Lynn Huỳnh
(VNTB) – Các quốc đảo Thái Bình Dương không ký thỏa thuận an ninh – thương mại toàn khu vực với Trung Quốc.
Hội nghị giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và lãnh đạo, ngoại trưởng các đảo quốc Thái Bình Dương đã không đạt được thỏa thuận quy mô lớn.
Hội nghị do ông Vương và Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama chủ trì cùng sự tham dự của đại diện các nước Samoa, Tonga, Kiribati, Papua New Guinea, Vanuatu, Quần đảo Solomon, Niue và Vanuatu. Trước hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi một thông điệp rằng nước này sẽ là “người anh em tốt” với khu vực và họ chia sẻ “số phận chung”.
Thế nhưng dường như đến lúc này không ai còn dám đặt niềm tin vào chuyện “người anh em tốt” với Trung Quốc.
“Như thường lệ, chúng tôi đặt sự đồng thuận lên trước”, theo Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama phát biểu sau hội nghị, ám chỉ rằng cần một sự đồng thuận phạm vi rộng trước khi ký kết bất cứ “thỏa thuận mới nào trong khu vực”.
Còn trong thư gửi lãnh đạo các nước trong khu vực gần đây, Tổng thống Micronesia David Panuelo cảnh báo rằng thỏa thuận đề xuất là “không thành thật” và sẽ “đảm bảo sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong chính phủ” và “kiểm soát kinh tế” những ngành chủ chốt.
Sau cuộc họp, ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc sẽ công bố tài liệu về lập trường của Trung Quốc để định hình sự đồng thuận và hợp tác giữa Bắc Kinh và các quốc đảo Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng cho hay, Trung Quốc sẽ hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương mà “không có ràng buộc về chính trị”.
Đại sứ Trung Quốc tại Fiji, Qian Bo, cho biết một số quốc gia Thái Bình Dương lo ngại về các yếu tố cụ thể của thỏa thuận trên phạm vi rộng. “Đã có sự ủng hộ chung từ… 10 quốc gia mà chúng tôi có quan hệ ngoại giao. Nhưng tất nhiên, có một số lo ngại về một số vấn đề cụ thể” – Đại sứ Qian Bo nói.
Vẫn theo Đại sứ Qian Bo thì Trung Quốc luôn tham vấn bạn bè liên tục. “Đó cũng là chính sách của Trung Quốc – chúng tôi không bao giờ áp đặt bất cứ điều gì lên các quốc gia khác… điều đó chưa bao giờ xảy ra. Chúng tôi đã ký ba thỏa thuận với Fiji, đều liên quan đến phát triển kinh tế” – Đại sứ Qian Bo nói.
Việc tạm hoãn thỏa thuận đa phương, bao gồm cả an ninh và nghề cá, được đưa ra sau khi Tổng thống David Panuelo của Liên bang Micronesia (quốc gia khách mời) cảnh báo các quốc gia Thái Bình Dương không nên ký hiệp định này, vì lo ngại có thể châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Các đảo quốc Thái Bình Dương chỉ cần nhìn vào cục diện lâu nay mà Trung Quốc đang ứng xử với những quốc gia khác sẽ tự khắc họ hiểu “người anh em tốt” này đang muốn “số phận chung” là gì. Đơn cử như Bộ Ngoại giao Philippines hôm 31-5, giờ địa phương, cho biết đã trao công hàm phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông, theo Reuters.
“Bộ Ngoại giao Philippines lặp lại sự phản đối liên tục đối với động thái hàng năm của Trung Quốc – tuyên bố cấm đánh cá trong các vùng biển vượt quá thẩm quyền hợp pháp trên biển theo UNCLOS (Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển – PV) 1982”, Manila ra thông cáo.
Trước đó, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố cấm đánh bắt cá từ ngày 1-5 đến 16-8 trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông, chồng lấn với vùng biển của Việt Nam và Philippines.
Trong tuyên bố ngày 31-5, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho biết đã triệu tập một quan chức cấp cao của Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) “quấy rối” tàu RV Legend – một tàu Đài Loan – đang cùng các nhà khoa học Philippines nghiên cứu ở vùng biển phía tây nước này. Vụ việc xảy ra vào cuối tháng 3 kéo dài tới tháng 4.
Tin tức cập nhật liên quan cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và hai bên chia sẻ lo ngại chung về tham vọng gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Hai lãnh đạo gặp nhau tại Nhà Trắng trong lúc Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang công du các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy thỏa thuận về nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh.
Tổng thống Biden cho biết Washington không muốn bức chế mà chỉ muốn là đối tác với khu vực trên: “Chúng tôi có thêm việc để làm tại các đảo quốc Thái Bình Dương đó”.
Thông cáo chung sau cuộc gặp bày tỏ lo ngại về thỏa thuận an ninh mới đây giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon.