VNTB – Giáo dục “nhân bản”: liệu có làm được?

VNTB – Giáo dục “nhân bản”: liệu có làm được?

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Cải cách ngành giáo dục trong một nhiệm kỳ là vô phương, nhưng đặt nền móng để nó phát triển theo tiêu chuẩn của thế giới văn minh trong 10-15 năm thì có thể.

 

Trả lời trước báo chí, chia sẻ về triết lý giáo dục của mình, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gói gọn vào hai chữ “nhân bản”. Theo ông, yếu tố “nhân bản” phải thể hiện, chi phối trong mọi tinh thần, chỉ đạo, chính sách, hành động, cử chỉ, phương pháp, tài liệu. Tinh thần “nhân bản” làm nền cho tất cả, từ xây dựng trường học, từng cuốn sách, hệ thống học liệu cho đến kết quả của quá trình giáo dục.

Dân gian truyền lại: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Càng khó hơn khi cái “bản tính” đó được “hun đúc, xây dựng” đến tận 46 năm. Để rồi, có những hậu quả nhất định, những bạo lực học đường; những người dân khoác lên mình tấm áo dân phòng rồi tự toàn quyền động tay động chân với trẻ em; những thầy/cô giáo có những hành động không đúng mực với học sinh; học sinh tát vào mặt giáo viên…

“Đọc một bài báo, thấy viết tân nộ trưởng Bộ giáo dục chia sẻ triết lý giáo dục của mình gói gọn vào hai chữ “nhân bản”, thật sự mình thấy hay. Giáo dục đi kèm với nhân bản, chưa biết có trở nên người thành công hay không nhưng có thể “thành nhân”. Có nhân bản mới thấy được nỗi đau, cái cực khổ của người khác chứ không vì hai ba triệu gì đó bênh vực bất chấp những cái sai. Chủ trương là vậy nhưng theo mình, để thực hiện, là hoàn toàn không dễ, nhất là có thời gian” – một cựu sinh viên ngành Văn học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ cảm nghĩ.

Trong Nho giáo, “nhân chi sơ – tính bản thiện” (con người khi sinh ra, bản chất vốn là người thiện lương), nhân là người, bản là gốc. Nói một cách dễ hiểu, giáo dục nhân bản là tập trung giá trị và phẩm cách của con người, cổ xúy giáo dục nhân văn, tôn trọng giá trị con người.

Có người nói với tôi rằng, nếu chỉ tập trung vào giá trị nhân bản, giá trị con người, sẽ khó có thể tập trung phát triển tài năng, cái cần là học cho giỏi, là được. “Chín người mười ý”, lẽ hiển nhiên, ai cũng có cái lý riêng của mình và ai cũng có phần đúng – phần sai.

Ở đây, xin mượn một vài câu thơ của thi hào Nguyễn Du để trả lời cho vấn đề này: “Thiện căn ở tại lòng ta – Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” và “Chữ tài liền với chữ tai một vần”…

Nếu như có những giá trị nhân bản trong giáo dục, thì sẽ không có những “cây củi khô – cây củi ướt” để cụ Tổng phải “nhọc lòng” đốt lò; cũng sẽ không có hình ảnh mấy người dân phòng đánh trẻ em; càng hạn chế bắt gặp những trường hợp bạo lực học đường hay những lời hăm dọa ‘xin tí huyết’…

Dẫu biết rằng là khó, song tin tưởng một điều rằng, với ‘nền móng’ của giáo dục “nhân bản – dân tộc – khai phóng” ở miền Nam dưới thời đệ nhất và đệ nhị cộng hòa, vẫn tin, nếu ngài tân bộ trưởng Bộ Giáo dục cương quyết đi đúng theo con đường giáo dục nhân bản, hy vọng rằng sẽ bớt đi (xóa sổ luôn được thì càng tốt!) những hình ảnh bạo lực học đường; mọi thầy/ cô dạy học trò với tất cả những nhiệt huyết; không chạy đua theo thành tích hay tập trung vào phong trào mà làm ảnh hưởng đến việc học thi tốt nghiệp của các em học sinh…

Hãy thử đi, cần giảm can thiệp nhà nước vào các trường để họ tự chủ. Các trường đại học cần được tự do học thuật. Lãnh đạo cần ‘đoạn tuyệt’ tư duy giáo điều, bảo thủ…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)