Nguyễn Nam
(VNTB) – Nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương, ông Nguyễn Văn Thể, cựu bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải gửi lời cảm ơn Bộ Chính trị, đặc biệt là Tổng bí thư đã xem xét hoàn cảnh, điều kiện cá nhân và bố trí công việc mới cho ông.
Thắc mắc pháp lý về quản trị quốc gia đặt ra: vì sao để từ nhiệm chức vụ bộ trưởng cần phải có sự đồng ý của Tổng bí thư Đảng?
Chiều 21-10, thay mặt Bộ Chính trị trao quyết định cho ông Nguyễn Văn Thể, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho hay, việc Bộ Chính trị giao nhiệm vụ mới cho ông Nguyễn Văn Thể là nhằm bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, liên tục của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương sau khi ông Huỳnh Tấn Việt thôi tham gia Trung ương, và Bộ Chính trị quyết định để ông Việt thôi giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương hôm 6-10.
“Đến nay, trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của cá nhân, yêu cầu nhiệm vụ và công tác cán bộ, Bộ Chính trị đã cân nhắc kỹ lưỡng, nhiều mặt và quyết định điều động, phân công ông Thể làm Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương”, bà Mai nói.
Trong thủ tục phát biểu nhận nhiệm vụ mới, cựu bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã gửi lời cảm ơn sự đồng thuận cao của Đảng ủy, Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải đã thấu hiểu hoàn cảnh cá nhân ông nên đã đồng thuận cao khi Bộ Chính trị đặt vấn đề bố trí công tác mới cho ông.
Ông Nguyễn Văn Thể cũng gửi lời cảm ơn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương sau khi có quyết định của Bộ Chính trị đã xem xét, rà soát, đồng thuận để Bộ Chính trị có quyết định phân công ông làm Bí thư Đảng ủy Khối.
Ông Thể không cho biết “hoàn cảnh cá nhân” để ông từ nhiệm chức vụ bộ trưởng là gì? Còn với những ai quan tâm đến vấn đề pháp trị ở Việt Nam, thì đang thắc mắc vì sao chuyện từ nhiệm chốn quan trường lại phải có sự đồng ý của Tổng bí thư Đảng?
Với chức vụ mới, ông Nguyễn Văn Thể coi như làm “công tác Đảng” với 61 đơn vị trực thuộc gồm 27 Đảng ủy cơ sở và 34 Đảng ủy trên cơ sở và 77.433 đảng viên, đặc biệt có nhiều đảng viên là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước, các cơ quan trung ương. Điều này cho thấy ông Nguyễn Văn Thể không nằm trong nhóm mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng răn đe: “cán bộ mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì nên tự nguyện xin từ chức”.
Nếu căn cứ theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về bầu, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước, tại điều 9, thì Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người.
Ở đây, trong trường hợp của ông Nguyễn Văn Thể là chuyện “bầu – phê chuẩn chức danh” lại nằm trong kịch bản soạn trước của Tổng bí thư, và đến lượt mình, Thủ tướng chỉ làm theo trình tự thủ tục và Quốc hội cũng tương tự là phê duyệt theo thủ tục để có tiếng là dân chủ, dù chỉ hình thức.
Tổng bí thư là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, theo điều 4 Hiến pháp 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Do vậy, Tổng bí thư cũng là Bí thư Quân ủy Trung ương; Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên trách nhiệm cụ thể ra sao của Tổng bí thư lúc “bố trí công việc mới” cho một quan chức nào đó như ông Nguyễn Văn Thể, thì chưa thấy văn bản nào điều chỉnh về quyền lực.
Sở dĩ nói như vậy vì lúc rời ghế Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, người ta thấy Tổng bí thư đã “bố trí công việc mới” cho ông Phùng Xuân Nhạ là phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Và mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề xuất mức kỷ luật Đảng đối với ông Phùng Xuân Nhạ ở thời gian ông là người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tư cách là lãnh đạo tối cao trong việc “nhìn người”, qua một số vụ việc như Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phùng Xuân Nhạ…, xem ra cần phải có sự điều chỉnh của pháp luật về quyền uy của Tổng bí thư, để khi ông ấy đưa ra những quyết định mà sau này cho thấy là sai lầm thì ông có thể nhận sự trừng phạt tương ứng.