Việt Nam Thời Báo

Hóa ra chính phủ thực sự chơi xỏ dân

Khá nhiều người bày tỏ sự hy vọng chính phủ trung thực với dân. Nhất là trong vụ ra luật biểu tình, vì trước đó, chính phủ hứa rất nhiều, mà câu nào hứa cũng như mật ngọt rót vào tai.
Đầu năm nay, dân tình nghe phong phanh là chính phủ dời luật biểu tình cho đến năm sau, các website “phản động” lại được dịp tung hô lên, bảo là chính phủ lừa dân. Một số tổ chức “phản động” khác như Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) còn “dám cả gan” soạn thảo, đề xuất dự luật biểu tình, tổ chức này lại bảo là muốn tạo ra không gian bày tỏ quan điểm cho dân. Nhưng dân đen đây vẫn cứ tin, hết mực tin vào Đảng và nhà nước, dù rằng, dân vẫn loáng thoáng nghe thông tin bên lề trái rỉ tai, chính phủ và Đảng chỉ giỏi tuyên truyền mị dân chứ đừng mơ mà được thực hiện.
Vậy mà sáng nay (9h30), đọc báo Tuổi Trẻ dân mới bật ngửa cái thông tin: “Lại xin lùi thời hạn trình Luật biểu tình sang Quốc hội khóa sau.”
Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần có thời gian để nghiên cứu làm rõ thêm về dự án luật này.
Nghĩa là thời hạn trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII (giữa năm 2015) sang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2016).
Dù có hơi sốt, nhưng dân vẫn cố gắng kìm nén lại, đọc thử nguyên nhân là gì, hóa ra chính phủ lo cho dân, cho nước đến độ cần phải có một thời gian dài để nghiên cứu khái niệm “biểu tình là gì, thế nào là tụ tập đông người, tự do biểu tình.”
Dân chau mày, hóa ra chính phủ lừa dân à? Dân đọc tiếp, thấy UB Pháp Luật không đồng tình với đề nghị này của Chính phủ. Quan chủ nhiệm Phan Trung Lý khẳng định là Luật biểu tình, Luật về Hội là “các dự án luật cần sớm được ban hành”.
Dân càng mở cờ trong bụng khi mà ông Lý nhấn mạnh “Nhà nước cũng nợ dân quá nhiều và quá lâu trong vấn đề này rồi” và càng sướng cái bụng hơn khi bà quan Nguyễn Kim Thoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh đồng tình với ý kiến đó.
luatbieutinh_01.png
Dân càng cáu tiết hơn nữa khi đọc thấy, cái dự luật biểu tình vốn cần ưu tiên thì chính phủ bỏ ngỏ, trong khi đó, Luật sỹ quan quân đội nhân dân và Luật công an nhân dân vừa được thông qua, chính phủ lại đòi sửa đổi lại.
Thế là thế nào hử chính phủ?
Dân dòm cái cái mặt hớn hở của người thay mặt chính phủ ra đề nghị là ông Bộ trưởng Hà Hùng Cường là ghét lây.
Dòm xuống xem ý kiến dân tình thế nào, thì thấy đa phần phản đối ý định trời đất ơi đó.
Khi người có nickname haiduong thắc mắc: “Luật biểu tình có từ thời thành lập nước 1945, mà cứ lùi, lùi mãi… khó hiểu.”
Thì ngay tức thì đã nhận được câu trả lời của người tên Nguyên: “Nói chung là câu giờ. Những tưởng công dân là những gì không bị cấm, và biểu tình là quyền mặc nhiên, được hiến định nên nó không thể bị cấm, nên người dân mặc nhiên được tiến hành bất kỳ lúc nào, bất kỳ đâu mới đúng là biểu hiện một trong các đặc điểm nhà nước dân chủ, pháp trị.”
Một nickname khác là letuan tán đồng: “Quyền tự do dân chủ của người dân thì cứ bị câu giờ kéo dài mãi. Vậy thì đất nước đến bao giờ mới sánh vai bằng với các nước trong khu vực được chứ đừng nói đến các cường quốc năm châu. Xin hãy đặt quyền lợi đất nước lên trên lợi ích nhóm.”
Trong khi đó, Lê Minh (HaNoi) lại ý nhị phản hồi: “Một sự “Delay” có chủ ý”
Đọc phản hồi mà dân sướng ơi là sướng, vỗ tay đành đạch vào bắp đùi mà kêu lên: “Chính phủ lừa dân nhé, chính phủ lừa dân nhé, nhưng dân không mị mô, dân không bị mị mô…”
Chiều 15h00, dân F5 để đọc thêm phản hồi phản đối chính phủ, thế nhưng vừa F5 xong, toàn bộ nội dung biến mất.
Dân cáu, dân đập bàn hét lên: Chính phủ muốn lừa dân đến cùng ư!!!

Đọc lại: Lại xin lùi thời hạn trình Luật biểu tình sang Quốc hội khóa sau

TTO – Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần có thời gian để nghiên cứu làm rõ thêm về dự án luật này.
Sáng nay (16-3), thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình sang Quốc hội khóa sau.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII (giữa năm 2015) sang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2016).
Đồng thời Chính phủ cũng đề nghị lùi dự án Luật về hội đến Quốc hội khóa sau. Chỉ có dự án Luật khí tượng thủy văn được đề nghị trình sớm hơn dự kiến.

Cần thời gian nghiên cứu kỹ hơn

Về lý do xin lùi dự án Luật biểu tình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần có thời gian để nghiên cứu làm rõ như khái niệm biểu tình là gì, thế nào là tụ tập đông người, tự do biểu tình.
Biểu tình có bao gồm các cuộc mittinh do tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan nhà nước tổ chức hay không?
Tương tự, dự án Luật về hội được Chính phủ nhận định rằng đây là dự án luật có nội dung phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu kỹ hơn.
luatbieutinh_02.jpg
Bộ trưởng Hà Hùng Cường thay mặt Chính phủ xin lùi các dự án Luật biểu tình, Luật về hội mặc dù các dự án này đã được “đưa vào, rút ra” nhiều lần – Ảnh: L.K

“Nợ dân quá nhiều rồi”

Tuy vậy, đề nghị của Chính phủ không nhận được sự đồng tình của Ủy ban Pháp luật.
Trình bày quan điểm của ủy ban được thống nhất tại phiên họp toàn thể mới đây, Chủ nhiệm Phan Trung Lý khẳng định Luật biểu tình, Luật về hội “là các dự án luật cần sớm được ban hành”.
“Hai dự án luật này Quốc hội đã đề cập nhiều lần, là các dự án luật ưu tiên khi bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Nhà nước cũng nợ dân quá nhiều và quá lâu trong vấn đề này rồi” – ông Phan Trung Lý nói.
Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ nên cho lùi dự án Luật biểu tình (từ kỳ họp thứ 9, tháng 5-2015) đến kỳ họp thứ 11 (đầu năm 2016), còn dự án Luật về hội phải trình vào kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2015), không đồng tình với đề nghị chuyển sang Quốc hội khóa sau.
Cùng quan điểm với Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng Luật biểu tình là nhu cầu cần thiết để quản lý xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt là sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền nước ta.
Đại biểu Quốc hội đã nhiều lần bức xúc đề nghị đưa vào chương trình. “Các luật này rất khó nhưng rất cần thiết, cố gắng đừng lùi nữa, nói như đồng chí Phan Trung Lý là chúng ta nợ dân quá nhiều rồi” – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nói thêm.
Ngoài ra, Chính phủ còn có một đề nghị bất ngờ, khiến một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bức xúc – đó là đề nghị sửa đổi Luật sỹ quan quân đội nhân dân và Luật công an nhân dân.
Bất ngờ, bởi cả hai luật này vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014), chưa có hiệu lực thi hành.
“Tôi tưởng các đồng chí nhầm, nhưng hóa ra không phải. Quốc hội vừa mới thông qua và nay chỉ đề nghị sửa có một điều không cần thiết” – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh Nguyễn Kim Khoa bày tỏ.
LÊ KIÊN
Nguyên Uy

(Theo Dân Luận)

Tin bài liên quan:

VNTB – ‘Xài qua – xài lại’ ở chính trường Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Trút gánh nặng tài chính cho ‘nhiệm kỳ tương lai’ của Chính phủ

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Tăng lương sẽ khiến lạm phát tăng theo?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo