Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Tối 15-1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến Nhà hát lớn Hà Nội xem vở kịch về việc Bác Hồ xử một vụ đại án tham nhũng, do tân giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Xuân Bắc làm đạo diễn.
Vở kịch có tên “Đêm trắng”, do tập thể 100 diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam và sinh viên Trường đại học Sân khấu – điện ảnh Hà Nội, Trường đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương biểu diễn, với những cái tên như nghệ sĩ Minh Hải (vai Bác Hồ), nghệ sĩ nhân dân Việt Thắng, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trịnh Mai Nguyên (vai đại tá Hoàng Trọng Vinh), NSƯT Đình Chiến, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Tạ Tuấn Minh…
Tác giả vở diễn Lưu Quang Hà viết dựa trên một câu chuyện xử án có thật mà Bác Hồ xử vụ đại án tham nhũng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1950. Trong vở kịch, các nhân vật được đổi tên.
Ngoài đời, đó là vụ án Trần Dụ Châu.
Trần Dụ Châu (1906-1950), nguyên Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu (tiền thân của Tổng cục Cung cấp, nay là Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân Việt Nam); bị tử hình trong vụ án tham nhũng nổi tiếng năm 1950 trong Chiến tranh Đông Dương.
Ngày 19 tháng 3 năm 1947, ông Trần Dụ Châu được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử giữ chức Cục trưởng Cục Quân nhu, Bộ Quốc phòng. Tháng 7/1950, ông Trần Dụ Châu là Đại tá, Cục trưởng Cục Quân trang Tổng cục Cung cấp. Trong quá trình làm việc do có hành vi tham nhũng quân nhu nên bị Cục trưởng Cục Quân pháp Phạm Trinh Cán bắt giam điều tra và đưa ra truy tố trước Tòa án binh.
Ngày 5 tháng 9 năm 1950, tại thị xã Thái Nguyên, Trần Dụ Châu là bị cáo chính tại phiên tòa đặc biệt xử vụ tham nhũng của Tòa án binh Tối cao. Ông bị tước quân hàm Đại tá ngay tại phiên tòa. Ngày 6 tháng 9 năm 1950, Trần Dụ Châu bị xử bắn tại thị xã Thái Nguyên.
Chuyện kể: lần nọ, nhà thơ Đoàn Phú Tứ (Đại biểu Quốc hội khóa I, làm việc trong tòa soạn Tạp chí Văn nghệ) là khách mời của đám cưới của Lê Sỹ Cửu – thuộc cấp của Trần Dụ Châu.
Trước hôm dự tiệc cưới, ông Đoàn Phú Tứ cùng đoàn nhà văn vừa đi thăm và úy lạo các đơn vị bộ đội đánh giặc trở về, tận mắt thấy các chiến sỹ bị thương mà thiếu thuốc men, bông băng và hầu hết họ đều rách rưới “võ vàng đói khát”, “chỉ còn mắt với răng” trong khi mùa Đông năm đó băng giá, nên chứng kiến một tiệc cưới xa hoa, lúc Đoàn Phú Tứ được Trần Dụ Châu mời đọc thơ chúc mừng đám cưới, ông đã đứng lên nói to: “Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, được dọn bằng xương máu của chiến sĩ”. Rồi ông đã bỏ đám cưới ra về và sau đó viết một bức thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo vụ việc…
Vụ án đã gây chấn động trong quân đội và nhân dân, và từ bản án tử hình Trần Dụ Châu đã củng cố niềm tin của người dân miền Bắc vào Đảng và Bác Hồ. Nhờ vậy, thế của quân đội từ cầm cự, phòng ngự đã chuyển sang tổng phản công đánh thắng địch ở Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950, làm bàn đạp cho chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Sau vụ án Trần Dụ Châu, lịch sử tố tụng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa chưa ghi nhận các trường hợp về bản án tham nhũng tương tự.
Khoảng hai mươi năm trở lại đây, với sự phát triển của mạng xã hội, người dân nhận rõ dấu hiệu tham nhũng quyền lực, và hiện tượng nói một đằng làm một nẻo trong quan chức cấp cao của Đảng và chính quyền, gây ra một sự “khủng hoảng niềm tin” rất lớn không chỉ trong Đảng mà còn trong toàn dân. Thế nhưng vẫn chưa có bản án tử hình nào được tuyên về án tham nhũng.
“Tôi nghĩ dù có muốn đến đâu đi nữa thì ông Nguyễn Phú Trọng vẫn không thể yêu cầu mức án tử hình về tội tham nhũng, dù luật có quy định.
Khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, trường hợp nhận hối lộ đến mức vài triệu USD thì khả năng cao sẽ nhận án tử hình. Tuy nhiên, tại Điểm c Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, hoặc lập công lớn, thì không bị thi hành án tử hình mà chuyển sang hình phạt tù chung thân” – luật sư T.T., diễn giải.