Thới Bình
(VNTB) – Bà Trần Uyên Phương, phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, bị điều tra về hành vi trốn thuế.
Cuối buổi sáng ngày 6-3-2023, báo Tuổi Trẻ đưa tin về ái nữ gia tộc ‘đốc-tờ Thanh’ đối mặt lao lý về nghi án trốn thuế. Cái đáng nói ở đây là nội dung của nghi án này đã có từ thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng. Rất có thể là vô tình, nhưng đúng là cần ‘tò mò’ khi liên tưởng chỉ đến lúc ông Nguyễn Xuân Phúc rời chính trường thì nghi án này mới được ‘xới’ lại.
Mới ở giai đoạn giải quyết tin tố cáo về chuyện trốn thuế
Cái đáng nói tiếp theo nữa đó là tính đến cuối giờ chiều ngày 6-3, thì không thấy tờ báo nào đưa tin nghi án trốn thuế kể trên, riêng báo Phụ Nữ TP.HCM thì bài báo chỉ còn đường dẫn https://www.phunuonline.
Tương tự tình trạng trên cũng ghi nhận ở báo Đời sống và Pháp luật tại đường dẫn https://doisongphapluat.
Một biên tập viên giải thích với tư cách cá nhân, là lâu nay trong các hợp đồng quảng cáo thương hiệu mà Tập đoàn Tân Hiệp Phát ký với giới truyền thông, có đưa vào một ràng buộc là không đưa tin gây bất lợi cho thương hiệu này khi tin tức đó vẫn ở trường hợp “tin hậu trường – tin không chính thức”.
Bài viết trên báo Tuổi Trẻ được căn cứ vào một văn bản mà Công an TP.HCM gửi cơ quan thuế, theo đó cơ quan cảnh sát điều tra cho biết đang tiến hành giải quyết tin báo về tội phạm, tố cáo bà Trần Uyên Phương (sinh năm 1981, địa chỉ: 169 Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM) về hành vi trốn thuế và giúp sức cho người khác trốn thuế thông qua việc khai báo sai giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có dấu hiệu sai phạm tội “trốn thuế”, quy định tại điều 200 Bộ luật hình sự, xảy ra tại TP.HCM.
Theo đó, bà Trần Uyên Phương cùng một số cá nhân khác đã sử dụng tài liệu là các “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” được công chứng viên chứng nhận, vào sổ công chứng tại Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân Ngụ, quận 5, TP.HCM ghi nhận không đúng số tiền thực tế chuyển nhượng đối với quyền sử dụng đất.
Từ đó, cơ quan thuế xác định sai số tiền thuế phải nộp qua việc chuyển nhượng quyền sử dựng đất giữa bên nhận chuyển nhượng là bà Trần Uyên Phương và bên chuyển nhượng là các cá nhân – chủ sử dụng đối với quyền sử dụng đất, thuộc các thửa đất tại phường Hiệp Bình Chánh, phường Long Trường và phường Bình Khánh, thuộc thành phố Thủ Đức, TP.HCM, gây thất thu số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước khoảng hơn 5,48 tỷ đồng.
Do vậy, để phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ việc trên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã đề nghị Cục Thuế TP.HCM cử hai giám định viên tư pháp về lĩnh vực thuế để phối hợp với cơ quan điều tra.
Bộ Công an cũng đã vào cuộc từ quý 4-2020
Hơn hai năm trước tại một họp báo vào trung tuần tháng 12-2020, đại tá Chữ Văn Dũng – Phó chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra – C01, Bộ Công an, cho hay nói về việc C01 đề nghị tạm dừng các biến động tài sản các lô đất của bà Uyên Phương, như sau:
Hồi tháng 10-2020, C01 nhận được được đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Kim Oanh Đồng Nai (Công ty Kim Oanh), cho rằng bà Trần Uyên Phương và ông Trần Quý Thanh cùng một số người liên quan có hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, thông qua chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp.
Theo ông Lâm, hành vi của bà Uyên Phương và những người này gây thiệt hại cho Kim Oanh Đồng Nai hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngày 9-11-2020, C01 ra quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm, đồng thời gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở ngành giữ nguyên hiện trạng pháp lý; tạm dừng các biến động tài sản (mua bán, tặng cho, thế chấp cổ phần, quyền sử dụng đất…) đối với Công ty Minh Thành Đồng Nai, dự án Khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành. Khu đất này được phía ông Lâm cho là tài sản đã bị chiếm đoạt.
Đến ngày 25-11-2020, C01 tiếp tục gửi văn bản đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các UBND quận Thủ Đức, quận Bình Tân giữ nguyên hiện trạng 33 thửa đất đứng tên bà Phương tại các địa phương này. “Vụ việc đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tập trung xác minh, điều tra nên chưa thể thông tin gì thêm”, đại tá Dũng cho biết như vậy ở thời điểm cuối năm 2020.
Phía bị tố cáo đã lên tiếng ra sao?
Phản ứng rất nhanh sau đó trước thông tin của C01, phía đại diện pháp luật của bà Uyên Phương cho biết chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của Bộ Công an về việc bị tạm dừng các biến động tài sản các khu đất. Thông tin ông Lê Văn Lâm tố cáo bà Uyên Phương cũng chỉ biết thông qua phát ngôn của đại diện C01 và trên báo.
Về việc ông Lâm, đại diện Công ty Kim Oanh tố cáo bà Uyên Phương chiếm đoạt Công ty Minh Thành bằng những hợp đồng giả cách, phía bà Uyên Phương nói “không đúng sự thật”. Các hợp đồng chuyển nhượng là có thật, được thực hiện trên thực tế giữa các bên và do Công ty Kim Oanh “chủ động, tự nguyện thực hiện”. Do đó, quyền sở hữu cổ phần Công ty Minh Thành của Công ty Kim Oanh được chuyển cho bà Uyên Phương là đúng pháp luật.
Đối với việc Công ty Kim Oanh cho rằng bị “thiệt hại 1.000 tỷ đồng” từ dự án của Công ty Minh Thành (tài sản bị cơ quan điều tra đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tạm dừng biến động), phía bà Phương cho rằng Công ty Kim Oanh chỉ nắm 50% vốn cổ phần và không sở hữu tài sản nào khác của công ty này, 50% còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông khác. Do đó, Công ty Kim Oanh không sở hữu dự án do Công ty Minh Thành làm chủ đầu tư thì không thể cho là bị thiệt hại.
Ngoài ra, dự án này mới ở giai đoạn được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyện chủ trương, đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Để dự án có thể được phê duyệt chính thức, phải thực hiện thêm rất nhiều công đoạn…
Liên quan các tố cáo tương tự kể trên, ghi nhận từ người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Trần Uyên Phương, theo quy định của pháp luật, nếu có tố cáo thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, xác minh, làm rõ các thông tin để giải quyết đơn tố cáo. Đó là điều hết sức bình thường và không thể suy diễn khi các cơ quan điều tra làm rõ thông tin về bà Trần Uyên Phương đồng nghĩa với việc bà Phương vi phạm pháp luật, đồng nghĩa với việc các tố cáo là đúng. Người tố cáo cũng phải chịu trách nhiệm nếu tố cáo sai.
Đối với vụ chuyển nhượng bất động sản số 230 Hồ Học Lãm, phía luật sư của bà Trần Uyên Phương cho biết, đây là bất động sản thuộc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất của ông Lâm Hoàng, bà La Ngọc Vũ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CM 707463, số vào sổ cấp GCN CH13192 do UBND quận Bình Tân cấp ngày 10-12-2018 (GCN CH13192).
Bà Trần Uyên Phương (Bên nhận chuyển nhượng) ông Lâm Hoàng, bà La Ngọc Vũ (Bên chuyển nhượng) đã ký kết Hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất số công chứng 001726, quyền số 01 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 11-01-2019 (hợp đồng mua bán) để mua bán, chuyển nhượng đối với Thửa đất số 452, tờ bản đồ số 107 (TL2005). Hợp đồng mua bán được Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân Ngụ công chứng theo đúng quy định pháp luật
Ngày 11-01-2019, bà Trần Uyên Phương đã thanh toán đầy đủ tiền mua, nhận chuyển nhượng bất động sản này cho ông Lâm Hoàng. Ngày 18-01-2019, Chi nhánh Văn Phòng đăng ký đất đai quận Bình Tân đã cập nhật thông tin bà Trần Uyên Phương là người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở trên giấy chứng nhận CH13192.