VNTB – Thực hiện quyền lập hiến ở Quốc hội khóa XV sẽ chờ ý kiến Bộ Chính trị?

VNTB – Thực hiện quyền lập hiến ở Quốc hội khóa XV sẽ chờ ý kiến Bộ Chính trị?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Lá phiếu cử tri chỉ là thủ tục của hình thức dân chủ để phục vụ truyền thông.

 

Với những gì đang diễn ra về nhân sự cho Quốc hội cùng nội các Chính phủ nhiệm kỳ mới, cho thấy tất cả được công khai theo một kịch bản do Bộ Chính trị soạn, và lá phiếu cử tri chỉ là thủ tục của hình thức dân chủ để phục vụ truyền thông.

Trong bối cảnh đó của ‘thân phận’ Quốc hội, một giảng viên trường luật có ý kiến như sau về chuyện xa gần rằng mong Bộ Chính trị nếu lại muốn có kịch bản ‘chi phối’, thì nên ‘cập nhật’ một số ý cụ thể sau đây.

Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 tuyên bố: “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” (khoản 1); và tiếp đó lại tuyên bố: “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” (khoản 4).

Hiến pháp là nơi tập trung các nguyên tắc và quy tắc cao nhất bao trùm đời sống chính trị, pháp lý của một cộng đồng chính trị nhất định, và hơn nữa Hiến pháp của Việt Nam là một hiến pháp đơn nhất, vì vậy cách viết Hiến pháp không thể giống với cách viết các đạo luật thông thường, có nghĩa là Hiến pháp phải thể hiện rõ các nguyên tắc, không có ngoại lệ và thật khái quát, dành nhiều chỗ cho các giải thích tư pháp nhằm bảo đảm cho đạo đức của Nhà nước, với điều kiện là có cơ chế kiểm hiến được xác định.

Điều vừa dẫn ở trên của Hiến pháp được viết giống với cách viết một đạo luật thông thường, cho thấy Hiến pháp ngang bằng với hoặc thậm chí thấp hơn so với đạo luật thông thường (nếu đạo luật ấy qui định về thủ tục rút gọn).

Cách viết điều khoản có ngoại lệ như vậy thường thấy trong việc áp dụng pháp luật có lựa chọn về nguồn pháp luật, chẳng hạn: A phải làm một việc cho B, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác, hoặc trừ khi pháp luật có quy định khác, hoặc trừ khi điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác…

Hiến pháp năm 2013 cho phép có thủ tục rút gọn, song việc cho phép này phải thể hiện được thẩm quyền của Hiến pháp chứ không phải thể hiện theo cách như trên mà người ta có thể hiểu Hiến pháp đặt ra nguyên tắc phụ thuộc vào các quy định của những đạo luật khác hoặc Hiến pháp thụ động.

Qua vấn đề kỹ thuật chuyên sâu này (tuy nhỏ và không ảnh hưởng lớn tới thời cuộc và khoa học pháp lý) cho thấy Quốc hội đang thiếu một người có hiểu biết thực sự về xây dựng pháp luật mà có vị thế trong Quốc hội để giúp đỡ Quốc hội trong khâu làm luật.

Hiến pháp năm 2013 được soạn thảo bởi cái gọi là nhiều “giáo sư, tiến sĩ”, rồi cả “giáo sư, tiến sĩ khoa học” về luật, nhưng chỉ có vậy. Điều đó cho thấy không phải là cứ có học hàm, học vị cao là có hiểu biết, và không phải cứ học luật là biết làm luật hay biết hành nghề luật.

Hãy tìm những người thật tâm đối với đất nước, biết học hỏi, lắng nghe tiếng dân và biết sử dụng đúng chuyên gia để phụ trách khâu làm luật của Quốc hội khóa XV. Đại biểu Quốc hội (nếu là luật gia) thì cũng đừng nên tự cho mình là biết về khoa học pháp lý, và hãy là người đại diện xứng đáng cho các cử tri, vì không ai là biết tất, và nếu không hiểu biết đến nơi đến chốn mà quyết định thì là pháp hoại!

Quốc hội là một định chế chính trị nền tảng, và luôn luôn được làm mới về mặt hình thức qua từng khóa hoặc từng thời kỳ. Tuy nhiên nếu không chú ý thường xuyên, đầy đủ và nghiêm túc tới chất lượng hoạt động của Quốc hội để cải cách, vẫn chỉ có thể có được những đạo luật, hoặc quyết sách vô hồn trên giấy hoặc đầy khiếm khuyết.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)