Việt Nam Thời Báo

VNTB – Về làm gì?

Phương Thảo (VNTB) Trong một cuộc gặp gỡ thú vị giữa các tiến sỹ , thạc sỹ, cử nhân đã tốt nghiệp ở Mỹ, Âu châu, một vị giáo sư đặt ra câu hỏi: “Vậy các em có nghĩ sẽ quay trở về Việt nam hay không?” Không ai cần phải suy nghĩ gì sau khi câu hỏi được đặt ra, câu trả lời ngắn gọn và chỉ có một chữ buông ra: “Không!” Câu trả lời treo lơ lửng ở đó và không ai đặt thêm câu hỏi tại sao khi cuộc thảo luận tiến sâu hơn vào các vấn đề về tình hình chính trị ở Việt nam. Cho đến bây giờ khi báo chí đào xới và lên án cũng như bênh vực các quán quân, á quân Olympia, thì câu hỏi lại dấy lên, “tại sao không mấy ai trong chúng tôi muốn quay về?”

Ảnh minh họa
Tại sao ra đi?

Tôi ra đi sau 10 làm việc ở cơ quan nhà nước. Tôi ra đi sau một thời gian từ chối tham gia các hoạt động Đoàn Đảng và làm công tác quản lý dù chỉ bắt đầu bằng một cái chức vụ quèn quặt với bốn người dưới quyền và nhường chức lại cho một giảng viên tiếng Anh khác có trình độ bằng B cũng như đã được bồi dưỡng ươm mầm Đảng viên dự bị.

Tôi mệt mỏi với các cuộc đấu đá tranh dành quyền lợi cá nhân, những người thầy giỏi nhậu hơn giỏi chuyên môn. Tôi mệt mỏi với các yêu cầu vắt kiệt sức lao động mà không có sự đánh giá đúng mực và thích đáng. Tôi mệt mỏi với sự quản lý của những kẻ nhiều mánh khóe, giỏi kèn cựa hơn là năng lực quản lý và khả năng thu phục lòng người. Tôi chán ngán với việc bị buộc phải nhắm mắt làm ngơ với việc sinh viên quay cóp.

Nếu ở Việt nam có lẽ tôi cũng đã là tiến sỹ. Mỗi năm vẫn cong lưng dạy cho đủ giờ chuẩn gấp ba lần giờ chuẩn của các giáo viên các bộ môn khác vì họ cho rằng giáo viên ngoại ngữ không cần phải giảng bài thao thao bất tuyệt như các môn dạy khác. Mỗi năm tôi vẫn phải tím mặt nhận danh hiệu tiên tiến mà muôn đời tôi không được là lao động giỏi vì là một nhân viên cứng đầu, ngông và luôn có các phát ngôn gây sốc.

Và tôi nung nấu ý định đi vượt biên bằng máy bay.

Không quay về?

Tôi ra đi, bỏ tiền túi đi học vì tôi biết kiến thức thu được là do bản thân tôi cóp nhặt chứ không phải nhờ mối quan hệ tốt để được đủ điểm đậu hay để được hỏi câu hỏi dễ. Tôi biết sẽ không phải trả lời các câu hỏi ngớ ngẩn của hiệu trưởng hiệu phó hay phải chịu đựng các lời trêu chọc mang tính quấy rối tình dục của các quan chức và một số đồng nghiệp thiếu đứng đắn. Tôi ra đi được nhận kèm theo một lời hứa của lãnh đạo, “khi nào quay về thì nhà trường sẽ vẫn trọng dụng cô”.

Tôi quyết định ở lại không phải vì lý do kinh tế. Tôi đã có thể tự bỏ tiền túi đi du học thì tôi đã không phải là người nghèo. Gia đình và nhiều người quen biết đã cho rằng tôi ngu ngốc khi từ bỏ chức danh giảng viên cao quý và hái ra tiền để chỉ đi làm những công việc bình thường ở xứ người. Tôi chỉ trả lời đơn giản rằng tôi không cần cái chức danh hão.

Những người bạn nước ngoài đã hỏi tôi cuộc sống ở Việt nam giờ đây ra sao. Tôi trả lời, “Nếu chỉ cần một cuộc sống với tiền, và thoải mái thì Việt nam là tốt nhất vì cái gì cũng có…’’ Những người bạn ấy đã tự nói thêm vào sau cái câu mà tôi bỏ lửng rằng: “còn với bạn cuộc sống không phải chỉ quay quanh đồng tiền.” Những người bạn đồng môn, đồng khóa hay đồng khi xưa ở Việt nam giờ đây đã nhà cửa đề huề, xe lớn xe nhỏ và một khoảng rủng rỉnh trong ngân hàng, chưa kể các chuyến đi du lihcj ở nước ngoài liên tục. Còn tôi vẫn mỗi ngày đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng và sống trong một căn hộ một phòng ngủ phải trả góp trong hai mươi lăm năm. Bên cạnh đó tôi thỉnh thoảng lại phải đối mặt với việc thất nghiệp.

Việc làm căng thẳng, cạnh tranh, nhưng tôi cống hiến hết sức mình và cũng được đền đáp công lao động xứng đáng. Không cần thưởng lễ tết, không phải quà cáp cho cấp trên, không phải luồn cúi hay đi lên bằng đầu gối. Nhiều người sẽ nêu lên vấn đề an sinh xã hôi, thu nhập, phúc lợi và tương lai con cái khi họ quyết định ở lại xứ người và không chịu hồi hương sau khi đã ăn học thành tài. Nhưng với tôi, cái quan trọng nhất là tôi được nói, dám suy nghĩ ngược chiều, quyền con người của tôi được coi trọng. Và tôi được tự do …trong tư tưởng cũng như trong hành động.

Tôi vẫn về để thăm gia đình, bè bạn, tôi vẫn đau đáu với những thăng trầm của quốc gia, đau theo nỗi đau của người Việt. Nhưng tôi vẫn sẽ không về để lại chui vào một cái vòng lẩn quẩn mà tôi đã hết sức vùng vẫy để thoát ra.

Tin bài liên quan:

VNTB – Cải cách đầu tư ở Việt Nam thất bại

Phan Thanh Hung

VNTB – Bứt phá quan hệ Việt Mỹ: Ông Quang đi Mỹ làm gì?

Phan Thanh Hung

Các nền kinh tế lớn ở châu Á nới lỏng chính sách tiền tệ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo