Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trung Quốc lại cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển của… Việt Nam

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Từ ngày 1-5-2022, Trung Quốc lại cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở Biển Đông trong một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam

 

Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè bắt đầu từ ngày 1-5 và kéo dài 3 tháng. Khu vực cấm đánh bắt cá nằm ở vùng biển phía bắc vĩ độ 16 trên Biển Đông, gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trung Quốc ép buộc láng giềng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán, được khẳng định rõ trong những năm qua.

“Theo đó, một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000”, bà Hằng nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn nói rằng Việt Nam không có quyền bình luận về lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè của Trung Quốc ở vùng biển Biển Đông vì biện pháp này thuộc về quyền hành chính của Trung Quốc. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tăng cường tàu chấp pháp giám sát hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp tàu cá bị coi là vi phạm.

Lập luận quen thuộc của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, rằng “không thể chối cãi rằng Quần đảo Hoàng Sa là một phần của lãnh thổ Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển có liên quan của Biển Đông theo luật pháp quốc tế và luật pháp trong nước của Trung Quốc.

“Thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè ở vùng biển có liên quan của Biển Đông là một biện pháp hợp pháp của Trung Quốc để thực hiện các quyền hành chính và thực thi các nghĩa vụ quốc tế có liên quan theo luật pháp”, ông này nói và ‘chua’ thêm rằng biện pháp này có lợi cho việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững ở Biển Đông.

Vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam

Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp trên Biển Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá trái phép mà Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông với mẫu câu quen thuộc: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.

Hội nghề cá Việt Nam cũng kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý nói trên của Trung Quốc. “Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình”, Hội nghề cá Việt Nam nhấn mạnh.

Trong một diễn biến liên quan, tin tức cho biết để đảm bảo cho ngư dân an toàn đánh bắt hải sản trong phạm vi chủ quyền của nước ta, lực lượng của Cục kiểm ngư Việt Nam với chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển, đồng thời hỗ trợ ngư dân yên tâm khai thác vùng trên các vùng biển.

Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm ngư thường xuyên tuyên truyền phổ biến, khuyến cáo đối với ngư dân Việt Nam về những rủi ro trong quá trình ngư dân khai thác hải sản trên biển, đề nghị ngư dân tuân thủ một số nội dung như: Tuyệt đối chấp hành và tuân thủ pháp luật về thủy sản, đặc biệt là các quy định trong công tác đảm bảo an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển như công tác đăng ký, đăng kiểm; trang bị thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị cứu sinh, mua bảo hiểm theo quy định.

Hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của Việt Nam; khi đi khai thác cần tổ chức theo tổ, đội sản xuất trên biển.

Tuân thủ pháp luật các nước, khi khai thác thủy sản trên vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và các nước hoặc trên khu vực giáp ranh cần chú ý theo dõi tọa độ, vị trí tàu để cảnh giác không khai thác thủy sản trên vùng biển các nước khác; trong quá trình hoạt động phải liên hệ thường xuyên với lực lượng chấp pháp trên biển như Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Biên phòng và kịp thời thông báo khi có tình huống xảy ra.

Cục kiểm ngư Việt Nam cũng khuyến cáo ngư dân tuyệt đối không sang các vùng biển các nước để khai thác trái phép. Khi đánh bắt tại vùng biển giáp ranh với các vùng biển nước ngoài bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá, 24/24 giờ mở máy để cơ quan chức năng kiểm soát được vị trí tàu này đang khai thác ở ngư trường nào, từ đó kịp thời phát hiện cảnh báo tránh vi phạm vùng biển nước khác và những vấn đề nguy hiểm khác.

Tăng cường lực lượng bám biển trên các ngư trường trọng điểm, nơi tàu cá Việt Nam tập trung khai thác thủy sản để kịp thời hỗ trợ ngư dân khi có các tình huống nghề cá phát sinh trên biển.

Cục kiểm ngư Việt Nam cũng vận động ngư dân cung cấp thông tin về tình hình tàu cá và lực lượng chấp pháp các nước hoạt động trên ngư trường, đặc biệt các hành động tàu công vụ nước ngoài xua đuổi, đập phá tài sản của ngư dân Việt Nam để Lực lượng kiểm ngư thông tin, báo cáo và tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời đấu tranh bảo vệ quyền lợi của ngư dân.

Chỉ là động thái nhỏ để đưa ra yêu sách lớn?

Bình luận về các diễn biến liên quan, ông James Kraska, chuyên gia luật hàng hải quốc tế từ Trung tâm Luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ, cho rằng “Trung Quốc nói lệnh cấm đánh bắt cá là nhằm bảo vệ các ngư trường trong khu vực, nhưng mục đích thực sự của họ là khẳng định quyền lực ép buộc đối với các quốc gia láng giềng”.

Ông James Kraska nhận định: “Phần lớn cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của những nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Các nước này có quyền hợp pháp với tất cả tài nguyên, bao gồm đánh bắt cá, trong EEZ của họ. Trung Quốc hành động bất hợp pháp và vi phạm điều 56 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 khi thiết lập quy định ở vùng nằm ngoài EEZ của mình”.

Lệnh cấm vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế. Điều này được quy định trong điều 56 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và cũng được củng cố bởi Tòa án trọng tài thường trực The Hague năm 2016, ông Kraska cho biết.

Ông Kraska cho rằng, “nếu Trung Quốc quan tâm đến bảo tồn tài nguyên sống ở khu vực, họ sẽ không trợ cấp quá mức cho đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới của mình”.

Một nhà báo thân hữu của trang Việt Nam Thời Báo có góc nhìn khác, khi nhận định lệnh cấm đánh cá chỉ là một động thái nhỏ để Trung Quốc đưa ra yêu sách lớn hơn nhiều đó là tuyên bố đơn phương thành lập hai quận quản lý Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đại hội Đảng 13: có dám thoát Trung?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sao cứ nhè Đồng mà chửi ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sau Tết Dương lịch sẽ có biến động nội các chính phủ Phạm Minh Chính?

Baraju T. Ogelefecejo

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 30.04.2022 1:12 at 13:12

Rất hợp lý . Việt Nam đã được phép xử thí điểm công dân Trung Quốc như người bản xứ, đang tiến tới chế độ đa đảng trong 1 quốc gia, 1 chế độ . Việt Nam vừa đóng cửa sân bay để tập trận chống Trung Quốc, theo tiến sĩ Hà Hồng Hiệp cho biết . Có thể vì 1 lý do nào đấy, be it môi trường -bảo vệ nguồn cá- hay quân sự, là công dân Xã hội chủ nghĩa, ai cũng cần (phải) chấp hành nghiêm chỉnh .

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo