Lynn Huỳnh
(VNTB) – Luật báo chí Việt Nam hiện không thừa nhận các tổ chức báo chí tư nhân. Tư nhân không có quyền ‘sản xuất báo chí’.
Cơ quan Tuyên giáo nói rằng báo chí ở Việt Nam là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân, để quần chúng nhân dân thông qua đó, nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới, góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức, cơ quan đó.
Sinh viên khoa báo chí ở trường đại học, cũng được dạy rằng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng báo chí làm vũ khí sắc bén chĩa vào chủ nghĩa thực dân, đế quốc và tay sai của chúng ở trong nước và nước ngoài, làm “đòn xoay chế độ”, góp vào thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, giành độc lập dân tộc.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò to lớn của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, chấn hưng đất nước. Báo chí cách mạng được Đảng trao cho sứ mệnh là người tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nói chuyện với các thế hệ nhà báo Việt Nam, Người nói về đề tàicủa mình: “Tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.
Theo những gì đúc kết trong cuộc đời làm cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì mục tiêu cao cả của báo chí cách mạng là phục vụ nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Điều này được khẳng định khi Chủ tịch Hồ Chí Minh coi báo chí là bộ phận khăng khít trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân, của dân tộc và của Đảng.
Báo chí là bộ phận của công tác tư tưởng, luôn gắn liền với hoạt động của Đảng, phục vụ mục tiêu của cách mạng. Báo chí là diễn đàn rộng rãi, dân chủ của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Có mục đích chiến đấu rõ ràng, báo chí cần thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ của báo chí vô sản – Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại huấn thị như vậy.
Các tài liệu của bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: mục đích của báo chí là “cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do”.
Từ việc nhận thức một cách sâu sắc vai trò to lớn của báo chí cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp viết báo, sử dụng báo chí làm vũ khí sắc bén, là diễn đàn tố cáo và tiến công địch, tuyên truyền cách mạng.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã sáng lập ra nhiều báo. Le Paria là tờ báo cách mạng đầu tiên do Người sáng lập tại Pháp. Ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản báo Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, chính thức đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh niên trên thực tế, đã là tờ báo tuyên truyền đường lối cách mạng, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy có thể thấy rằng nhờ vào quyền tự do của báo chí tư nhân, đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh thêm vũ khí sắc bén trong công cuộc giải phóng dân tộc.
Nền báo chí cách mạng cũng hình thành từ quyền tự do báo chí tư nhân ấy, do vậy nên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam rất cần đến những tờ báo tư nhân cùng chung sức. Đây cũng từng là đề xuất của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, khi ông kiên trì kêu gọi cho quyền tự do của báo chí tư nhân.