Diệp Chi
(VNTB) – Khi đi xe đạp thì người dân sẽ khó mà tụ tập ở các điểm của ngân hàng SCB để mà ‘đòi tiền’…
Câu chuyện xôn xao mấy ngày qua, không chỉ ở Sài Gòn, bên cạnh việc người dân ùn ùn đến ngân hàng SCB để rút tiền, đó còn là vấn đề của biết bao nhiêu người từ bình dân đến trí thức; từ bán ngoài đường, xe ôm, xe công nghệ đến taxi; từ nông dân đến học sinh… về câu chuyện xăng nhớt.
“Có chỗ thì đông. Chỗ thì không bán, nhân viên ngồi đó ngáp ruồi. Chỗ đông thì người người đứng chen chúc nhau, nhìn thôi nản rồi”, sinh viên Khang, ở Bình Chánh đi đổ xăng nhưng… thất bại chia sẻ.
“Ảnh hưởng nhiều lắm chứ. Như mình đây, ảnh hưởng công việc rất nhiều. Tính chất đặc thù công việc là phải chạy ngoài đường nhiều. Không dính kẹt xe thì đỡ, đông xe thôi là đủ thấy mệt mỏi rồi. Đông xe mà đứng ở con dốc, ở chân cầu, qua được thôi là tốn một mớ xăng, nhớt. Như bình thường, hết thì tấp vào đổ. Giờ hết, nhìn dòng người đứng đầy nghẹt, chờ đợi dài cả hàng, đủ thấy ngán rồi. Rồi công việc như thế nào?”, ông Tư, một cư dân ở Bình Dương bức xúc.
Là một trong những “nạn nhân” của “hết xăng”, chị Ngọc tâm sự: “Bữa mình từ Thủ Dầu Một đi Tân Uyên có công việc. Đâu có ai nghĩ là một tỉnh cũng thuộc loại lớn, Tân Uyên cũng dự trù lên thành phố gì đó, lúc đi mình cũng không đổ đầy bình trước, chỉ còn nửa bình, dự định có hết thì về đổ cũng không sao.
Cho đến khi công việc xong xuôi, trên đường về, trời mưa, tìm đỏ con mắt luôn cũng không có một cây xăng mở cửa. Cây nào còn mở thì cũng có người trực ở đó phẩy tay đi đi, không có xăng đâu. Vừa quạu mà vừa lo hết xăng. Thiệt may mắn, ông trời phù hộ, về được tới nhà bình yên. Ngay cả đến việc đổ xăng, bình thường nhất, cũng dựa vào may rủi thì thấy muốn bó tay rồi”.
“Rồi cái gì mà theo Bộ Công thương cho rằng hiện tượng cây xăng ngừng bán hàng không phải phổ biến, có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động. Một hay hai cây thì còn đỡ, huống gì cả trăm cây. Đi tới đâu cũng toàn thấy cây xăng đóng cửa hoặc dân bu đông nghẹt. Thuế thì kiến nghị giảm, bớt cũng chả thấy, dân phàn nàn rồi cũng thôi, xăng thì thiếu. Đó là chưa kể đến việc không biết con số đó đưa ra có đúng hay không hay chỉ nhằm trấn an người dân? Lỗi thuộc về ai? Có phải thuộc về hai bộ công thương và tài chính không?”, ông Tư bức xúc.
“Muốn đi mua thức ăn, cũng đắn đo. Muốn đi mua sách về cho con, cũng suy nghĩ. Sáng con cái đi học, cũng phải suy nghĩ. Lỡ chẳng may gặp kẹt xe, ngốn xăng dẫn đến hết xăng. Mua thì khó khăn, trữ cũng không ổn. Rồi lỡ nhà có chuyện gì, cần đi cấp cứu, xe đâu mà chạy? Chờ xe cấp cứu thì sốt ruột, trong khi bệnh viện chỉ cách nhà có 2-3 cây số. Một cuộc sống đầy bất an, người dân không thể làm chủ quyết định của mình”, bà Út, một người dân lắc đầu ngao ngán.
Tựu trung lại, trong tất cả mọi việc, để guồng máy có thể vận hành một cách ổn định, phương tiện di chuyển (mà nhiều người dân thường hay ví von là “cái chân đi lại”) là một điều không thể thiếu. Thế nhưng, lùm xùm câu chuyện mấy ngày qua, hết Bộ Tài chính “đá” sang Bộ Công thương thì lại đến việc Bộ Công thương “đá” ngược lại Bộ Tài chính. Người dân thì vẫn miệt mài đứng dưới mưa xếp hàng chờ đợi đổ xăng.
“Cũng chẳng biết có ý đồ gì hay không, nói vui, chẳng biết ý đồ đó có nhằm khuyến khích người dân đi xe đạp hoặc đi bộ nhiều hơn để giảm lượng phát thải hay không? Thế nhưng, cuối cùng, người dân vẫn là người chịu thiệt. Đó là một hành động đầy bất nhẫn. Ngay cả cái quyền đi đổ xăng cũng không thể tự do thực hiện”, anh Minh, một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh bức xúc.