(VNTB) – Nếu cứ dùng máy bay từ Nga-Xô-Trung Quốc thì Việt Nam khó lòng bảo vệ chuyện gì khi chiến sự xảy ra.
Vụ tai nạn rơi máy bay Yak-130 của trung đoàn Không quân 940 tại Bình Định ngày 6/11 đã cho thấy một lỗ hổng chết người của những chiếc máy bay quân sự trong biên chế bộ Quốc phòng Việt Nam. Máy bay rơi do sự cố không thể hạ cánh, càng máy bay không bung ra được. Đây là lỗi kỹ thuật do máy bay chứ không phải do con người.
Nhưng nó cho thấy một vấn để vô cùng nguy hiểm, vì đây là thời bình mà máy bay chiến đấu vẫn bị rơi dù không có giặc. Thì nếu bị tấn công, không quân CSVN sẽ làm gì để bảo vệ vùng trời của Tổ quốc? Đất nước hòa bình, không chiến tranh, mà máy bay cứ liên tục rơi, nổ, khiến cả trăm người thương vong, thì đây rõ ràng là một mối lo lớn. Không phải chỉ là tài sản, mà còn là những quân nhân, sĩ quan tinh nhuệ trong quân đội.
Nếu tính từ đầu thế kỷ 21 tới nay, trong 24 năm qua đã có 34 vụ rơi máy bay xảy ra tại Việt Nam, trong đó có 33 máy bay do quân đội CSVN quản lý trực tiếp. Các máy bay này hầu như là nhập từ Nga, Trung Quốc, có những chiếc là từ thời Liên Xô, Đông Âu sản xuất trước 1991. Cả 33 vụ rơi máy máy bay quân sự này đã khiến ít nhất 99 người chết, hầu hết là phi công và sĩ quan quân đội.
Các máy bay của Nga, Liên Xô, Trung Quốc từ lâu đã bị đánh giá thấp trên chiến trường. Đặc biệt là trong cuộc chiến tại Ukraine, dù là phe xâm lược, nhưng khả năng không chiến của Nga vẫn không thể áp đảo được Ukraine, thậm chí có phần yếu hơn. Cho nên việc chỉ dùng máy bay có nguồn gốc Nga-Xô-Trung cộng có nguy cơ khiến CSVN dễ dàng thất thế nếu bị tấn công.
Riêng về máy bay chiến đấu Yak-130 (rơi tại Bình Đình vừa qua) thì trên thế giới đã có ít nhất 13 vụ tai nạn từ lúc sản xuất tới giờ. Đa số là do lỗi kỹ thuật. Hiện nay trong biên chế quân đội CSVN vẫn còn 11 chiếc loại này. Trước đây, bị nhiều tai nạn nhất là dòng máy bay tiêm kích MiG-21 thì từ năm 2000 tới 2010 có 8 chiếc bị rơi, nhưng từ 2015 thì bộ Quốc phòng đã chính thức cho MiG-21 ngừng hoạt động.
Còn dòng tiêm kích Su-22 cũng có 8 chiếc gặp nạn từ 2006 tới nay. Hiện Việt Nam đang có 3 trung đoàn Su-22 trong biên chế với khoảng 34 chiếc Su-22. Đây là dòng máy bay chiến đấu bị rơi nhiều nhất nhưng lại chịu trách nhiệm nặng nhất trong quân đội CSVN vì phải bảo đảm không phận và chủ quyền biển đảo. Cho nên đây cũng là một điểm yếu lớn trong không quân Việt Nam.
Ngoài ra, chi phí cho việc đào tạo phi công ở Việt Nam là rất tốn kém về tài chính lẫn thời gian, nhất là phi công lái máy bay chiến đấu, tiêm kích, cường kích. Vậy mà 24 năm nay, trung bình mỗi năm lại có 2-3 phi công không quân chết do tai nạn máy bay thì quá tốn kém về nhân lực.
Hiện nay quân đội Việt Nam đang tìm cách mua máy bay từ Hoa Kỳ và Âu Châu để tăng cường sức mạnh thực chiến. Hồi tháng 8 vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cũng đã tới Ngũ Giác Đài để đàm phán về vấn đề nay. Nhưng có lẽ sẽ không dễ dàng vì Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí tự do, dân chủ, nhân quyền mà Hoa Kỳ và phương Tây mong muốn. Nếu muốn vũ khí và viện trợ từ các nước này thì CSVN buộc phải thay đổi chính sách chứ không thể đàn áp người dân mãi được.
Hơn nữa CSVN cũng bị áp lực từ phía Nga và Trung Quốc, người anh em cùng chung vận mệnh. Nên khó lòng mà ngừng nhập máy bay, thiết bị quân sự và vũ khí từ các quốc gia này.
Vẫn có một cách lưỡng toàn, là nghỉ chơi với Nga-Trung và nới rộng tự do, dân chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam. Nhưng làm như vậy thì sẽ mất chế độ. Trong khi đó CSVN vẫn có tôn chỉ thà mất nước hơn mất đảng. Cho nên cũng không hi vọng gì về chuyện quân đội Việt Nam sẽ hiện đại hóa được. Đó là chưa kể tới chuyện tham nhũng và tha hoá của các tướng tá trong bộ Quốc phòng CSVN!