Việt Nam Thời Báo

VNTB – Xộ khám vì ‘ăn đất’

đất công

Phạm Lê

 

(VNTB) – Những lỗ hổng của Luật Đất đai đang hàng ngày, hàng giờ vô tình tiếp tay cho tham nhũng.

 

Thực chất, chế độ công hữu về đất đai nên được coi như một chủ trương chính trị, việc đưa đất đai vào thị trường phải dựa vào giá trị quyền sử dụng đất thuộc quyền tài sản của người sử dụng đất.

Bởi vậy nên thực thi pháp luật của Việt Nam, đó là vấn đề của phụ thuộc vào đạo đức cán bộ…

Chiều 8-6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Chiến Thắng và ông Lê Đức Vinh. Cả hai là nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa 2 nhiệm kỳ liền nhau.

Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý theo khoản 3, Điều 229 Bộ luật Hình sự xảy ra tại dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, và dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc, tỉnh Khánh Hòa.

Liên quan đến chuyện đất đai, gần đây có vụ án 43ha đất vàng ở tỉnh Bình Dương. Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Văn Trang – nguyên là Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương, ông Võ Thanh Bình – nguyên Cục phó và Nguyễn Thái Thanh – Phó trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác, Cục Thuế tỉnh Bình Dương để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo điều 219 Bộ luật Hình sự.

Cho đến nay, Cơ quan Công an đã khởi tố 10 bị can về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và hiện vụ án vẫn đang tiếp tục được mở rộng điều tra.

Luật Đất đai của Việt Nam được cho là một trong những lý do khiến tham nhũng về đất đai khó thể giảm, vì quyền lực định đoạt đất đai được giao cụ thể vào một nhóm quan chức nhân danh quyền lực Nhà nước.

Không khó để lý giải.

Ở các nước thừa nhận chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, pháp luật minh định rất cụ thể về đất công và đất tư. Đất công là đất thuộc sở hữu nhà nước, còn đất tư thuộc sở hữu của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân hay một cộng đồng nào đó. Vì vậy, quản lý đất đai tại các quốc gia này khá giản dị.

Đối với đất công, pháp luật đã đặt ra các quy định rất chặt chẽ khi Nhà nước đưa đất công vào thị trường, tức là quá trình Nhà nước bán đất công cho khu vực tư sử dụng. Cách thức được áp dụng là phải định giá theo giá thị trường làm cơ sở để đấu giá đất. Việc đưa đất công vào thị trường chỉ xảy ra khi có “sốt” đất mà Nhà nước phải quyết định tăng cung để giảm “sốt”, hoặc Nhà nước bảo đảm cung đất cho quy hoạch phát triển.

Từ phía ngược lại, họ cũng có quy định chuyển đất tư thành đất công thông qua cơ chế Nhà nước chiếm giữ đất đai bắt buộc (ta gọi là Nhà nước thu hồi đất). Tất nhiên, họ chỉ sử dụng cơ chế này khi cần sử dụng đất tư vào mục đích công cộng vì lợi ích toàn dân.

Ngoài ra, việc quản lý đất đai chủ yếu là cung cấp các dịch vụ hành chính công phục vụ các giao dịch đất đai trong khu vực tư như chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp, góp vốn.

Còn với thể chế đơn nguyên ở Việt Nam, pháp luật hiện hành gồm cả pháp luật đất đai và pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công đều coi đất đai là tài sản công, và quyền sử dụng đất là quyền tài sản của người sử dụng.

Pháp luật không có phân biệt gì giữa trường hợp quyền sử dụng đất thuộc khu vực công (như đất công nói ở trên), và quyền sử dụng đất thuộc khu vực tư (như đất tư nói ở trên).

Mặt khác, pháp luật hiện hành của Việt Nam lại đi theo hướng tăng cường quyền lực cho các cơ quan hành chính trong việc quyết định đối với đất đai, và các tài nguyên thiên nhiên. Một khi các cơ quan hành chính có quyền lực mạnh hơn trong các quyết định về đất đai, sẽ dẫn tới 2 hệ quả tất yếu. Một là cơ hội tham nhũng về đất đai cao hơn vì tham nhũng là hệ quả của quyền lực không được kiểm soát. Hai là cán bộ có thẩm quyền quyết định về đất đai rơi vào vòng lao lý khi tham nhũng bị phát hiện.

Việc hàng loạt quan chức bị xử lý kỷ luật, thậm chí bắt giam về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất thời gian qua cho thấy những lỗ hổng của Luật Đất đai đang hàng ngày, hàng giờ vô tình tiếp tay cho tham nhũng.

Dĩ nhiên ở đây không loại trừ tham nhũng chính sách khiến vai trò lập pháp của Quốc hội mờ nhạt, hoặc theo chiều hướng tạo thuận lợi nào đó cho các nhóm quyền lực chính trị trước những đề xuất về tu chỉnh pháp luật chuyên ngành, như luật đất đai sắp tới đây, chẳng hạn.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao loạn tham nhũng đất đai?

Trương Thế Tử

VNTB – Sẽ còn nhiều ‘phiên bản’ bức tử đất đai như ở Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Lộc Hưng…

Phan Thanh Hung

VNTB – “Tiền ảo” ở Việt Nam có được pháp luật bảo vệ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.