Lynn Huỳnh
(VNTB) – Phim của Mỹ có “đường 9 đoạn” thì Việt Nam “mạnh dạn gỡ”, còn ban nhạc Trung Quốc công khai tán dương “đường 9 đoạn” thì Hà Nội lại… chần chờ.
Trung Quốc nói không nên gắn văn hóa với vấn đề Biển Đông
Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự kiện Việt Nam cấm chiếu phim Barbie vì lý do có đường lưỡi bò, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm thứ Ba (4-7) nói các nước không nên gắn vấn đề Biển Đông với hoạt động trao đổi văn hóa bình thường.
“Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quản”, phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo ngày 4-7 khi được hỏi về sự kiện này.
Phim Barbie, dự kiến sẽ ra rạp ở Việt Nam kể từ ngày 21-7, tức được trình chiếu cùng ngày với Mỹ, đã bị gỡ ra khỏi lịch chiếu của các nhà phát hành phim lớn như CGV, Galaxy. Theo đó, Barbie đã không vượt qua được buổi chiếu kiểm duyệt của Hội đồng thẩm định và phân loại phim Quốc gia. Báo chí Việt Nam đã dẫn lời ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, xác nhận lý do Barbie bị cấm vì trong phim có hình ảnh đường chín đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò.
Barbie, với kinh phí lên đến 100 triệu đô la, kể về câu chuyện của nàng Barbie rời thế giới Barbieland để đi tìm tìm hạnh phúc trong thế giới loài người. Hai diễn viên chính trong phim là Margot Robbie và Ryan Gosling trong vai Barbie và Ken, người bạn trai đồng hành của Barbie. Hình ảnh đường chín đoạn xuất hiện nhiều lần trong phim.
Trước đây, hồi tháng 3 năm ngoái, một phim Mỹ khác là “Uncharted” có sự tham gia của nam tài tử Tom Holland cũng đã bị cấm chiếu ở Việt Nam vì tấm bản đồ trong phim có vẽ đường chín đoạn mà Trung Quốc dùng để tuyên truyền cho chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Tuy nhiên hồi năm 2019, nhà chức trách Hà Nội đã từng để lọt “Abominable”, phim hoạt hình của hãng DreamWorks, và phải đến 10 ngày sau khi phim này được trình chiếu thì họ mới phát hiện và ra lệnh rút nó ra khỏi thị trường, trong khi nhà phát hành CGV bị phạt 170 triệu đồng còn một số quan chức ở Cục Điện ảnh bị khiển trách.
Bắc Kinh tinh vi trong tuyên truyền chủ quyền Biển Đông
Năm 2018, Hà Nội bị vướng xì-căng-đan với phim “Điệp vụ Biển Đỏ” (Operation Red Sea). Đây là phim do Bộ Quốc phòng Trung Quốc đặt hàng và đầu tư, do đó phô diễn tối đa sức mạnh của hải quân Trung Quốc với tàu chiến và vũ khí hiện đại. Các binh sĩ Trung Quốc trong phim đều chẳng khác gì siêu anh hùng, có thể tiêu diệt quân địch với lực lượng lớn hơn gấp nhiều lần, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao bất chấp mọi hiểm nguy.
Nội dung phim xoay quanh việc một nhóm hải quân Trung Quốc chống hải tặc Somali rồi tham gia nhiệm vụ giải cứu ở Trung Đông. Phần lớn bối cảnh của phim là một thành phố ở châu Phi.
Tuy nhiên, hai phút cuối của phim lại có cảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài và liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển mà họ gọi là “South China Sea”.
Giới phê bình cho rằng, cảnh cuối không liên quan gì tới toàn bộ diễn biến của bộ phim trước đó. Ngược lại, nó lại dễ gây hiểu lầm về chủ quyền giữa các nước có liên quan trên Biển Đông.
Tuy nhiên có thể gọi là “xì-căng-đan” vì liên quan đến sự việc, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với Cục Điện ảnh và đưa ra kết luận:
“36 giây cuối phim Điệp vụ Biển Đỏ thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và thấy một vài chiếc tàu từ xa, hình dáng những chiếc tàu này không rõ nét; loa từ tàu Trung Quốc phát ra: “Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay”.
Những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo”.
Tuy nhiên, trên website chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 18-2-2018 có bài viết ca ngợi bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ”, nói về sức mạnh của hải quân nước này. Trong đó, nêu ra nhiều loại vũ khí, khí tài mới, mạnh mẽ của lực lượng Hải quân Trung Quốc.
Bài viết nói Hải quân Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ bộ phim này. Bên cạnh đó, bối cảnh mang nội dung lạc lõng cuối phim cũng được đề cập.
Bài viết nêu rõ, trong đoạn cuối phim, tàu tuần tra hải quân ở biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) trục xuất tàu lạ nước ngoài khỏi vùng biển xung quanh cái gọi là “quần đảo Nam Sa” bằng mệnh lệnh: “Hãy lập tức rời khỏi đây”.
“Quần đảo Nam Sa” là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tại một số đảo ở đây, Trung Quốc có các hành vi chiếm đóng, cải tạo trái phép bị cộng đồng quốc tế lên án là đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Ở vụ việc trên cho thấy về địa chính trị, khi ấy cách hiểu và xử trí của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là thật sự có vấn đề.
Ban nhạc BlackPink
Ngày 6-7, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhận được nhiều câu hỏi từ báo chí về đêm nhạc BlackPink tại Hà Nội. Nguyên nhân là vì trước đó trên mạng có thông tin công ty tổ chức đêm nhạc này có quan điểm ủng hộ yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Về vấn đề này, bà Hằng cho biết quan điểm của Việt Nam về yêu sách đường 9 đoạn đã được làm rõ nhiều lần. Với các thông tin liên quan đến show diễn của BlackPink, bà Hằng cho hay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh.
Trước câu hỏi khi nào kết quả xác minh được công bố? Nếu có vi phạm thì đêm nhạc BlackPink tại Hà Nội có bị hủy không?
Đáp lại, bà Hằng nhận xét các câu hỏi về BlackPink trong họp báo cho thấy sức nóng của show diễn tại Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết sẽ chuyển các câu hỏi trên cho cơ quan chức năng.
Đêm nhạc BlackPink tại Hà Nội do Công ty iMe Entertainment tổ chức. Hồi cuối tuần rồi, mạng xã hội rộ thông tin công ty này đăng hình ảnh đường 9 đoạn. Website của Công ty iMe Entertainment đã thông báo hiện đang bảo trì. Đường link cũng đã được gỡ khỏi fanpage. Tuy nhiên, hình ảnh bản đồ đã được chụp lại và lan truyền rầm rộ.
Ngày 5-7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn và những đơn vị liên quan xác minh thông tin công ty tổ chức đêm nhạc Black Pink ủng hộ đường 9 đoạn. Cục này cũng đang làm các thủ tục để xác minh sự việc, nên chưa có thông tin cụ thể.
Được thành lập từ năm 2006 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), với tư cách là công ty quảng bá buổi concert và quản lý nghệ sĩ, iME đã mở rộng hoạt động ra 10 quốc gia, tổ chức các sự kiện lớn tại hơn 50 thành phố lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Công ty có hơn 10 văn phòng chi nhánh trên toàn thế giới, như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Hàn Quốc, Australia.
iME đã từng tổ chức nhiều concert của các nghệ sĩ K-Pop cũng như quốc tế. Hoạt động kinh doanh chính tại iME là phát triển các nội dung giải trí bao gồm sự kiện concert, quản lý nghệ sĩ, quảng cáo tiếp thị cũng như các nền tảng tương tác với người hâm mộ.
Trong một phản hồi với giới truyền thông, ông Brian Chow, CEO của iME, cho biết: “Hình ảnh bản đồ trên website không đại diện cho lãnh thổ quốc gia nào và chúng tôi ý thức được việc tôn trọng chủ quyền và văn hoá của tất cả các quốc gia iME có mặt. iME đã nhanh chóng rà soát và cam kết thay thế những hình ảnh không phù hợp với người dân Việt Nam.
Mục tiêu của iME tại Việt Nam là mang đến cho người hâm mộ Việt Nam các chương trình và nghệ sỹ đỉnh cao của thế giới nên rất mong nhận được sự đón nhận và ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân Việt Nam. Một lần nữa, chúng tôi muốn bày tỏ lời xin lỗi chân thành nhất cho sự hiểu lầm đáng tiếc này”.