Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tổng Giám Đốc WHO: Chuẩn bị cho đại dịch.

Thục Quyên phỏng dịch 

 

(VNTB) – Liệu virút này có tiềm năng gây đại dịch? Hoàn toàn có. 

 

Kính chào qúi vị,

Như mọi khi, tôi xin phép bắt đầu với những con số mới nhất. 

Vào lúc 6 giờ sáng nay, theo giờ Geneva, Trung Quốc đã báo cáo với WHO tổng cộng 77.362 trường hợp nhiễm COVID-19, gồm cả 2618 trường hợp tử vong. 

Trong 24 giờ qua, tại Trung Quốc có 416 trường hợp mới đã được xác nhận và 150 trường hợp tử vong. Chúng tôi cảm thấy chút phấn khởi bởi sự sụt giảm liên tục các trường hợp tại Trung Quốc.

Sáng sớm hôm nay, phái đoàn công tác chung WHO-Trung Quốc đã kết thúc chuyến thăm và đưa ra báo cáo về tình hình.

Như qúi vị đã biết, phái đoàn đã đến một số tỉnh khác nhau, kể cả Vũ Hán, và có một loạt phát hiện về khả năng truyền bệnh của virút, mức độ nghiêm trọng của bệnh và tác động của các biện pháp được áp dụng.

 

Phát hiện đầu tiên là dịch bệnh đã lên đến đỉnh điểm và tiếp đó giữ nguyên mức độ, trong khoảng thời gian từ ngày 23.01 đến ngày 2.02, rồi từ đó đã giảm dần.

Điều thứ hai là DNA của virút không có thay đổi đáng kể, 

Tỷ lệ tử vong là từ 2% đến 4% ở Vũ Hán và 0,7% bên ngoài Vũ Hán.
Đối với những người mắc bệnh nhẹ, thời gian phục hồi là khoảng hai tuần, trong khi những người sẵn mắc bệnh nặng hoặc nguy hiểm, sẽ cần ba đến sáu tuần.

Phái đoàn cũng đánh giá các biện pháp được thực hiện ở Trung Quốc đã ngăn chặn được một số lượng đáng kể các trường hợp nhiễm bệnh.

 

Báo cáo còn chứa nhiều thông tin khác, cũng như nhấn mạnh lên những vấn đề mà chúng ta vẫn chưa có câu giải đáp, và bao gồm 22 khuyến nghị.

Ngày mai, bác sĩ Bruce Aylward sẽ thay mặt cho phái đoàn để cung cấp thêm chi tiết 

(lời người dịch: Bác sĩ B.Aylward là một nhà dịch tễ học Canada, phụ tá Tổng giám đốc WHO) 

Nhưng thông điệp chính có thể mang lại hy vọng, can đảm và tự tin cho tất cả các quốc gia, là có thể ngăn chặn được vi rút này. Thật vậy, có rất nhiều quốc gia đang làm được điều đó.

Ngoài Trung Quốc, hiện có 2074 trường hợp nhiễm bịnh tại 28 quốc gia và số tử vong là  23 người.

 

Sự gia tăng đột ngột các trường hợp tại Ý, Cộng hòa Hồi giáo Iran và Hàn Quốc mang tới nhiều lo nghĩ, và đưa tới những suy đoán liệu những gia tăng này có nghĩa là dịch bệnh đã trở thành một đại dịch?
Chúng tôi rất hiểu tại sao mọi người đặt ra câu hỏi đó.

 

WHO đã tuyên bố mối quan tâm quốc tế về tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng – mức báo động cao nhất của chúng tôi – từ khi có ít hơn 100 trường hợp bên ngoài Trung Quốc và 8 trường hợp lây truyền từ người sang người.

 

Quyết định của chúng tôi về việc có nên sử dụng từ “đại dịch” để mô tả dịch bệnh hay không, dựa trên sự đánh giá liên tục về mức lây lan của virút, mức độ nghiêm trọng của bệnh và tác động của nó trên toàn xã hội.

Hiện tại, chúng tôi không ghi nhận virút này đã gây ​​sự lây lan toàn cầu vượt tầm kiểm soát và cũng không ghi nhận ​​bệnh nặng hoặc tử vong trên diện rộng.

Liệu virút này có tiềm năng gây đại dịch? Hoàn toàn có. 

Chúng ta đã tới mức đó chưa? Theo đánh giá của chúng tôi, chưa.

Như vậy chúng ta nên mô tả tình hình hiện tại như thế nào?

 

Những gì chúng ta thấy, là dịch bệnh xuất hiện ở các khu vực khác nhau trên thế giới, ảnh hưởng đến các quốc gia theo những cách khác nhau, và đòi hỏi những phản ứng phù hợp đặc trưng.

Sự gia tăng đột ngột trong các trường hợp mới chắc chắn là đáng gây lo nghĩ.

Tôi luôn luôn nhắc rằng chúng ta cần những dữ kiện thật chứ không cần sự hoảng sợ. Sử dụng từ “đại dịch” bây giờ không phù hợp với thực tế, nhưng chắc chắn sẽ gây ra sự sợ hãi. 

Đây không phải là lúc dồn tâm trí vào từ ngữ chúng ta sử dụng.

Nó sẽ không giúp ngăn ngừa nổi một trường hợp nhiễm trùng nào, hoặc cứu được một mạng sống nào.

Đây là thời gian để tất cả các quốc gia, cộng đồng, gia đình và cá nhân tập trung vào việc chuẩn bị.

 

Chúng ta không sống trong một thế giới nhị phân, đen trắng.
Nó không là một sự lựa chọn hoặc thế này, hoặc thế kia. Chúng ta phải tập trung vào ngăn chặn, trong khi vẫn làm mọi thứ có thể để chuẩn bị cho một đại dịch tiềm tàng.

 

Không có kiểu tiếp cận “một cỡ phù hợp cho tất cả”. Mỗi quốc gia phải tự đánh giá rủi ro trong bối cảnh của riêng mình. WHO cũng đang tiếp tục cách riêng để đánh giá rủi ro và theo dõi diễn biến của dịch bệnh 24/24 giờ

Tuy vậy, có ít nhất ba ưu tiên.

Thứ nhất, tất cả các quốc gia phải ưu tiên bảo vệ các nhân viên y tế.

Thứ hai, chúng ta phải kêu gọi các cộng đồng tham gia bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là người già và những người có tình trạng sức khỏe yếu kém.

Và thứ ba, chúng ta phải bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, bằng cách làm hết sức mình để giữ dịch bệnh ở các quốc gia có khả năng đối phó.

 

Trong những ngày vừa qua, tôi đã họp với các bộ trưởng bộ ngoại giao Pháp, Đức, Indonesia, Cuba và Hàn Quốc, và tôi xin cảm ơn họ đã đồng ý hỗ trợ chương trình  ứng phó.
Tôi cũng xin cảm ơn Ủy ban Âu châu đã đóng góp 232 triệu Euro, điều này thể hiện sự đoàn kết toàn cầu, mang lại cho tôi niềm hy vọng.                                                                      

Pháp, Đức và Thụy Điển cũng đã công bố sẽ đóng góp bổ sung.

 

Đây là một mối đe dọa chung. Chúng ta chỉ có thể đối mặt với nó khi cùng nhau hợp sức, và chúng ta cũng chỉ có thể cùng nhau thắng nó.
Khi chúng ta cùng nhau hành động – các quốc gia, các tổ chức y tế khu vực và toàn cầu, ngành truyền thông, phạm trù tư nhân và mọi người ở khắp mọi nơi – sức mạnh tập thể của chúng ta sẽ rất đáng nể.

Một mình, ta sẽ thua. Cùng nhau, chúng ta sẽ thắng.

Xin cám ơn tất cả,

Tedros Adhanom

* Cho đến ngày hôm nay 26/2/2020

Tổng số ca nhiễm bệnh: 81. 296

Tử vong: 2.770 người

Hồi phục: 30.359 ca

Tin bài liên quan:

VNTB – Chủng ngừa COVID-19: Tại sao lại Quân đội nằm trong 11 nhóm đối tượng ưu tiên?

Phan Thanh Hung

VNTB –  Thắng nhanh COVID: hô khẩu hiệu dễ hơn làm

Phan Thanh Hung

VNTB – Covid-19 và chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc vào Trung Quốc (bài 19)*

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo