Ghi chép của Phú Nhuận
(VNTB) – Bạn có thể nhìn thấy những gì bạn muốn. Còn tôi thì nhìn thấy 1 âm mưu.
Về mặt hành chính, vụ việc đã được kết luận và giải quyết từ năm 2000. Người bị tố cáo đã bị đình chỉ công tác 6 tháng và gần như bị buộc phải rời khỏi công việc suốt 2 năm. Oan hay không, thỏa đáng hay không thỏa đáng thì một hành vi sai phạm, nếu gọi thế cũng được cũng không ai xét xử 2 lần, bên nguyên hay bên bị có nhắc lại cũng không thay đổi được, không giải quyết vấn đề gì.
Một nhà báo – nhà văn nữ là bạn của người viết bài ghi chép này, kể tuy dáng dấp phiếm chỉ, nhưng đọc sẽ hiểu đôi bên biết về nhau ra sao:
“Bạn có tin không cái xì-căng-đan về một nhà thơ nữ tố cáo bị hiếp dâm cách đây hơn hai mươi năm? Phụ nữ mà không thoả hiệp thì mười bố thằng đàn ông cũng không hiếp dâm được (trừ trường hợp bạo lực bên ngoài xã hội đen).
Còn đây là chuyện trong cơ quan, tự dưng có thằng điên cùng cơ quan xông vào bóp cổ hiếp dâm? Nếu điên thật như thế thì thằng điên ấy phải được đưa đi giám định tâm thần từ lâu rồi. Huống chi cô này không phải dạng vừa trong những lùm xùm về tình ái.
Giả dụ như ông chồng nước ngoài của cô rành tiếng Việt và cô đang không ở nước ngoài thì cô có dám viết lá đơn tố cáo này không? Thất bại trong tình yêu, với phụ nữ, là chuyện buồn cần được sẻ chia. Nhưng không vì thế (hay vì một động cơ nào khác nữa) mà hơn hai mươi năm sau quay lại gắp lửa bỏ tay người một cách quá đáng như thế!”.
Một đồng nghiệp nhà báo khác hiện đã nghỉ hưu, tiếp câu chuyện này như sau, và cũng chọn cách phiếm chỉ:
“23 năm trước, câu chuyện ấy khiến cậu ta thất điên bát đảo 1 lần. Gia đình tan nát, cậu ta lặng lẽ bỏ nhà lang thang mấy năm liền, có lẽ để quên. Những bạn trẻ làm văn làm báo ở Hà Nội cùng thời với cậu ta từng biết chuyện này vì nó không bí mật.
23 năm sau, câu chuyện cũ được xới lên làm nổ tung mạng xã hội khi cậu lái xe quèn năm xưa trở thành 1 lãnh đạo của hội nhà văn quốc gia và gần như sẽ nắm quyền điều hành tờ báo của hội.
Không có điều luật nào cấm một tài xế trở thành nhà thơ, cũng như không có luật nào cấm một con người ở đẳng cấp thấp vượt thoát khỏi thân phận của mình.
Tôi không bàn về chuyện cụ thể giữa người đàn ông và người đàn bà, tôi chỉ tự hỏi, qua câu chuyện này, ai là kẻ được lợi? Người đàn bà ư, không. Người đàn ông ư, càng không.
Chỉ một lá đơn tố cáo từ một phía, sau 23 năm, đi đứt sự nghiệp gầy dựng nhiều năm của 1 con người, dù chưa biết sự thật ra sao.
Mà sự thật thì chỉ có 2 người trong cuộc họ biết với nhau mà thôi.
Nếu có nhân chứng cho biết 2 người họ từng là 1 cặp thì sao nào?
Cậu ấy có mâu thuẫn gay gắt với ông cựu chủ tịch hội, cái ông từng bảo là hội của ông sống nhờ sự ban ơn của nhà nước ấy. Nghe đâu ông cựu vẫn còn đủ sức để lăm le gây ảnh hưởng lên tờ báo cũ.
Bạn có thể nhìn thấy những gì bạn muốn. Còn tôi thì nhìn thấy 1 âm mưu.
Trước khi tôn trọng sự thật, hãy tôn trọng thông tin.
Và đó là những gì tôi biết!”
Một người bạn khác là nhà báo đeo quân hàm thượng tá công an, và cũng là nhà văn, bình luận về vụ việc có vẻ ngoài hình sự đã quá thời hiệu truy cứu, như sau:
“Cả hai đều ê chề, đều đau đớn – nghĩa là đều đại bại. Cả hai đều biết rất rõ những điều này. Nhưng lời tố cáo, khi người tố cáo đã định cư ở nước ngoài, vẫn được tung ra. Đó mới là điều đáng suy nghĩ”.
Với người ghi chép bài này thì đơn giản hơn, giờ cách xa nhau vời vợi cả về không gian lẫn thời gian, người đàn bà năm cũ đó lại khuấy cho đục nước. Thu thập đã đủ chứng cứ để tố ư? Hình như không phải! Nỗi phẫn uất chả nguôi ư? Chỉ lòng người mới biết. Mà lòng người có khi như lá úa trong cơn mưa chiều…
Nhưng chắc chắn các quý ông cũng cần nhìn đấy mà cẩn trọng hơn lúc muốn thăng quan tiến chức. Quờ quạng phút chốc, có khi trúng độc thiên thu!
***
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được hiểu là thời hạn do luật định mà khi hết thời hạn đó, thì người phạm tội được miễn trừ trách nhiệm.
Tham chiếu bộ luật hình sự hiện hành, có 4 mức thời hiệu truy cứu tương ứng với 4 loại tội phạm: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng; Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm đối với loại tội phạm nghiêm trọng; Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm đối với loại tội phạm rất nghiêm trọng; và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó: Tội phạm có mức hình phạt cao nhất là 3 năm sẽ được xếp vào loại ít nghiêm trọng; Tội phạm có mức hình phạt cao nhất là 7 năm sẽ được xếp vào loại nghiêm trọng; Tội phạm có mức hình phạt cao nhất là 15 năm sẽ được xếp vào loại rất nghiêm trọng; Tội phạm có mức hình phạt cao nhất là 20 năm, chung thân hoặc tử hình sẽ được xếp vào loại đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, nếu xét vào tội danh hiếp dâm, giả thiết ở khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù tức là thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thì thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả