Việt Nam Thời Báo

VNTB – Triết lý giáo dục ‘không’ định hướng xã hội chủ nghĩa

Mai Lan

 

(VNTB) – Tôi mong rằng các con được học kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn nhiều hơn để thực sự thích nghi và xử lý được một số tình huống nhất định theo độ tuổi thay vì xu thế “gà công nghiệp” hiện nay.

 

Phụ huynh Vũ Văn Lai ở thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ:

“Tôi mong cho dù tuổi nào học sinh cũng được nói lên suy nghĩ của mình, không gò bó và rập khuôn quá mức, không bị áp lực điểm số và thành tích. Các em được học tập và vui chơi với đúng tôn chỉ mỗi ngày đến trường là một niềm vui thực sự. Các em không còn sợ bị điểm kém, hay bị so sánh ở mỗi kỳ thi kiểu hiệu ứng “con nhà người ta” khi có điểm thi.

Tôi mong rằng các con được học kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn nhiều hơn để thực sự thích nghi và xử lý được một số tình huống nhất định theo độ tuổi thay vì xu thế “gà công nghiệp” hiện nay”.

Thầy giáo Giản Tư Trung, cho rằng đang rất cần đến nền “giáo dục khai phóng”.

“Hiểu một cách đơn giản, là khai minh và giải phóng bản thân để trở thành con người tự do, tránh trở thành con người phận vị, công cụ, hoang dã hay nô lệ. Thang đo thành công và hạnh phúc thường thấy trong xã hội là “to have” – có được tiền tài, địa vị, danh vọng…; hoặc “to give” – cống hiến và được công nhận, khen ngợi. Con người thường sẽ chọn một trong hai cách sống này.

Mô hình Giáo dục Khai phóng hướng người học đến thang đo thành công và hạnh phúc là “to be” – sống với chính mình, được là chính mình. Vì thành công bền vững và hạnh phúc đích thực là hệ quả tất yếu khi những người trẻ dấn thân, sống đúng phẩm giá của mình…” – ông Giản Tư Trung giải thích.

Giáo sư Nguyễn Khuê nhìn nhận như sau về triết lý giáo dục phụ thuộc vào… chính trị:

Trước nhất, giáo dục nhân bản nhấn mạnh đến đối tượng của giáo dục là con người. Tức phải lấy con người làm gốc và phải phát huy những khả năng của con người. Đồng thời, giáo dục nhân bản còn hướng đến sự hoàn thiện nhân phẩm của người học. Do đó, nguyên tắc nhân bản đòi hỏi người dạy học phải tôn trọng tính cá biệt giữa các học sinh. Từ đó phát hiện ra những tài năng đặc thù, tạo điều kiện để phát huy những khả năng riêng biệt đó của người học.

Thứ hai là giáo dục dân tộc. Đối tượng của giáo dục là con người. Nhưng những con người đó không tồn tại riêng rẽ, họ thuộc về một cộng đồng xã hội nhất định. Và cộng đồng xã hội đó chính là dân tộc. Cụ thể hơn, đó là dân tộc Việt Nam.

Chúng ta đào tạo những con người này để thành những con người Việt Nam, để sống trong đất nước Việt Nam cùng với những người Việt Nam khác. Vì vậy, nền giáo dục đó phải có bản sắc dân tộc, hay dân tộc tính. Có bản sắc dân tộc, có dân tộc tính, tức phải tôn trọng và phát huy truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt.

Mặt khác, con người không chỉ tồn tại trong cộng đồng, dân tộc của mình mà còn giao lưu, tiếp xúc với cộng đồng, dân tộc khác. Vì vậy, giáo dục không chỉ dừng lại sự tồn tại hòa hợp giữa con người trong cùng cộng đồng mà còn để giao lưu với thế giới bên ngoài.

Giao lưu với thế giới bên ngoài để làm gì? Để tiếp cận nền khoa học kỹ thuật của thế giới để giúp cho đất nước mình được phát triển, tiến bộ. Đây chính là triết lý giáo dục khai phóng.

Cả ba nguyên tắc này như ba mắc xích gắn liền nhau, không thể nói cái nào quan trọng hơn cái nào. Bởi nguyên tắc này sẽ là tiền đề cho nguyên tắc kia. Chúng ta muốn giáo dục một người thì phải giáo dục nhân bản trước. Nếu chưa có gì mà đòi bản sắc dân tộc với khai phóng là bất khả. Do đó, để thực hiện giáo dục khai phóng cần phải đảm bảo hai nguyên tắc nền tảng trên.

Theo tôi, một triết lý giáo dục dù có hay đến mấy đi nữa thì nó chỉ có tính cách khả thi khi nào nó có điều kiện thuận lợi. Nếu không có một môi trường thuận lợi để những nguyên tắc đó, những triết lý đó được thực thi thì nó cũng chỉ là nguyên tắc, triết lý suông. Cho nên vấn đề là ở cơ chế, thể chế… nó có tạo điều kiện cho triết lý giáo dục đó được thi hành không?”


Tin bài liên quan:

VNTB – Trẻ sử dụng Internet quá mức là… bắt chước phụ huynh?

Do Van Tien

VNTB – Quyền tự do học thuật trong giáo dục

Phan Thanh Hung

VNTB – Mời gọi hợp tác công – tư 86 dự án trường học ở TP.HCM

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.