Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trích hồi ký sắp xuất bản của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ( Kỳ 5)

quyền tự do báo chí

Đoàn Viết Hoạt

 

(VNTB) – Mặc dù đã công khai hóa Duy Dân như thế với những người bắt giữ tôi, nhưng trong hồ sơ và cáo trạng không bao giờ họ nhắc đến danh từ Duy Dân.

 

Lúc đó tôi đang hướng dẫn một số bạn trẻ về học thuyết Duy Dân. Tôi tập trung trình bầy cho họ phần lý luận, không nói gì về phần tổ chức. Tôi cho rằng để thắng được cộng sản cần có lý luận. Tôi vận dụng tư tưởng của cụ Lý để bẽ gẫy học thuyết của Mác, từ tiền đề triết học tới phần biện chứng pháp và sử quan duy vật. Tôi muốn trang bị cho các bạn trẻ một vũ khí tinh thần để họ sử dụng trong cuộc chiền đấu của họ. Với các anh em trẻ này, cũng như với bất cứ ai tôi có dịp trình bầy về học thuyết của cụ Lý, tôi đều đề nghị với họ một nguyên tắc. Ðó là họ phải hỏi và phản ứng lại những gì tôi trình bầy, cho tới khi nào thấy không còn thắc mắc gì nữa tôi mới đi sang vấn đề khác. Và bất cứ lúc nào có thêm thắc mắc vẫn có thể trở lui để đặt lại vấn đề. Tôi cũng nói rõ với họ rằng, đối với tôi không cần biết đến đảng Ðại Việt Duy Dân, mà chỉ cần biết đến hệ thống tư tưởng của cụ Lý, mà tôi coi như tài sản văn hóa chung của dân tộc, bất cứ ai muốn đi tìm môt con đường phát triển cho Việt Nam đều nên và có quyền được nghiên cứu và vận dụng. Do có cơ duyên biết được tư tưởng này nên tôi thấy có bổn phận trình bầy trọn vẹn hiểu biết của tôi cho bất cứ người thiện tâm nào muốn tìm hiểu.

Trong những buổi tôi trình bầy với các bạn trẻ về tư tưởng của cụ Lý, chúng tôi ngồi dựa tường nói nhỏ vừa đủ nghe, mắt nhìn thẳng, không làm ra vẻ quan trọng kín đáo gì. Cha Tự Do nằm ngay cạnh tôi có thể loáng thoáng nghe được. Một hôm sau khi nói truyện xong với các bạn trẻ tôi vừa nằm xuống cạnh cha, cha liền hỏi nhỏ tôi:

         — Có phải anh nói với mấy cậu đó về Lý Ðông A không?                  

         — Vâng, cha cũng biết cụ Lý à?                                                     

         — Trước khi tôi bị bắt có người quen đã nói với tôi về Lý Ðông A. Họ sắp cho tôi mượn tài liệu thì tôi bị bắt.      

         — Nhưng sao cha nghe tôi nói chuyện cha lại biết rằng tôi đang nói về Lý Ðông A?                                                                                  

         — Vì tôi nghe loáng thoáng thấy anh đề cập tới Nhân Chủ. Người tôi quen ở ngoài cũng thường hay nói tới danh từ này.

 Sau đó cha yêu cầu tôi nói cho cha biết về học thuyết Lý Ðông A. Kể từ đó tôi bắt đầu nói với cha về tư tưởng của cụ Lý. Tôi cũng đề ra với cha Tự Do những nguyên tắc mà tôi đã áp dụng với các bạn trẻ. Vì nằm cạnh nhau nên chúng tôi thường nói chuyện với nhau vào buổi tối. Giờ này thuận tiện vì ai cũng nằm và nói chuyện nên phòng ồn ào câu chuyện giữa chúng tôi không bị ai để ý.

Thời gian này tôi cảm thấy rất hào hứng và bổ ích. Càng nói chuyện về tư tưởng của cụ Lý tôi càng hiểu thêm những quan điểm và lý luận của cụ Lý. Chính các câu hỏi của người nghe đã giúp tôi soi xét lại những hiểu biêt của tôi, và nhờ đó mỗi ngày tôi một thấy thêm. Nhiều điểm trong tư tưởng của cụ Lý trước đây tôi chỉ hiểu lờ mờ, hoặc hiểu nhưng không trình bầy rõ ràng ra được. Nay nhờ những vặn hỏi cặn kẽ của người nghe tôi tự soi sáng thêm cho mình. Và quan trọng hơn, tôi cũng thấy rõ hơn những điểm cần được bổ sung hay sửa đổi, đúng như yêu cầu mà chính cụ Lý đã đề ra trong một tài liệu của cụ. Tôi thấy mình “chín mùi” hơn trong tư tưởng và lý luận của mình. Tôi càng thấm hơn ý nghĩa thực tiễn của vòng tròn chôn ốc biện chứng “Ỷ tha – Tự Kỷ – Ðộng tha”, và của nguyên lý “tri-hành đồng tiến”.

      Và chính trong những giây phút bừng bừng niềm phấn khởi như thế, vào ngày 30 tháng 4 năm 1976 tôi đã làm bài thơ “Tuyên Ngôn Nhân Chủ” mà vào năm 1995 đã được Phong Trào Nhân Quyền 2000 in trong tập thơ của tôi và sau đó đã được một vài tô chức nhân quyền dịch sang tiếng Anh. Trong bài thơ này tôi phê phán chủ nghĩa Mác:

               Ðường Cộng sản nay đã thành ngõ cụt

               Sáu mươi năm xét lại biết bao lần

               Thiếu nhân tính biến người thành máy móc

               Mất nhân chủ hạnh phúc phải lùi dần

Và tôi tin tưởng rằng:

               Nhưng lịch sử đã tới hồi quyết định

               Trên tro tàn của cuồng vọng tiêu ma

               Cả thần quyền lẫn vật quyền xụp đổ

               Cho nhân quyền rọi ánh sáng chan hòa.

Một buổi sáng tháng 5 tôi dậy sớm tập dịch cân kinh ngay cửa buồng. Các bạn trong phòng giam còn ngủ. Chợt nhìn qua song sắt thấy ngôi sao mai rực sáng trên trời tôi quên cả cảnh tù đầy, hốt nhiên như thấy bừng nở trong lòng một đóa hoa tươi thắm

               Sao mai sáng tỏ trên trời

               Như lòng ta đã chói ngời niềm tin

               Tình thương tỏa ngát trong tim

               Nở hoa nhân ái khắp miền trần gian

               Cuộc cờ chuyển đến hồi tàn

               Mở thời đại mới vẻ vang giống nòi

               Sao mai Nhân Chủ ra đời

               Văn minh chiếu rọi loài người chung soi.

Tôi chia xẻ những cảm nghĩ và viễn tượng tương lai đầy lạc quan đó của tôi với cha Tự Do và vài bạn trẻ trong phòng. Hy vọng chúng tôi cùng tăng thêm ý chí và xua tan đi những khổ cực hàng ngày trong phòng giam ngày một chật chội hơn ngột ngạt hơn.

Chắc anh Sang và các anh em khác trong buồng đã nghe anh Hồ Thành Ðức nói về tôi. Ngay tối đầu tiên anh Sang đã nói ngay với tôi:

           — Tôi đã nghe nhiều anh em nói về anh. Anh có thể nói cho tôi nghe về Duy Dân được không?                                                                    

            — Anh muốn nghe về đảng Duy Dân hay về hoc thuyết của cụ Lý?  Nếu muốn nghe về đảng Duy Dân thì tôi không biết gì nhiều và theo tôi thì không còn đảng Duy Dân nữa.                                

            — Tôi chỉ muốn biết về tư tưởng của Lý Ðông A thôi. Tôi cũng đã biết một ít rồi.               

            — Nếu vậy thì tôi sẳn sàng trao đổi với anh.

Và ngay buổi tối hôm đó tôi bắt đầu trình bầy cho anh Trần Danh Sang nghe về Thắng Nghĩa Duy Dân. Vì tay anh Sang không bị còng nên chúng tôi và anh Sang phải ngồi vào chỗ hơi khuất trong phòng để cán bộ đi tuần nhìn vào không thấy. Trong lúc chúng tôi nói chuyện các bạn trẻ là đệ tử của anh Sang vừa canh chừng ngoài cửa vừa lắng nghe.   

Nhưng mới nói chuyện được đến buổi tối thứ ba thì sáng hôm sau anh Sang đã bị chuyển đi Chí Hòa, sau đó ít lâu bị đưa đi trại lao cải. Nghe nói đi đến đâu anh cũng tích cực hoạt động, tổ chức và hướng dẫn các anh em trẻ. Sau này khi được tự do vào năm 1988 anh bị một chuyện buồn về gia đình. Từ đó đến nay tôi không có tin tức gì về anh nữa.  

Nguyên tôi thường nói chuyện với vài bạn trẻ về quan niệm của LĐA về Nhân chủ, và có làm một bài thơ với tựa để Tuyên Ngôn Nhân Chủ (Đinh Viết Mâu)

    (*) Thơ Tù Đóa Từ Tâm. http://doanviethoat.org/indexVN.htm    

Trong những câu chuyện ông kể tôi nhớ nhất chuyện có liên quan đến Lý Đông A. Ông cho tôi biết trong thời gian những năm 1940’s ông làm bí thư cho ông Nguyễn Tường Long tức Hoàng Đạo. Vào năm 1943 ông Hoàng Đạo nhận được lệnh của ông Nguyễn Tường Tam từ Hoa Nam gửi về nhắn xuống Hải Phòng đón ông Lý Đông A. Khi gặp nhau, ông Lý Đông A đưa cho ông Nguyễn Tường Long một tài liệu có ghi hàng chữ “Ký Trình”, “Báo Cáo – Cống Hiến Ý Kiến – Yêu Cầu” trong đó chủ yếu là yêu cầu thống nhất tổ chức, với một chỉ huy, một chủ nghĩa là “Duy Dân chủ nghĩa của P.B.C. (đổi mới).” Theo ông Như Phong, tài liệu đã có 4 chữ ký của Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh và Lý Đông A. Theo yêu cầu của ông Nguyễn Tường Tam, ông Hoàng Đạo cho người tìm ông Trương Tử Anh để cùng ký tên, nhưng lúc đó ông Trương Tử Anh đang phải lẩn trốn vì bị cộng sản tìm giết nên đã để một cán bộ thay ông ký tên cho đủ 5 người (*). Ðối với tôi, thời gian ở Chí Hòa khó thể nào quên nhờ biết được những chuyện như thế. 

Có một điều mà tới nay tôi vẫn chưa giải thích được. Bản cáo trạng kết tội các anh tôi hoạt động cho đảng Duy Tân, mặc dù công an tịch thu đầy đủ tài lịêu của Duy Dân, và các anh tôi không hề chối cãi việc họ hoạt động cho Duy Dân. Các anh tôi cũng không giải thích được việc này. Sau năm 1975, tôi đã bỏ nhiều thời gian tìm đọc và nghiên cứu những tài liệu sách báo của miền Bắc cộng sản viết về các đảng phái quốc gia. Tôi chưa hề thấy một cuốn sách hoặc tài liệu nào đã được công bố viết về Duy Dân. Ngay cả nhắc đến tên Duy Dân và Lý Ðông A tôi cũng chưa thấy. Có thể là tôi chưa đọc hết. Chỉ có một lần tôi đọc được trong lịch sử đảng bộ Hòa Bình của đảng cộng sản VN, có đọan nói đến việc họ đã giết được Lý Đông A nhưng lại nói tên thật của ông là Trần Khắc Tường (*), trong khi tên thật của Lý Đông A là Nguyễn Hữu Thanh. Giờ đây khi vào trang nhà của đảng bộ Hòa Bình không còn thấy đoạn này nữa. Có thể họ thấy không đúng nên đã bỏ đi.

Tôi thấy các nhà nghiên cứu miền Bắc viết nhiều về tất cả các đảng phái quốc gia cũ, Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội, Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt, Tân Việt, về cái chết của Huỳnh Phú Sổ, Trương Tử Anh. Về Huỳnh Phú Sổ cộng sản cho rằng ông đã bị Pháp giết, một điều mà không một người Hòa Hảo cũng như quốc gia nào tin cả. Về Trương Tử Anh, họ nhận đã bắt và giết ông. Riêng về Lý Ðông A, thì như đã nói ở trên, lúc đầu họ có nói đến nhưng không đúng sự thật và hiện nay tôi chưa tìm thấy họ nói đến trong tài liệu nào của họ. Riêng trong vụ án của các anh tôi, tài liệu Duy Dân rõ ràng, các anh tôi cũng nhận đã hoạt động cho Duy Dân, nhưng trong bản cáo trạng họ lại cố tình sửa thành đảng Duy Tân. Họ sợ gì khi nói đến Duy Dân, nếu không phải là sợ vô tình làm cho mọi người chú ý tới chủ nghĩa Duy Dân, một hệ thống tư tưởng đầy đủ từ phần lý luận thuần túy đến phần kiến thiết luận và cách mạng luận, chặt chẽ, và vừa của người Việt, vừa vượt xa chủ nghĩa Mác ngoại nhập. (**)

Trường hợp của tôi cũng thế. Lần bị bắt đầu tiên, năm 1976, họ tìm được một tờ các bon tôi đánh máy tài liệu có tựa đề đọc được rất rõ là:”Hình thức và Ý Nghĩa Ðảng Kỳ”. Tài liệu này do tôi biên soạn, được thân sinh tôi, Thái Nhân, nguyên là Cán sự trưởng Cán sự bộ 002, của đảng Duy Dân, chỉnh sửa và do Học xã của 002 ấn hành. Tôi cũng đã công khai nói rõ những hiểu biết của tôi về lý thuyết của Lý Ðông A và quan điểm của tôi về lý thuyết này. Tôi đã nói rõ với cán bộ điều tra rằng, về mặt tổ chức đảng Duy Dân không còn, nhưng về mặt lý thuyết tôi coi học thuyết của Lý Ðông A, mà ông gọi là chủ nghĩa Duy Dân hay Thắng Nghĩa, không phải là của riêng của đảng Duy Dân, mà là tài sản văn hóa tư tưởng chung của mọi người Việt yêu nước, bất kể thuộc đảng phái chính trị nào. Mọi người Việt yêu nước có quyền và nên nghiên cứu học thuyết này trong việc tìm ra một đường hướng xây dựng đất nước trong thời đại 2000. Tôi cũng đã tìm hiểu Thắng Nghĩa trên tinh thần đó. Mặc dù đã công khai hóa Duy Dân như thế với những người bắt giữ tôi, nhưng trong hồ sơ và cáo trạng không bao giờ họ nhắc đến danh từ Duy Dân. Nếu có đề cập tới những hoạt động chống chế độ của tôi họ cũng chỉ dùng những chữ rất mơ hồ như “tổ chức phản động trước giải phóng” mà thôi. Tại sao cộng sản không dám hoặc không muốn nhắc đến Duy Dân và Lý Ðông A trong các văn kiện được phổ biến công khai và chính thức? Phải chăng vì họ không muốn mọi người quan tâm đến đất nước biết đến Lý Đông A và học thuyết Duy Dân của ông?


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam cần một nền văn minh tổng hợp đông tây kim cổ

Phan Thanh Hung

VNTB – Trang Việt Nam Thời Báo có làm tốt vai trò phản biện xã hội?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thời Phản Động 

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo