Việt Nam Thời Báo

VNTB- Từ hai sự kiện Việt Nam bị đồng minh bỏ rơi: Nhìn lại quan hệ đồng minh trong chiến tranh

Đào Đức Thông


(VNTB) – Phát triển nội lực để xây dựng một quốc gia thịnh vượng, đủ sức đối mặt với mọi thách thức, là quan điểm hoàn toàn đúng. Nhưng nói rộng ra, rằng phải tự lực chứ không trông chờ nhiều từ ngoại lực, quá lệ thuộc vào đồng minh.

Việc nhấn mạnh nội lực để bác bỏ đồng minh, xem nó chỉ là ngoại lực, là cách hiểu siêu hình.

         Về nhận thức, lập luận mở rộng đó phản ánh một tư duy phi lịch sử và phi thực tế.

         Về chiến lược, nó lấy cái dài hạn thay cho cái cấp bách, nhầm lẫn giữa tương quan kinh tế – xã hội với tương quan chính trị – quân sự, bởi nội lực là cái trường kỳ của mọi quốc gia, và khoảng cách giữa các nước về nguồn lực này không phải một sớm một chiều mà rút ngắn, trong khi vấn đề chủ quyền liên quan đến Trung Quốc lại rất cấp bách.

         Về chiến thuật, chỉ nhắm đến nội lực (vốn rất thua kém) thì chẳng khác nào tự trói tay trước một đối thủ vừa vũ trang hiện đại đầy mình, vừa đủ thế và lực để phân hóa sự liên kết khả dĩ của đối phương.

Tất nhiên trong hai cuộc chiến chống Pháp và Hoa Kỳ , không thể bằng nội lực riêng có mà Việt Nam đã thắng được 2 cường quốc này. Tuy nhiên cần nhìn thẳng việc hậu thuẫn và viện trợ của các đồng minh Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, nếu chỉ là ngoại lực thuần túy, tự nó sẽ chẳng mang ý nghĩa gì. Chỉ khi nào người Việt chuyển hóa thành cái của mình thì mới có được thành quả như đã thấy.

Tương tự, từ sau đổi mới, nếu xem đầu tư nước ngoài là như một ngoại lực chẳng đặng đừng , chứ không xem như một nguồn lực nội tại hóa, thì chắc chắn bộ mặt đất nước Việt Nam đã không như ngày nay.

Quan hệ đồng minh, khi xác lập đầy đủ và vận hành hiệu quả, sẽ trở thành một cấu thành của nguồn lực chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự của quốc gia.

Vấn đề là, thay vì giữ nhận thức sai lầm khi tách bạch nội lực và ngoại lực, người làm chiến lược cần tính toán, vận dụng nguồn lực đặc biệt này sao cho tối ưu.

Cho rằng xác lập đồng minh là để được lập tức can thiệp quân sự, như nhiệm vụ thường trực và bất biến của họ, là cách nghĩ thiếu trách nhiệm với chính mình và người khác.

Trừ khi chiến tranh đã là tất yếu và toàn cục vì một hay nhiều bên đã có chủ đích, không quốc gia nào lại muốn những xung đột nhất thời và cục bộ trở thành nguyên cớ để khơi mào một cuộc chiến diện rộng, có sự tham gia trực tiếp của các bên thứ ba. Với những chuyển biến của cục diện thế giới từ sau chiến tranh lạnh, người làm chiến lược có lý trí không ai lại  nghĩ rằng tạo quan hệ đồng minh là để đối tác tức thì tham chiến cho mình, bất kể nguyên nhân, thời cuộc và chiến cuộc.

Đồng minh không phải là loại quan hệ đơn chiều, chỉ để hưởng sự bảo vệ ở quốc gia này và phải đi bảo vệ ở quốc gia khác

Quan hệ đồng minh chính là liên kết ngoại biên nhằm hạn chế nguy cơ chiến tranh, bởi quan hệ đồng minh là để gia tăng vị thế và giảm thiểu nguy cơ hay thiệt hại cho các quốc gia của liên minh, chứ không phải để can thiệp vô tội vạ, làm tăng nguy cơ cho nước khác và giảm đi cơ hội hòa hoãn.

Vì  quyền lợi của chính mình, nhận định và xử trí chuẩn xác về chiến lược, sách lược và chiến thuật là điều trước tiên phải có của quốc gia liên hệ trong vụ việc; và cùng với nó, tương tác đồng minh là điều kiện không thể thiếu, vì đó không những là thế lực răn đe từ xa, hỗ trợ phòng vệ, mà còn là lực lượng trực tiếp hậu thuẫn về ngoại giao và quốc phòng, chính trị và kinh tế, khi lâm sự.

Nhìn lại hai sự kiện Việt Nam bị đồng minh phớt lờ trong chiến tranh

Tháng 2.1972, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh.



Sau cuộc gặp này, Hoa Kỳ  và Trung Quốc đã cùng đưa ra tuyên bố chung phản đối “bá quyền” tại châu Á – Thái Bình Dương, theo tài liệu của Đại sứ quán Hoa Kỳ  trên Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ  hồi tháng 4.2006.

Đến năm 1973, Bắc Kinh và Washington mở “văn phòng liên lạc” ở thủ đô mỗi nước, chẳng khác gì đại sứ quán ngoại trừ cái tên, được cho là nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ  và Trung Quốc.
Ngoài việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ  đã ký kết Hiệp định Paris cũng trong năm 1973, chấp nhận rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, một động thái cho thấy Washington đã tiên liệu được rằng miền bắc Việt Nam sẽ chiến thắng, nên không can dự đến vấn đề tranh chấp chủ quyền của VNCH.

Về vai trò của Hoa Kỳ trong hải chiến Hoàng Sa, đã có ý kiến cho rằng một mặt, sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ ký Hiệp định Paris (27/01/1973) để chấm dứt sự tham chiến của mình; mặt khác, trước sự suy tàn kinh tế của khối Xô Viết và xu hướng tư bản hóa của Hoa Lục, nước Hoa Kỳ  vừa chọn người đồng chí trở mặt của Liên Xô, vừa chấp nhận thua sách lược tại Việt Nam để sẽ thắng chiến lược trên thế giới, qua việc tập trung nguồn lực cho sự diệt vong khả dĩ của khối Đông Âu.

Chúng ta hiện không đủ dữ liệu để kết luận chắc chắn, nên vẫn không loại trừ việc Hoa Kỳ đã bỏ mặc Hoàng Sa chỉ vì sự tàn tạ của họ bởi chiến tranh, nhưng khả năng toàn cục như vừa nói cũng là một lý giải cần được nghiên cứu thấu đáo và có thể chấp nhận.

Hoa Kỳ được cho là có một “toan tính” sâu xa hơn khi không can dự vào trận Hoàng Sa năm 1974. Việt Nam và Trung Quốc đều đi theo con đường XHCN. Việc Washington “làm ngơ” cho Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm Hoàng Sa tạo ra sự thù địch giữa Hà Nội và Bắc Kinh, dẫn đến sự chia rẻ giữa các nước cộng sản.

Sự thật là cho đến nay, giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn tồn tại tranh chấp chủ quyền biển đảo tại biển Đông.

Khác với trường hợp Hoa Kỳ, nại Liên Xô ra để biện hộ cho quan điểm phi đồng minh, là vô lý và bất công. Họ không can thiệp trực tiếp nhưng vẫn hết lòng ủng hộ Việt Nam trong thời gian ấy. Bên cạnh đó, còn có những khía cạnh khác cần nhìn vào.

Tháng 2/1979, khi Việt Nam bị Trung Quốc tấn công biên giới, trên tinh thần Hiệp ước, Liên Xô đã khẩn trương cử đoàn cố vấn quân sự cấp cao sang Việt Nam và có những động thái hết sức khẩn trương, kịp thời, hiệu quả để giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam.

Vậy nhưng 9 năm sau, khi Việt Nam bị Trung Quốc tấn công cướp đảo, Liên Xô lại hầu như không có động tĩnh gì. Đâu là lý do đích thực?

Không thể phủ nhận rằng cuộc chiến biên giới phía Bắc có liên hệ tới việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, ít ra là nguyên cớ đối với Trung Quốc. Với người Việt, hành động của mình là hợp lý. Dù thế, thử hỏi, sau khi ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô (08/11/1978), giới lãnh đạo CS Hà Nội hành động quân sự nhưng có tham vấn trước với đồng minh không, hay chỉ nghĩ rằng ở tình huống nào cũng không thể bị Moscow bỏ mặc? Nếu đã tự mình đưa ra quyết sách, không tính đến tình thế của đồng minh, thì không thể trách cứ Liên Xô.

Xét trên toàn cục, đấy là thời kỳ mà các khó khăn đã tích tụ sâu rộng ở Liên Xô, và bản thân LX cũng đang trong tình trạng rất dễ bùng nổ tại biên giới với Trung Quốc. Vả lại, chỉ có dân chúng Việt Nam khi ấy không biết rằng một tháng là hạn định mà Đặng Tiểu Bình đã đặt ra cho vụ thử lửa này. Do vậy, xét mọi mặt, việc Liên Xô không can thiệp quân sự là xác đáng.

Nhìn hai sự kiện vừa nói theo kiểu một chiều để cho rằng đồng minh chỉ vì lợi ích của riêng họ mà thôi, thì cũng chính là đang xác tín rằngbản thân ta chỉ đứng trên lợi ích của riêng mình để phán xét.

Từ cổ chí kim, chưa có nước nào trên thế giới không đặt lợi ích của chính nước mình lên hàng đầu.

Luận cứ đồng minh chỉ vì quyền lợi riêng của họ, ngay từ việc đặt thành vấn đề, đã là không đúng. Nó phản ánh cái tâm thức lấy mình làm trung tâm, đem quyền lợi của mình ra làm đơn vị đo lường cho người khác. Và đương nhiên, với thước đo ấy, sẽ không một quốc gia nào đáp ứng được.

Trong mọi sự vụ liên quốc gia, cái được xét để xác lập hoặc định hình quan hệ, là quyền lợi và mục tiêu chung. Nếu có thiện chí, các bên liên quan sẽ điều tiết để các quyền lợi trở nên hài hòa, bởi giữa các chủ thể khác nhau, không thể có quyền lợi nào trùng khít vào nhau, mà chỉ có sự đan xen, giao thoa với nhau. Do vậy, nếu đã nhìn nhận quyền lợi chung, vấn đề là cần chủ động thích ứng, vận dụng và mở rộng nó, thay vì cứ bất động mà đòi hỏi người khác phải vì quyền lợi của riêng mình.

Mặt khác, cùng một quốc gia sẽ có những quyền lợi chung khác nhau với những nước khác nhau, và chúng có thể xung khắc nhau. Nên, cùng lúc, sẽ có nhiều loại liên hệ đồng minh, tùy theo thực tế và nhu cầu. Từ đây, điều quan trọng là nhận thức về các quyền lợi ấy ra sao để xác định các nội dung, hình thức của liên kết, mà mấu chốt là xử trí tương quan giữa các liên hệ để xác định đâu là loại đồng minh có tính quyết định. Trừ thời kỳ đối lập toàn cầu giữa hai hệ thống xã hội, với sự thống lĩnh của quyền lợi chung về hệ tư tưởng, tự thân việc liên kết ngoại biên đã là và luôn là vấn đề về quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Nên ngay trong giai đoạn phân cực đó, ta cũng thấy nổi bật những trường hợp trái khoáy làm nên lịch sử:

Liên bang Xô Viết có thể gia nhập khối Đồng minh của kẻ thù không đội trời chung về ý thức hệ khi bị nước Đức phát-xít tấn công. Tương ứng, để bảo vệ không gian tự do, phương Tây sẵn sàng là bạn chiến đấu của kẻ luôn muốn đào huyệt chôn mình..”

“Sau cuộc chiến tàn khốc, ở châu Á, Nhật đã nhanh chóng xóa đi mối thâm thù để xác lập đồng minh với chủ nhân hai quả bom nguyên tử ném xuống đất nước mình, bởi quốc gia ấy không những trợ giúp kiến thiết hậu chiến mà còn bảo đảm cho họ trước mọi đe dọa quân sự.

Còn Trung Hoa xã hội chủ nghĩa, đầu những năm 1970, đã đến với phương Tây như một đồng minh chính trị quyết định để chống lại Liên Xô, đồng thời cũng là đối tác hiệu năng cho nền kinh tế ọp ẹp của mình. Và cùng lúc, Hoa Kỳ phớt lờ quan hệ đồng minh thể chế với Đài Loan để chọn Hoa Lục làm “đối tác chiến lược toàn diện”.

Thế nhưng hòn đảo ấy không vì sự “phản bội” này mà mãi “tổn thương”, mãi “dự phòng” điều tương tự và cự tuyệt liên kết để khiến mình có thể cô độc. Họ không vì sự thay đổi nhất định của đồng minh trước tình thế chiến lược mới, không vì sự tương đồng văn hóa, lịch sử với Trung Quốc để bám lấy những cái chung thiếu thực chất so với nền tự do và ý tưởng độc lập mà họ theo đuổi. Từ khi Hoa Kỳ hậu thuẫn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giữ ghế tại Liên Hiệp quốc (1971) thay Trung Hoa Dân quốc, cùng với việc tăng cường nội lực từ nền kinh tế tự do và hoàn thiện nền chính trị dân chủ, Đài tiếp tục giữ vững thế liên minh vốn có. Điều đó đã giúp họ hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự, là một trong bốn con rồng châu Á, và sớm trở thành thế lực hải quân trong vùng.

Chúng ta có thể thấy cách xử trí kinh điển về đồng minh, bao gồm cả yếu tố “đồng chí” ở mỗi bên giữa các quốc gia. Họ không lấy hệ tư tưởng làm tâm điểm, mà là tình thế và vị thế. Họ không lấy “anh em” hay “láng giềng” làm chuẩn, mà là quyền lợi thiết thực và sự bảo an. Họ không “ghi vào tâm khảm” một sự biến lịch sử để co thủ, mà nhanh chóng thích ứng với hiện thực để bảo đảm hữu hiệu cho mình.

Tin bài liên quan:

VNTB – Mối nguy hiểm của chế độ độc đảng

Phan Thanh Hung

VNTB- Lấy rùa làm biểu tượng cho thủ đô: Nên hay không?

Phan Thanh Hung

VNTB- Những kẻ ăn mày dĩ vãng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo