Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai mới là “ngụy”?

Phú Nhuận ghi

 

(VNTB) – “Ngụy” là từ mà những người đến từ Hà Nội vẫn ưa dùng để gọi các viên chức cho đến dân chúng ở bên kia bờ Hiền Lương.

 

“Ngụy” ở đây là tính từ, có ý nghĩa là “sự giả tạo”, ví dụ như “ngụy tạo, ngụy biện, ngụy trang, ngụy quân tử, ngụy quyền”. Trong chính trị, từ này được dùng để chỉ một triều đại hoặc chính quyền do soán đoạt mà có, hoặc do quân xâm lược nước ngoài dựng lên để hợp thức hóa sự xâm lược, đô hộ một nước khác.

Về bản chất, chính quyền này không có thực quyền, chỉ là hữu danh vô thực, chính quyền này bị quân xâm lược nước ngoài khống chế, mang tính chất bất hợp pháp và không chính danh.

Trong lịch sử các nước Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên, và Việt Nam, từ “ngụy triều”, “ngụy quyền” được sử dụng nhiều trong các văn bản lịch sử bất chấp việc về pháp lý thì miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đến Cà Mau là quốc gia được quốc tế xác lập chủ quyền; nghĩa là không thỏa mãn cho yếu tố sử dụng tính từ “ngụy” trong cách gọi.

Trà dư tửu hậu trong tháng tư này về “ngụy”, một cựu tổng biên tập của một tờ báo thuộc Đảng bộ tỉnh Long An, kể câu chuyện mà chính ông là người trong cuộc liên quan đến “ngụy” trong cách hiểu chính trị từ “bên thắng cuộc”.

Xin biên ra đây như một tham khảo khi sử dụng tính từ “ngụy” để nói về một bên nào đó trong cuộc chiến tranh đã kết thúc sắp sửa kỷ niệm lần thứ 48.

… “Từ đất Quảng Bình vượt Trường Sơn qua Lào năm 1970, là lần “vượt biên” đầu đời của tui. Dù được tổ chức cấp quốc gia, thậm chí quốc tế, cuộc vượt biên này cũng phải ngụy trang.

Thông thường ngụy trang nhằm làm thay đổi vỏ bên ngoài, che đậy hình dáng thật, lẫn vào môi trường chung quanh để đối phương không nhận ra. Rõ nhất, là vòng lá ngụy trang đeo sau lưng. Quân hiệu gắn trên mũ vẫn giữ ngôi sao vàng, nhưng nền cờ sơn hai màu, đỏ và xanh dương. Mũ tai bèo dùng thay mũ nhựa. Đội lên là đội thơ Tố Hữu: “Cả năm châu chân lý đang nhìn theo/ Dáng anh đi và vành mũ tai bèo”.

Thêm những việc khác. Đổi tên gọi các tổ chức trong giấy tờ cá nhân (mẫu in sẵn). Đảng/ Đoàn thanh niên cộng sản đổi thành Đảng/ Đoàn thanh niên “Nhân dân Cách mạng miền Nam”.

Đổi phiên hiệu đơn vị, mỗi tiểu đoàn “đi B” mang một số hiệu gồm 4 chữ số. Như tiểu đoàn tui, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 22, trở thành Đoàn 2246. Vào B2 thay đổi danh xưng cấp bậc, với hệ thống quân hàm nội bộ của Quân giải phóng (trong dấu “ngoặc kép” dưới đây):

– Binh nhì và Binh nhất, thành “Chiến sĩ”;

– Hạ sĩ và Trung sĩ, thành “A bậc phó”; Thượng sĩ và Chuẩn úy, thành “A bậc trưởng”;

– Thiếu úy, thành “C bậc phó”; Trung úy, thành “C bậc trưởng”;

– Thượng úy, thành “D bậc phó”; Đại úy, thành “D bậc trưởng”;

(A: tiểu đội; B: trung đội; C: đại đội; D: tiểu đoàn).

Nhờ vậy, nghiễm nhiên 100% lính miền Bắc biến thành Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, thành Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam!

Nhắc thêm một cách nguỵ trang khác, của giới văn nghệ sĩ: dùng bút danh mới khi vào chiến trường. Ví dụ Bùi Đức Ái – Anh Đức; Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành; Xuân Sách – Lê Hoài Đăng … Nhạc sĩ Huy Thục – Lê Anh Chiến, Trần Hoàn – Hồ Thuận An… Thậm chí ngồi ở Hà Nội, Hoàng Vân thành Y Na trong Tây Nguyên; Phan Huỳnh Điểu – Huy Quang,… nhớ không xuể.

Công cuộc ngụy trang kéo dài cho đến năm 1975. Trưa 30/4, xe tăng và các quân đoàn chủ lực miền Bắc tiến vào Sài Gòn nhất loạt giương cờ nửa đỏ nửa xanh. Trên sóng đài phát thanh Sài Gòn, Trung tá Bùi Tùng của Quân đoàn 2 long trọng tuyên bố “đại diện cho lực lượng quân Giải phóng miền Nam” chấp nhận lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.

Các hãng tin quốc tế và Sài Gòn cũ gọi thẳng “quân Bắc Việt”, báo chí phe ta kiên định danh xưng “quân Giải phóng miền Nam” cho đến khi hai miền thống nhất quốc kỳ.

“Mục đích biện minh cho phương tiện”. Xong việc, những ngụy trang, giả trang như thế không cần nữa. Chỉ còn một từ “ngụy” dành chỉ bên thua cuộc, kéo dài đến hôm nay chưa thôi – cho dù ông Võ Văn Kiệt chỉ đạo dứt khoát không gọi chính quyền, quân đội Việt Nam Cộng Hòa là ngụy khi biên soạn bộ “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” – sách đã xuất bản từ năm 2012…”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Sài Gòn ăn Tết mùa Covid-19

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Tạ có điện nước từ năm nào?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn bước vào tuần lễ cuối tháng 6 đầy căng thẳng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo