VNTB – Tự do ghi danh theo học đại học

VNTB – Tự do ghi danh theo học đại học

Mai Lan

(VNTB) – Nên “bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ”.

Có cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo “bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ”, vì có hiện tượng chạy điểm làm đẹp học bạ.

Thực tế cũng cho thấy ngày càng có nhiều trường sử dụng phương án xét tuyển (có kết hợp cùng phương án khác) bởi quan điểm chung: đây là phương án tiết kiệm chi phí tuyển sinh của trường cũng như đánh giá được nỗ lực học tập trong thời gian dài. Quan điểm này có cơ sở khoa học nhất định khi nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng điểm học bạ phổ thông có tương quan tỷ lệ thuận với mức độ sẵn sàng học tập (readiness) của sinh viên.

Dù lạm phát điểm như vậy, điểm xét tuyển vẫn thấp, đến mức 6 điểm học bạ mỗi môn vẫn trúng tuyển đại học. Vậy điểm học bạ có thực sự xứng đáng là tiêu chuẩn đầu vào đại học hay không?

Trước hết, theo quan niệm về giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam, giáo dục đại học là nhằm cung cấp kiến thức tổng quát và thường gồm nhiều ngành khác nhau nhằm tạo cho sinh viên một kiến thức vững vàng về một chuyên ngành nào đó mà người sinh viên được tự ý lựa chọn như ở các trường Khoa học, Văn khoa, Luật khoa.

Đại học còn phải đóng góp vào việc phát triển kinh tế, huấn luyện các kỹ thuật gia và các chuyên viên phục vụ mọi ngành hoạt động kinh tế – xã hội qua việc đào tạo các chuyên viên cao cấp. trung cấp trong các ngành chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.

Về mặt văn hóa, mục tiêu của đại học là “phải trở về truyền thống dân tộc, xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá tinh hoa văn hóa của dân tộc và thâu nhận những tinh hoa văn hóa quốc tế bổ sung cho nền văn hóa dân tộc, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại”.

Trong hoàn cảnh của giáo dục đại học lúc bấy giờ đa số những nhà lãnh đạo giáo dục đại học thời Việt Nam Cộng hòa đều đồng ý chủ trương giáo dục đại học cần gắn với nghiên cứu khoa học nhưng “chỉ giới hạn các công cuộc nghiên cứu vào phạm vi thực dụng, phù hợp với tình trạng nông công kỹ nghệ đang chớm nở”.

Về tuyển sinh, điều kiện cơ bản để sinh viên có thể học ở các trường đại học của giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam trước tháng 4-1975 là phải có bằng Tú tài II. Danh từ Tú tài I và Tú tài II lần đầu tiên được dùng ở Việt Nam vào thời Pháp thuộc. Cơ bản các viện đại học miền Nam Việt Nam trước năm 1964 tuyển sinh theo ba cách: Ghi danh tự do; Ghi danh theo học có điều kiện; Tổ chức thi tuyển.

Về học chế, chế độ chứng chỉ thường được áp dụng đối với các trường đại học ghi danh tự do như Khoa học và Văn Khoa (trừ Đại học Luật khoa dù ghi danh tự do nhưng học theo niên chế).

Chế độ học theo niên chế chỉ áp dụng cho Đại học Luật khoa và các trường có thi tuyển. Chương trình học trong giáo dục đại học Việt Nam sau 1954 cho tới những năm 60 của thế kỷ XX vẫn là mô phỏng chương trình đào tạo của giáo dục đại học Pháp.

Ngôn ngữ chính dùng trong giảng dạy và học tập: từ 1956 cho đến năm 1964 các Viện Đại học miền Nam Việt Nam bước vào quá trình chuyển từ tiếng Pháp sang dùng tiếng Việt. Đến trước năm 1965, việc áp dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ giảng dạy chính đã được áp dụng trong toàn bộ các trường đại học, ngoại trừ Y khoa Sài Gòn, Viện Đại học Đà Lạt.

Với tôn trọng tự do học thuật, tự trị đại học, các giáo sư đại học ở miền Nam Việt Nam thường chung quan điểm là một trường đại học tốt không phải trường tuyển sẵn các ứng viên tài giỏi, mà là nơi nỗ lực tạo ra môi trường học thuật giúp thúc đẩy các phẩm chất tiềm tàng trong người học, từ đó khẳng định giá trị của tri thức là bình đẳng với mọi học viên.

Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM vào thập niên 80 ở thế kỳ trước đã thử nghiệm trở lại chế độ chứng chỉ như thời còn là Đại học Văn Khoa, và Đại học Khoa học. Ghi nhận rất đông sinh viên ghi danh theo học tất cả các môn mà trường này đào tạo; thậm chí sau đó có thêm 2 ngành mới là báo chí và luật. Tuy nhiên không rõ vì sao bước sang đầu thập niên 90 không thấy mô hình này tiếp tục.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 1 year

    Với thực trạng xh hiện nay, một số khoa ngành đã lỗi thời, như Y Dược, Sư Phạm chẳng hạn. ko thấy y bác sĩ và giáo viên bỏ việc hàng loạt vì lương ko đủ sống hay sao? vậy ai dám theo học các ngành này nữa mà duy trì làm gì? Dẹp quách đi cho xong. Còn ngành kĩ sư hoá dầu mới thật vô duyên. Trung Quốc chiếm hết các mỏ dầu ở biển Đông rồi thì lấy dầu đâu ra nữa mà hoá? Trái lại, có những khoa ngành mới rất quan trọng và cần thiết thì lại chưa thấy bổ sung vào danh mục đào tạo chính quy, ví dụ ngành “lùa gà”, ngành này hiện đang đem lại lợi nhuận nghìn tỉ qua các kênh bán trái phiếu, đất nền, bảo hiểm nhân thọ, cũng như xuất khẩu lao động, bộ ko thấy sao? tiếp theo là ngành “quan hệ chính quyền” cũng rất cần thiết, trang bị cho sinh viên kĩ năng thiết lập quan hệ sâu rộng với giới quan chức các cấp để được bảo kê cho hoạt động kinh doanh theo định hướng xhcn và mua các “ghế” béo bở, một ngành then chốt nữa là “chạy án”, thay vì đào tạo tiến sĩ cầu lông thì hãy đào tạo “tiến sĩ chạy án” để hỗ trợ cho nền tảng pháp lý định hướng xhcn, có phải thực tế hơn ko?