Việt Nam Thời Báo
(VNTB) – Một tuần lễ sau ngày đầu năm 2023, ông Phạm Chí Dũng đã được đưa vào trạm xá của trại giam vì xuất huyết.
Trong những ngày cuối năm người người nhà chuẩn bị ăn tết, gia đình những tù nhân chính trị lại xuôi nam ngược bắc để thăm người thân mình trong chốn tù đày. Đây là cái tết thứ tư nhà báo Phạm Chí Dũng và là cái tết thứ ba với nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn sau song sắt. Những chuyến đi vội vã, ngắn ngủi nhưng lại tràn đầy âu lo vì sức khỏe của những thành viên Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam đang giảm sút một cách vô cùng đáng lo ngại.
Phạm Chí Dũng
Nhà báo Phạm Chí Dũng đã từ chối nhận thực phẩm của trại giam từ tháng 5/2022 để yêu cầu trại giam Xuân Lộc Đồng Nai chấp thuận chữa trị răng cho các tù nhân lương tâm. Cuộc đối đầu bền bỉ hơn 6 tháng của nhà báo Phạm Chí Dũng đã phải kết thúc mà không đạt được kết quả như mong muốn.
Một tuần lễ sau ngày đầu năm 2023, ông Phạm Chí Dũng đã được đưa vào trạm xá của trại giam vì khạc ra rất nhiều máu.
Bà Bùi Thị Hồng Loan cho biết gia đình chỉ biết được tình trạng sức khoẻ của chồng sau khi đi thăm nuôi ngày 15/1/2023. “Anh Dũng cảm thấy cổ họng khó chịu, như có nước trong đó, khạc ra thì thấy toàn máu…Ảnh nói khạc ra khá nhiều máu. Họ chuyển ảnh từ trại giam vô trạm xá để kiểm tra. Sau khi kiểm tra thì nói gan, phổi bình thường. Bác sĩ kết luận là anh Dũng bị rách niêm mạc họng.”
Lúc gia đình tới thăm, cán bộ trại giam đưa ông Dũng thẳng từ trạm xá tới nơi gặp người thân. Huyết áp của ông Dũng cũng tăng cao trong thời gian khạc ra máu. Trại giam chỉ có thể cấp thuốc giảm huyết áp còn thuốc giúp trị rách niêm mạc họng không có sẵn trong trạm xá của trại. Ông Dũng nhờ người nhà mua thuốc làm lành niêm mạc vì trong trạm xá không có thuốc. Hiện ông Dũng đang nằm ở trạm xá cùng với 18 tù thường phạm khác.
Bà Bùi Thị Hồng Loan cho biết thêm: “ Anh Dũng xanh như tàu lá. Hết khạc ra máu rồi, nhưng anh Dũng vẫn phải nằm lại trạm xá để theo dõi thêm một tuần nữa.”
Bà Hồng Loan cho biết đã gửi liền vô cho chồng thuốc xịt làm lành tổn thương niêm mạc nhưng còn nguyên nhân chính xác vì sao gây xuất huyết thì không thể xác định được.
Do tại trạm xá không có đồ để nấu nướng, nên ông Phạm Chí Dũng đã nhận đồ ăn của trại trong thời gian này. Việc không nhận đồ ăn của trại giam để yêu cầu trại giam thăm khám chữa bệnh răng miệng cho tù nhân buộc phải ngừng lại vì điều kiện sức khoẻ không cho phép trong khi yêu cầu khám sức khỏe cơ bản vẫn không được thoả mãn.
Nguyễn Tường Thuỵ
Nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ ở trại An Phước ngoài những bệnh đã trở thành mãn tính như huyết áp, ghẻ ngứa, giờ lại thêm bị hành hạ vì đau nhức răng nhưng không có thuốc chữa. Ông Thuỵ cho biết hiện đang phải chịu nhiều áp lực trong trại giam.
Áp lực không đến từ cán bộ trại giam mà đến từ những người gọi là “anh em”. Đội 35 nơi ông Thuỵ đang thụ án có 26 tù chính trị thì đã có 22 người nhận tội. 4 người “cứng đầu” còn lại không nhận tội nên “rất khó sống”. Áp lực đó là gây sự, tạo nghi ngờ lẫn nhau từ những chuyện tưởng như nhỏ nhưng không nhỏ.
Bà Lân vợ ông Thuỵ kể có lúc ông Thuỵ bị phạm nhân ở cùng phòng chửi rủa liên tục hai ba ngày mà không có lý do gì cả. Dù ông Thuỵ vẫn chia sẻ đồ thăm nuôi của mình với bạn tù nhưng vẫn bị ghen ghét vì gia đình đi thăm nuôi đều đặn mỗi tháng. Lý do lại được làm trầm trọng hơn là do ông Thuỵ nhận được nhiều tài trợ.
Việc tra tấn tinh thần từ nhiều hình thức, nhiều người, và liên tục khiến cho ông Thuỵ càng khổ sở. Thậm chí ông Thuỵ còn phải viết tường trình và suýt bị kỷ luật chỉ vì bị đổ vấy cho một việc làm “lợi dụng để lấy tiếng”.
“Anh (Thuỵ) bảo em cứ xác định anh không thể sống đến khi ra tù đâu,” bà Lân cho biết.
Lê Hữu Minh Tuấn
Nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn hiện đang thụ án tại trại Xuyên Mộc, Vũng Tàu.
Được biết, Lê Tuấn đã không còn bị biệt giam, nhưng hiện đã thoải mái hơn một chút vì ở một mình phòng giam riêng. Sức khoẻ của Lê Tuấn cũng vẫn chưa được cải thiện. Do điều kiện giam giữ khắc nghiệt từ ba năm nay, dù mới ngoài 30 nhưng Lê Tuấn đã bị viêm đại tràng, huyết áp thất thường và viêm da mề đay cộng với thính giác suy giảm. Trước khi bị bắt giam hồi tháng 6/2020, Lê Tuấn đã có một cuộc tiểu phẫu tai. Có lẽ do điều kiện vệ sinh, áp lực và những lý do khác mà vết thương không được chăm sóc đúng mực và hồi phục đầy đủ, dẫn tới thính giác bị suy giảm nhiều.
Gia đình Lê Tuấn cho biết đã gửi thuốc đặc trị vào cho Tuấn, nhưng để trị được tận gốc thì cần phải có sự theo dõi và điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Đây là điều không thể có được đối với tù chính trị.
Được biết Lê Tuấn cũng như nhà báo Phạm Chí Dũng không được nhận thư và viết thư gửi về nhà. Do không ký giấy nhận tội nên Lê Tuấn không được phép ra ngoài để hít thở hay tập thể dục cũng như “không được phép đi lao động” ngoài trời. Bù lại Lê Tuấn yêu cầu gia đình gửi sách báo song ngữ vào để học thêm, giết thời gian nhàn rỗi – tận dụng thời gian để học hỏi, không để bị tụt hậu.
Bà Lê Thị Hoài Na cho biết Lê Tuấn hay bị sôi bụng nên gia đình đã gửi thêm men vi sinh giúp cho tiêu hoá được thuận lợi. Ngoài ra, Lê Tuấn còn bị đói do bữa sáng được phát không đều đặn. ” Ăn sáng bữa có bữa không. Có bữa được phát chén cơm trắng, có bữa không có gì. Nếu có tiền thì mua được mì tôm để ăn, không thì phải nhịn.”
Cho đến nay cả ba nhà báo của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam đều không ký nhận tội. Gia đình của cả ba anh đều nhận được giấy xếp hạng hạnh kiểm yếu kém từ trại giam. Việc không chịu nhận tội bị xếp loại hạnh kiểm kém sẽ khiến cho bản thân tù nhân bị đối xử phân biệt, bị áp lực và sẽ không được giảm án. Bản thân các anh Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn rõ hơn bao giờ hết hậu quả của việc không nhận tội nhưng các anh vẫn không nhận mình có tội.
Một cái tết nữa lại đến, chỉ mong các anh chân cứng đá mềm trong điều kiện khắc nghiệt. Để rồi ta lại còn gặp nhau, để ước vọng báo chí độc lập được thành hiện thực.