Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thế nào là một chủ nghĩa để đeo đuổi?

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Nếu không làm cho dân được ấm no, tự do, hạnh phúc thì đừng mơ đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Vì sao chỉ có một con đường?

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ý như vậy trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Phải chăng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới xứng đáng để Đảng đeo đuổi vì nó giúp dân được ấm no, tự do, hạnh phúc?

Vậy thì trước tiên nên hiểu “chủ nghĩa là gì”?

“Chủ nghĩa đấy là sự cần phải biết chủ trương tư tưởng mình, biết sắp đặt cho có thứ tự, biết phẩm bình cho được đích xác, biết đem ra đối chiếu với sự thực, biết tổ chức thành thống hệ, đủ có lẽ phải và đủ được uyển chuyển để in theo với sự kinh nghiệm cùng sự tiến hóa tự nhiên, mà lại có đủ sức mạnh vững vàng để chống được với những sự xô đẩy cùng sự cám dỗ ở bên ngoài.

Người ta, trừ cam tâm làm như cái chong chóng phất phơ ở giữa các phong trào trái nhau, để cho cơ hội nó sai khiến thì không kể, còn ai đã làm người cũng phải có mấy cái phép tắc nhất định, để làm căn bản cho sự sinh hoạt, sự cư xử của mình.

Phép tắc ấy dựng thành thống hệ, có đầu đuôi, có mành mối, thế gọi là chủ nghĩa. Đến kẻ hoài nghi không tin gì cả, hết thảy đều ngờ hết, cũng có chủ nghĩa, chủ nghĩa họ là chủ nghĩa hoài nghi.

Duy những người không có tôn chỉ gì, chỉ phất phơ theo chiều gió mà thôi, là không cần phải chủ trương tư tưởng của mình, không cần phải tổ chức cho thành thống hệ, chi phối cho có kỷ luật, vì tư tưởng của họ không có căn cốt gì; những người ấy thì không thấy cần phải có chủ nghĩa vậy” – trích Phạm Quỳnh. “Chủ nghĩa là gì?”. Tạp chí Nam Phong, Quyển thứ XXIX, số 164, tháng 7-1931, trang 7 – 10.

Như vậy, việc đeo đuổi chủ nghĩa xã hội có thể là lý tưởng của cá nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chứ chưa hẳn là thứ chủ nghĩa được lựa chọn của số đông đảng viên.

Còn với người dân thì thật vô lý khi buộc họ phải chấp nhận đeo đuổi chủ nghĩa xã hội, khi chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự định rằng phải mất 24 năm nữa mới đến mốc 2045 để hoàn chỉnh hệ thống lý luận xã hội chủ nghĩa mà ông Nguyễn Phú Trọng đang là một trong những tác giả chính.

Sự lúng túng trong biện giải khi cố để đi trên con đường ấy

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, tác giả Nguyễn Phú Trọng đưa ra lập luận với trò chơi chữ – nghĩa, khi ông cố gắng thuyết phục người dân rằng con đường mà Đảng chọn lựa đi, trước tiên phải tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội.

Còn công bằng xã hội thì tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển. Có nghĩa lúc ăn bánh mì, thì chúng ta công bằng theo thời ăn bánh mì, lúc ăn khoai lang thì công bằng theo thời ăn khoai lang, khi có mâm cỗ đầy thì công bằng theo thời mâm cỗ đầy. Lúc nghèo, lúc giàu đều bảo đảm công bằng xã hội.

Tuy nhiên ngay trong chính sự công bằng theo từng giai đoạn ấy lại có điểm chung là – vẫn theo nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là sự tha hóa, tham nhũng, biến chất, tự thoái hóa, tự chuyển biến ngay trong đội ngũ của Đảng, và ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng chỉ khi vượt qua được các thách thức này mới lên được chủ nghĩa xã hội.

Còn bao giờ vượt qua, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng vẫn đang tính toán.

Trong mối bùng nhùng, rối rắm lý luận về chủ nghĩa đeo đuổi ở trên, với công chúng, đơn giản hơn nhiều, họ thấy rất rõ rằng từ hồi thành lập Đảng đến nay, người dân không mấy thích kiểu lý luận chính trị của người cộng sản.

Ví dụ cũng dễ tìm thôi.

Trong hai năm 1954 – 1956, người dân miền Bắc sẵn sàng bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để vào Nam mong có cuộc sống tốt đẹp hơn, tự do tư tưởng hơn.

Ở chiều ngược lại Bắc tiến giai đoạn ấy, chủ yếu là những người ‘đi tập kết’ nhằm chuẩn bị tiếp tục cuộc nội chiến Bắc – Nam với sự trợ giúp súng đạn của người đồng chí Trung Quốc và Liên Xô.

Sau tháng tư, 1975 xảy ra sự kiện “Thuyền nhân Việt Nam”, cho thấy một lần nữa người dân lại e ngại bất kỳ ai đeo đuổi chính trị xã hội chủ nghĩa.

Sự phi lý của thảm kịch thuyền nhân Việt Nam còn nổi bật vì những người tị nạn Việt Nam đã phải rời quê hương ra đi để tìm quyền sống, trong khi tiếng súng đã không còn trên lãnh thổ của đất nước họ.

Vào thời đó, khi niềm ước vọng hòa bình mà mỗi người dân Việt đều ấp ủ trong lòng từ bao nhiêu năm trời mới vừa ló dạng, đáng lẽ toàn dân tộc đã có thể nối tay nhau để cùng kiến tạo một đất nước đã phải chịu quá nhiều khổ đau và mất mát trong gần nửa thế kỷ khói lửa triền miên.

Trái lại, lòng thù hận quá đà và niềm cuồng tín chủ nghĩa mù quáng của những người nắm quyền lực bằng súng đạn đã tiếp tục bao phủ đất nước và dân tộc trong một không gian đàn áp và khủng bố tàn bạo, khiến cho người dân miền Nam thời đó chỉ còn một lối thoát là lao mình ra biển cả để tìm con đường sống.

Họ ra đi với một niềm hy vọng và một lời cầu nguyện hướng về những bến bờ tự do, bất kể những hiểm nguy mà có lẽ tất cả mọi người đã dự đoán được trước khi quyết định ra đi…

Người dân luôn có lý

Về sau, khi lệnh cấm vận của Mỹ được giải tỏa, lần này thì dòng người tìm mọi cách sang học tập và cả định cư ở Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia tư bản khác, không chỉ giới hạn người bờ Nam Bến Hải, mà trải dài ra tận ải Nam Quan.

Người dân đã lựa chọn chủ nghĩa với cách đơn giản như thế, chứ không rườm rà kiểu đi tìm cách này, cách khác để chứng minh “chủ nghĩa xã hội cũng có thể giúp dân hạnh phúc, no ấm, tự do giống như… tư bản vậy” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang nỗ lực cho cơ sở lập luận để thuyết phục công chúng cùng chọn đi con đường như ông.

Người dân luôn hiểu rằng đời sống thì hữu hạn, bởi Làm gì có trăm năm mà đợi/ Làm gì có kiếp sau mà chờ”, chẳng mấy ai đủ niềm tin để chờ đợi vào cái mốc thời gian 2045 mà ông Tổng bí thư hứa hẹn.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tại sao Nguyễn Phú Trọng lại phải giở trò cũ trong dịp đón Tổng thống Biden? (Phần 1)

Do Van Tien

VNTB – Ông Trọng

Do Van Tien

VNTB – Thiên hạ luận: Điếm lác…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.