Việt Nam Thời Báo

VNTB – Về số phận của ông Bộ trưởng trí thức

Ngọc Hà

 

(VNTB) – Chê một quan chức nhà nước hiện nay không khó, nhưng tìm được người để khen và đồng cảm thì hiếm hơn lá xanh mùa đông.

 

Khi nhắc về ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp, không ít người trong giới hoạt động nhận diện ra ông thông qua 2 sự kiện.

 

Sự kiện thứ nhất là ông có tên trong bản Kiến nghị 72, bản đòi hỏi sửa đổi Hiến pháp 1992 một cách toàn diện.

 

Sự kiện thứ hai là ông lên VTV, phủ nhận vai trò trong nhóm Kiến nghị 72. Và dư luận lại được dịp phê phán ông “bất nhất, trở cờ, thiếu minh bạch.”

 

Giáo sư Tương Lai trong phần trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt (https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2013/03/130323_nguyendinhloc_kiennghi72) đã đặt nghi vấn về phát biểu của ông Lộc, “có thể đã có áp lực lên ông Lộc.”

 

Đánh giá về Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, trong một bài viết tư liệu ngành (https://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/70TuPhapVietNam/Pages/tu-lieu-nganh.aspx?ItemID=57) của tác giả Trương Thị Hoà đã cho thấy, ông Lộc có sức làm việc đáng nể, khoẻ như rô-bốt. Trong đối đãi nhân viên, ông cũng có sự quan tâm, ân cần thăm hỏi.

 

Về một người trí thức

 

Sự kiện lên VTV phủ nhận vai trò của bản thân trong Kiến nghị 72 là một vết nhám cho bản thân ông Lộc.

 

Thế nhưng, đằng sau câu chuyện đó lại là một câu chuyện dài hơn.

 

Theo chia sẻ của GS. TSKH Trần Xuân Hoài trên Facebook cá nhân của mình ông cho biết, ông gặp ông Lộc tại khu VIP ở bệnh viện Việt-Xô.

 

Người từng đứng đầu ngành Tư pháp không ở yên một chỗ mag suốt ngày đi khắp hành lang bệnh viện. Khi gặp ông, ông Lộc đã hồ hởi giới thiệu “Tôi, Bộ trưởng… Anh có khoẻ không?”

 

Người hỗ trợ ông Lộc trong bệnh viện cho GS Trần Xuân Hoài biết, ông Lộc gặp ai cũng chỉ nói một câu như thế. Một bệnh gì đó trong não sinh ra hành động vô thức, mặc dù thể trạng khoẻ mạnh.

 

Đánh giá về ông, Gs Hoài chia sẻ, ông Lộc là một trí thức hiếm hoi, dòng giõi trâm anh của đất Nghệ Tĩnh, học rất giỏi, một Tiến sĩ luật của Liên Xô, thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Điều đáng nói, dù “Liên Xô đào tạo, nhưng Ông thông hiểu luật pháp cả phương Tây lẫn phương Ta, tư duy sáng sủa và tư tưởng khá độc lập.”

 

Thế nên, trong thời kỳ làm Bộ trưởng, ông đã gài được khá nhiều điều khoản tiến bộ vào Hiến pháp và các Bộ luật lớn. Và khi về hưu, ông tiếp tục đấu tranh cho quan điểm của mình.

 

Ông cùng nhóm nhân sĩ 72 đã công khai yêu cầu bỏ Điều 4 hiến pháp, đi kèm theo một bản dự thảo hiến pháp hoàn chỉnh do nhóm 72 độc lập soạn thảo.

 

Ông sau đó được rất nhiều người là quan chức cấp cao trong bộ máy chính quyền – đảng vận động “rút lại ý kiến, rút khỏi hoạt động nhóm 72”, nhưng vô hiệu.

 

Chỉ đến khi cơ quan chức năng bắt đầu đụng đến con trai ông, mà theo Gs Hoài là hoặc ông Lộc phải “nghe lời” hoặc con trai ông sẽ…

 

“Ở ta, thường dân ai mà chẳng là một tù nhân dự bị, nhất lại là doanh nhân hay cán bộ quèn của DNNN!”, theo chia sẻ của Gs Hoài.

 

Và khi bị “bẻ gãy, hạ mình khuất phục”, ông Lộc trở nên người ngây dại, vô thức vì bị bệnh gì đó trong não.

 

Dựa trên chia sẻ của Gs Hoài, thì cường quyền đã bẻ gãy ý chí của người trí thức như ông Lộc dựa trên tác động quyền lợi của người thân trong gia đình vị cựu Bộ trưởng này. Một hình thức khiến người trí thức phải sống trong sự phẫn uất trong những năm cuối đời còn lại.

 

Để nói rằng…

 

Câu chuyện về ông Nguyễn Đình Lộc được nhắc lại khi những lời “thú tội trên VTV” vẫn diễn ra. Nơi những trí thức phải gượng mình sống trong sự đe doạ liên tục vì những phản biện với chính sách, chủ trương của đảng, nhà nước Việt Nam.

 

Câu chuyện về ông Nguyễn Đình Lộc, cũng nên được xem xét và giải oan khuất cho ông, nếu như mọi chuyện đã từng xảy ra như thế. Một trí thức có thể bị bức tử về tinh thần khi bị o ép, nhưng bằng sự hiểu thấu của cộng đồng, họ sẽ được xoa dịu.

 

Chia sẻ về ông Lộc, là chia sẻ về thân phận trí thức Việt Nam hiện nay.

 

Câu chuyện của ông Nguyễn Đình Lộc cũng cho thấy vì sao, nạn chảy máu chất xám ở Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra như đã từng diễn ra ở Liên Xô, Đông Đức và các quốc gia đã – đang là xã hội chủ nghĩa hiện nay.

 

Một thực thể buồn, què quặt.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo