Diệp Chi
(VNTB) – Vậy là Việt Nam đã bước vào đợt thứ 3 của bùng dịch Covid-19 trong cộng đồng. Lần này ổ dịch được ghi nhận là lớn nhất, phát hiện nhanh nhất so với 2 đợt trước đó.
Một điểm son xứng đáng tán thưởng, đó là việc Thủ tướng, cùng các Phó thủ tướng và nhiều quan chức trong Chính phủ đã chấp nhận ‘rời’ phiên luận bàn về nhân sự ở Đại hội XIII của Đảng, để nhanh chóng bắt tay vào việc họp bàn, đưa ra biện pháp ngăn chặn dịch lây lan đến các địa phương khác. Tuy nhiên, việc các lãnh đạo ở các tỉnh thành vẫn còn ở Hà Nội để dự Đại hội XIII là điều đáng lo ngại.
“Không lo ngại sao được! Mấy lần bùng dịch hoặc có ca nhiễm cộng đồng trước, nhờ vào những biện pháp của chính quyền địa phương nên nhanh chóng ngăn chặn được dịch. Như đợt vụ tiếp viên VietNam Airlines đó, thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng truy vết được F0, hạn chế tối đa mức độ lây lan, người dân an tâm hơn.
Giờ không chỉ thành phố Hồ Chí Minh, mà các quan chức của các địa phương cũng ra Hà Nội dự đại hội Đảng, dù nghĩ rằng có thể đã phòng bị hết, nhưng đụng chuyện có chắc chắn 100% trở tay kịp hay không? Nhất là đến tối ngày 28-1-2021 Hà Nội cũng xuất hiện ca nhiễm. Thiết nghĩ nên tạm hoãn cái gì đó lại, lo chống dịch trước chứ. Nhất là cái biến thể virus này nguy hiểm hơn những biến thể trước”, không ít người dân sinh sống ở Sài Gòn, bày tỏ ý kiến.
“Mình coi tin tức trên báo điện tử, lúc đầu thấy ca nhiễm cộng đồng là thấy lo rồi. Sau đó, liên tục thấy các tin tức về mức độ lây lan nhanh do biến thể của con virus, đọc tin thôi mà cũng cảm thấy ớn lạnh lắm luôn”, ông Hải, một người bán hàng ăn lưu động trên hè phố Sài Gòn, kể.
“Gần Tết tới nơi rồi mà xuất hiện những ca nhiễm trong cộng đồng như vậy xem như là ăn Tết hết vui. Vốn dĩ năm nay đã hẻo hơn năm ngoái do tình hình kinh tế ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giờ còn lo ngại cả trăm ca mới bị lây trong cộng đồng.
Mặc dù đọc báo thấy các ca nghi nhiễm ở thành phố mình đã có kết quả âm tính lần 1, nhưng cũng phải thận trọng hơn khi ra đường. Chủng mới lây lan nhanh, mình đâu có biết được ai bệnh ai không bệnh”, bà Út, một lão nông không giấu nỗi lo âu khi Tân Sửu đang cận kề.
“Cái Tết sắp đến đây lo vô cùng. Nhất là đối với những người xa quê như mình, không biết phải xoay xở ra sao? Thứ nhất là lo về ăn Tết không được thoải mái. Thứ hai nữa là người dân đang sợ hãi về cái bệnh này, vì bệnh dịch nó lây truyền rất là nhanh, cho nên mỗi người xa quê về ăn Tết cũng không được an tâm lắm. Cả năm trời xa xứ, có cái Tết trở về, giờ có ca nhiễm vậy, ở lại cũng không được ,mà về cũng không biết như thế nào?”, ông Hải chia sẻ tiếp những ưu tư.
“Tình hình này chắc Tết nay ở lại thành phố luôn quá. Chứ dịch vậy cũng khó về, thôi thì mình ở đâu thì ở đó vậy, cho an toàn”, một người dân Hải Dương đang sinh sống ở Sài Gòn cho hay như vậy.
“Một năm qua đã khó khăn rồi, cũng mong sóng gió sẽ bình yên để mình còn buôn bán, bà con còn đi du xuân được như mọi năm chứ kiểu này hoài thì chưa gì hết nghe dịch bệnh tới rồi là thấy nản rồi”, bà Nhi nguyện cầu.
Có thể thấy rằng những ca nhiễm cộng đồng ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội… đều xuất hiện trong thời gian đang diễn ra đại hội Đảng.
Câu hỏi đặt ra, liệu Tân Tổng Bí thư sẽ có những quyết sách nào để Đảng cùng chung tay với Chính phủ chống dịch thật hữu hiệu? Và cũng hy vọng một điều rằng, Tân Tổng Bí thư sẽ có một sức khỏe ổn định để “chân cứng đá mềm” trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam.