Hồng Dân
(VNTB) – Tình trạng xâm nhập mặn ở miền Tây Nam Bộ đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và trồng lúa của người dân…
Về chiều sâu ranh mặn 4‰ ở hiện tại, phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 50-60 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 40-45 km; sông Hàm Luông là 42-50 km, sông Cổ Chiên là 43- 50 km; sông Hậu là 45-50 km; sông Cái Lớn là 37-45 km…
Một tháng trước đây, nước mặn từ biển chảy ngược theo sông Hậu, xâm nhập khoảng 50 km vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, tại huyện Trần Đề, độ mặn cao nhất đo được 22,4‰, thị trấn Long Phú là 18,4‰ và thị trấn Đại Ngãi là 7,7‰…Tình trạng này đã đe dọa đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của một số địa phương.
Ông Trịnh Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề thông tin, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không xuống giống vụ Đông Xuân muộn vì rủi ro rất lớn, nhưng bà con vẫn xuống giống. Có thể do vụ vừa qua, lúa lên giá nên bà con làm tiếp vụ này với hy vọng sẽ thành công. Với tình hình thế này, chắc chắn những người làm lúa vụ Đông Xuân muộn này sẽ lỗ nặng. Ông Phạm Tấn Đạo – Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 – 2024 ở mức sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn cùng kỳ mùa khô 2022 – 2023.
Trong những ngày gần đây nguồn nước ngọt sử dụng cho sinh hoạt người dân trên địa bàn thành phố Sóc Trăng cũng thiếu hụt trầm trọng, chất lượng nước kém. Một báo cáo của ông Đặng Văn Ngọ – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng – cho biết, do khô hạn, xâm nhập mặn đến sớm hơn mọi năm đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc cung cấp nước sạch thời gian qua. Theo ông Ngọ, tại vị trí Nhà máy Nước mặt khu công nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) hiện nay không thể lấy được nguồn nước mặt do tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, độ mặn nước mặt liên tục tăng.
“Hiện độ mặn nước sông khu vực này dao động 630 – 660mg/lít. Nhà máy nước mặt chịu ảnh hưởng, dẫn đến lưu lượng nước giảm đáng kể”, ông Ngọ thông tin.
Theo ngành nông nghiệp huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), toàn huyện có khoảng 6.000 ha lúa Đông Xuân muộn đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đòng, trổ. Tuy nhiên, đã có 334 ha bị ngộ độc phèn, gần 74 ha bị thiếu nước. Nếu trong thời gian tới nắng nóng còn kéo dài, xâm nhập mặn vẫn tăng, dự báo sẽ có hàng nghìn hecta lúa đứng trước nguy cơ gặp rủi ro là rất cao.
Dọc hai bên đường 934B nối thành phố Sóc Trăng đi Trần Đề, nhìn bằng mắt thường đã thấy rõ dấu hiệu hạn mặn ở những cánh đồng khô khốc, nhiều kênh mương cạn kiệt nước. Bên cạnh đó, cũng có nhiều cánh đồng lúa mới xuống giống được khoảng hơn 15 ngày nhưng đã có dấu hiệu bị chết vì thiếu nước hoặc nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.
Còn theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong hai tuần lễ đầu tháng 3-2024 ở khu vực Nam Bộ tiếp tục phổ biến ít mưa, nắng nóng có xu hướng mở rộng, có nơi nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất tại miền Tây phổ biến từ 33-35 độ C, có nơi hơn 35 độ C; miền Đông từ 34-36 độ C, có nơi hơn 37 độ C. Trong thời kỳ dự báo, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm theo triều với xu thế xuống dần. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,35m, tại Châu Đốc 1,55m, ở mức tương đương trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Dự báo, mực nước thủy triều trạm Vũng Tàu dao động ở mức trung bình, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 3,50 – 3,90m, thời gian xuất hiện đỉnh triều chủ yếu diễn ra vào khoảng 0 đến 4 giờ và 13 đến 17 giờ hằng ngày.
Hiện nay, nước sông Tiền tại cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) là 2,7 gam/lít, cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 2,1 gam/lít; tại thành phố Mỹ Tho nhiễm mặn 1,6 gam/lít, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là 0 gam/lít. Dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn độ mặn sẽ còn tăng cao, nhất là những đợt triều cường tới. Do đó, ở thời điểm này việc ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ sản xuất rau màu ở phía Đông và vườn cây ăn trái ở khu vực ven sông Tiền của tỉnh Tiền Giang là hết sức cấp thiết.
Trong tình cảnh đó, với tâm thế còn nước còn tát, chính quyền và nông dân các tỉnh miền Tây vẫn đang nỗ lực để vụ mùa này không bị mất trắng vì mặn xâm nhập sâu vào sông rạch, kênh ngòi.