Việt Nam Thời Báo

VNTB – 3 ngân hàng bắt buộc sang tay với giá 0 đồng

Hàn Lam

 

(VNTB) – Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt mua lại bắt buộc ba ngân hàng thương mại với giá 0 đồng, sau khi các ngân hàng này không thể triển khai được các biện pháp phục hồi. 

 

3 ngân hàng mua bắt buộc với giá 0 đồng là ngân hàng Xây dựng – CBBank, ngân hàng Đại Dương – OceanBank, ngân hàng Dầu khí Toàn cầu – GP Bank, và ngân hàng Đông Á.

Bán theo giá bắt buộc

Việc nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng là một nội dung được quan tâm tại các đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của nhiều ngân hàng vừa diễn ra.

Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết Vietcombank đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém và trình lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chờ phê duyệt.

Lãnh đạo VPBank cũng báo cáo cổ đông về thông tin nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – MB cho biết ngân hàng đã chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo quy định và triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó. Tuy nhiên, danh tính ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc không được tiết lộ.

Đại hội đồng cổ đông HDBank đã thông qua những nội dung được cập nhật, sửa đổi, bổ sung phương án nhận chuyển giao bắt buộc theo tình hình thực tế và hướng dẫn, phê duyệt của cơ quan nhà nước; tiếp tục ủy quyền cho hội đồng quản trị thực hiện và hoàn tất các công việc liên quan bao gồm sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh nội dung cụ thể, quyết định, ký các văn bản… thực hiện các công việc liên quan đến HDBank nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại cổ phần.

Ngân hàng không thể phá sản

Cái tên “ngân hàng 0 đồng” xuất phát từ năm 2015 khi 3 ngân hàng thương mại gồm ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CBBank), ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc với giá 0 đồng/cổ phần.

Đây là sự việc chưa có tiền lệ. Phá sản ngân hàng là một phương án, nhưng đặt trong bối cảnh hệ thống ngân hàng “mới ốm dậy” ở thời điểm đó, hệ lụy có thể rất khủng khiếp cho nền kinh tế.

Nhìn lại, giai đoạn 2000 – 2010, tăng trưởng tín dụng bình quân tại Việt Nam lên đến 31,55% mỗi năm, trong đó đỉnh điểm là năm 2007 với mức tăng trưởng tín dụng lên đến 53,89%.

Nguồn tiền quá lớn được “bơm” vào nền kinh tế khiến lạm phát “bùng nổ”, lãi suất vọt lên hàng chục phần trăm khiến dòng tiền ồ ạt rút khỏi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản để trở về với kênh ngân hàng, nền kinh tế đã chao đảo lại càng xáo trộn hơn khi chính sách áp trần lãi suất huy động tỏ ra không hiệu quả, các ngân hàng thường xuyên “vượt rào” bằng các hình thức khác nhau, phổ biến nhất là chi trả lãi ngoài.

Mạch máu của nền kinh tế bị rối loạn, thậm chí tắc nghẽn, những “khối u” từ từ lộ ra, trong đó có bộ ba “ngân hàng 0 đồng”.

Quyền cổ đông bị đe dọa bởi “giá 0 đồng”

Đến trung tuần tháng 4-2017, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin từ nay, sẽ không đặt ra vấn đề Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng, theo kết luận được thống nhất tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 11-4-2017, với nội dung thảo luận về dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Một trong những vấn đề được thảo luận tại phiên họp trên là về biện pháp mua bắt buộc. Theo Ngân hàng Nhà nước, phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ phần vốn góp, cổ phần cho tổ chức tín dụng được chỉ định hoặc Ngân hàng Nhà nước.

Đây là biện pháp áp dụng cho tổ chức tín dụng có thực trạng yếu kém nhất, điều kiện, quy trình, thẩm quyền cũng được quy định chặt chẽ nhất.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng không nên quy định về biện pháp này vì có thể vi phạm quyền lợi cổ đông và quyền công dân.

‘Cùng đường’ vẫn phải bán với giá 0 đồng

Theo giải trình của Ngân hàng Nhà nước, về nguyên tắc, biện pháp chuyển giao bắt buộc là biện pháp cuối cùng để xử lý khi ngân hàng thương mại yếu kém không thể thực hiện được phương án phục hồi, cũng không thể thực hiện được phương án giải thể (do không có khả năng thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ) và không thể thực hiện được phương án phá sản do tác động quá lớn đến an ninh tài chính, nền kinh tế và trật tự, an toàn xã hội.

Qua thảo luận, các ý kiến thành viên Chính phủ thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước là cần có quy định về biện pháp này. Cùng với các biện pháp xử lý khác đã nêu trong dự án luật, các ý kiến cũng thống nhất từ nay trở đi, sẽ không đặt ra vấn đề Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng. Theo đó, các ngân hàng yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, sau đó có các biện pháp tài chính, cuối cùng mới áp dụng biện pháp mua bắt buộc.

Dự thảo cũng nêu, đối với các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng sẽ được xử lý theo các phương án mà dự án luật quy định.

Trong thời gian qua, thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, trong lựa chọn chưa cho phá sản, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt mua lại bắt buộc ba ngân hàng thương mại với giá 0 đồng, sau khi các ngân hàng này không thể triển khai được các biện pháp phục hồi. Ba trường hợp này gồm: ngân hàng Xây dựng, ngân hàng Đại Dương, và ngân hàng Dầu khí Toàn cầu.

Ngân hàng Xây dựng đã hoàn tất việc bán lại với giá 0 đồng. Danh sách này nay bổ sung thêm ngân hàng Đông Á.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đồng đô la Mỹ tăng giá

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Vàng tăng vọt trước thềm Vía Thần tài

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Bình quân mỗi tháng có 21,6 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo