắn không phải là Tổng thống 45 Donald Trump như trước mà đây sẽ là một nhân vật đã được tôi luyện qua bốn năm đấu tranh chính trị khắc nghiệt và được tiếp thêm sức mạnh bởi khả năng trở lại quyền lực.

Hệ thống chính trị của Hoa Kỳ, nguyên tắc ‘chúng ta, người dân’ là trọng tài tối hậu quyết định về việc ứng cử viên có thích hợp với trách nhiệm hay không. Trong khi thành phần xã hội không bỏ phiếu cho ông Trump thì xem ông Trump như một nhà độc tài, phát xít bất hảo. Số phiếu phổ thông của người dân Hoa Kỳ dành cho ông lần này lên đến 75,183,260 hơn hẳn đối thủ là bà Kamala Harris 71,930,913 với phiếu cử tri đoàn 312 trên 226 toàn thắng 7 tiểu bang chiến địa. Cùng lúc đảng Cộng hòa của ông chiếm đa số lưỡng viện quốc hội, yếu tố giúp cho ông thực hiện dễ dàng hơn trong nhiệm kỳ cuối cùng của ông… Người dân Mỹ bỏ phiếu ủng hộ ông và đảng Cộng hòa không phải để cho ông “trả thù riêng” mà chính họ muốn nước Mỹ thay đổi, một sự thay đổi toàn diện như những gì ông đưa ra trong lúc tranh cử.

Là con người chắc chắn điều ông không thể quên những “ân oán” mà đảng Dân chủ và đối thủ chính trị đã đối xử với ông. Những ngày tháng ông bị vùi dập xuống bùn nhơ bằng đủ mọi phương cách từ bá đạo đến vương đạo. Càng đánh ông càng vùng lên. Ông bị xem là mối đe dọa cho nền dân chủ của đất nước, là độc tài, phát-xít, kỳ thị. Càng vươn lên ông càng bị đè xuống. Ông bị đưa vào hai cuộc đàn hặc, một cuộc điều tra của Quốc Hội – gồm toàn những người được lựa chọn, rối đến các công tố viên đặc biệt nặn ra tội, vẽ ra tội, chế ra tội để truy tố, hạch tội, đấu tố và buộc tội bất kể chứng cớ. Ngay trong đảng của ông, trong nội các của ông cũng có người phản phúc, chống đối. Ông bị bốn phía bủa vây – không lối thoát. Một vài tiếng nói bảo thủ thưa thớt đã ví các phiên tòa xử trảm ông như các phiên tòa Kangaroo của một nước Cộng Hòa Chuối. Vì đất nước đặt nền tảng pháp trị cho dù chính quyền đã vũ khí hóa, nên ông vẫn còn chút cơ may để thoát hiểm – kể cả mấy vụ âm mưu ám sát. Chính quyền không chỉ đàn áp đối thủ chính trị mà muốn cả triệt tiêu luôn – tức là tống giam. Một nhà tù cũng đã chuẩn bị xà-lim để chờ ông vào thọ án. Ông chưa bị còng tay, nhưng cũng đã được chụp hình lăn tay đúng thủ tục như một kẻ phạm pháp. Tội tầy trời của ông là dám ứng cử chống lại chính quyền đang dùng quyền lực để kìm kẹp thống trị.

Ông không thể trả thù nhưng sẽ thực hiện những điều luật pháp cho phép và quyền lực của một tổng thống để truy nguyên thực sự tội của ông là gì để làm trong sáng lịch sử như ông đã hứa với ứng cử viên độc lập Robert Kennedy Jr. sẽ lật lại vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy năm 1963.

Sự trở lại Tòa Bạch Ốc của ông Donald Trump sẽ đảo lộn trật tự tự do quốc tế trước đây, là bảo vệ dân chủ, nhân quyền và thị trường tự do trên toàn cầu nhưng ông Trump có thể đảo lộn truyền thống này. Thế giới quan của ông không bị chi phối bởi lý tưởng, mà bởi các giao dịch. Không có liên minh nào là thiêng liêng, không có cam kết nào là bảo đảm — chỉ có câu hỏi “Hoa Kỳ sẽ nhận được gì?” là ưu tiên hàng đầu. Ông Trump có thể được hiểu tốt nhất là chính sách của một “siêu cường giao dịch”, một cường quốc sẵn sàng tham gia một cách chọn lọc nhưng ít có xu hướng lãnh đạo vì lợi ích chung. Một nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ mang lại sự chú trọng mới vào “Nước Mỹ Trên Hết”, nhưng lần này với một thái độ cứng rắn hơn. NATO và Liên minh Châu Âu có thể sẽ là những đối tượng chịu tác động mạnh nhất từ sự thay đổi này. Sự khinh miệt của Trump đối với các cam kết đa phương không chỉ là vấn đề ngôn từ; đó là một niềm tin sâu sắc rằng các liên minh như NATO là những di tích của một thời kỳ đã qua, chỉ có giá trị nếu chúng phục vụ lợi ích ngay lập tức của Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo châu Âu, vốn đã quen với các cam kết bảo vệ an ninh từ Washington, có thể sẽ phải đối mặt với một Hoa Kỳ giao dịch, nơi an ninh đi kèm với một cái giá đắt.

Thông điệp rất rõ ràng: Nếu châu Âu muốn được bảo vệ từ Mỹ, họ phải trả giá, cả về tài chính lẫn chính trị. Liệu NATO có thể chịu đựng được áp lực này không? Hay châu Âu cần tưởng tượng một tương lai không còn phụ thuộc vào một Hoa Kỳ có thể chọn rút lui khỏi các cam kết một cách bừa bãi? Chính sách đối ngoại của ông Trump cũng sẽ mang đến một cách tiếp cận thực dụng, dù có phần tàn nhẫn, đối với việc cân bằng quyền lực. Lấy ví dụ, Nga và Ukraine. Ông Trump từ lâu đã lập luận về một “thỏa thuận mới” với Nga, bỏ qua mối đe dọa của Moscow đối với an ninh châu Âu để mở các cuộc đàm phán với Putin. Dưới thời TT Trump, sự hỗ trợ của Mỹ đối với chủ quyền của Ukraine có thể suy giảm nếu Ukraine không còn phù hợp với những lợi ích mà ông Trump thấy có thể thu được cho Mỹ. NATO suy yếu kết hợp với sự tham gia hạn chế của Mỹ ở Ukraine có thể khuyến khích Nga và làm xói mòn nền tảng an ninh của châu Âu.

Ở Trung Đông, ông Trump có thể sẽ gia tăng sự ủng hộ đối với Israel và các quốc gia Ả Rập Sunni, trong khi bỏ qua những lo ngại của người Palestine. Một nhiệm kỳ thứ hai của ông gần như chắc chắn sẽ khôi phục chiến dịch “áp lực tối đa” đối với Iran, nhằm cô lập và kiềm chế Tehran bằng mọi giá. Nhưng sự kiềm chế này có thể đạt được mà không cần cam kết sâu sắc, cho phép các đồng minh khu vực như Saudi Arabia và Israel gánh vác các rủi ro quân sự, trong khi Mỹ thu lợi từ việc bán vũ khí và các quan hệ đối tác chiến lược.

Hai vị trí quan trọng đối ngoại đặc biệt đối với Trung Cộng vẫn là tâm điểm trong thế giới quan của Trump như một đối thủ tối thượng. Ông đã chọn Thượng Nghị sĩ Marco Rubio với chức vụ ngoại trưởng và dân biểu Mike Waltz cố vấn An ninh Quốc gia, hai nhân vật có thái độ cứng rắn với Trung Cộng trong nhiệm kỳ thứ hai để thực hiện một cuộc đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa “tách rời” nền kinh tế Mỹ khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng. Ông Trump hình dung một Hoa Kỳ có thể đứng độc lập về mặt kinh tế và công nghệ với Trung Cộng, thúc đẩy các chính sách thuế quan, hạn chế đầu tư và các chính sách nhằm đưa các ngành công nghiệp thiết yếu trở lại Mỹ. Đối với các quốc gia bị cuốn vào cuộc đấu tranh quyền lực ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, lập trường này có thể đồng nghĩa với việc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Đài Loan có thể nhận được sự ủng hộ mang tính biểu tượng nhưng không có các bảo đảm an ninh vững chắc, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác có thể bị thúc ép phải tăng chi tiêu quốc phòng. Ông Trump sẽ định vị Hoa Kỳ như một “đối tác hỗ trợ” nhưng luôn kèm theo kỳ vọng về sự đền đáp, xem các hiệp ước phòng thủ như các giao dịch kinh doanh chứ không phải là các cam kết vĩnh cửu. Hoa Kỳ của ông không “dẫn dắt thế giới tự do” mà thay vào đó, khăng khăng tái cấu trúc các liên minh theo lợi ích của riêng mình, kéo mỗi quốc gia vào một chu trình phụ thuộc và giao dịch thay vì quan hệ đối tác và trách nhiệm chung.

Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump với một thế giới theo chiến dịch tranh cử của ông “Nước Mỹ Trên Hết” sẽ trở thành hiện thực rõ rệt—nơi các đồng minh có thể thay đổi và mọi mối quan hệ đều phải trả giá với con người thương trường hơn chính trị của ông?

Sự thay đổi nước Mỹ sau cuộc bầu cử chắc chắn sẽ đem lại vui – buồn của cả hai bên ủng hộ trong cộng đồng người Việt chúng ta. Nhưng vui – buồn, phấn khởi hay thất vọng khi ông Trump và đảng Cộng hòa toàn thắng cũng chỉ là “lòng dân-ý trời “ mong muốn nước Mỹ thay đổi để đời sống của người dân được hòa bình – hạnh phúc hơn. Và sự thay đổi này sẽ tiếp tục sau 4 năm sau nếu những gì ông Trump và đảng Cộng hòa không thực hiện những điều gì như họ đã hứa!  

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Người Mỹ yêu nước?

Do Van Tien

VNTB – “Có Trump” hay “không Trump” cũng vẫn vui

Phan Thanh Hung

VNTB – Đường vào toà bạch ốc

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo