VNTB – Báo chí Việt Nam là cái loa của Putin?

VNTB – Báo chí Việt Nam là cái loa của Putin?

Thới Bình

 

(VNTB) – Báo chí Việt Nam đã tường thuật về cuộc chiến Nga – Ukraine bằng cách sử dụng từ ngữ của Tổng thống Vladimir Putin

 

Putin nói rằng chỉ là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine chứ không phải là chiến tranh…

Báo chí Việt Nam đã tường thuật về cuộc chiến Nga – Ukraine bằng cách sử dụng từ ngữ của Tổng thống Vladimir Putin, mặc dù trên thực tế thì ai cũng hiểu rõ đây là cuộc chiến tranh xâm lược.

Báo chí Việt Nam dễ dàng ‘lỗi nhịp’ vì chờ ‘định hướng’

Cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Công Khế nói rằng “báo chí chính thống của ta vẫn bị chậm về thông tin thời sự, những vấn để nóng bỏng của xã hội do cách cung cấp thông tin từ các cơ quan hữu quan cũng như những tự hạn chế không đáng có, làm cho hệ thống báo chí Nhà nước thiếu linh hoạt, không đáp ứng được nhu cầu thông tin của quần chúng nhân dân, do đó các mạng xã hội có điều kiện thông tin kịp thời, nhanh nhạy hơn, thu hút người đọc đông hơn.

Từ một bộ máy hùng mạnh, gồm 800 tờ báo với đủ loại hình đa dạng và có sức mạnh như vậy, báo chí Nhà nước hay được gọi là chính thống, vô tình chịu lùi  bước nhường chỗ cho mạng xã hội hoành hành và chiếm lĩnh bạn đọc”.

Theo đề xuất của nhà báo Nguyễn Công Khế, thì “nếu có báo chí tư nhân ,và được cấp phép,thì chủ báo phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nếu họ vi phạm, và như các nước, người xin ra báo phải ký quỹ, thay vì để tình trạng mạng xã hội thiếu lành mạnh nghiêm trọng như hiện nay”.

Cần thay đổi gì để có báo chí độc lập?

Trao đổi về ý kiến này, luật sư Tr.Th. cho rằng để có báo chí độc lập thì trước tiên cần điều chỉnh lại cách hiểu về tố tụng của ít nhất hai điều luật số 117 và 331 của Bộ luật hình sự hiện hành.

“Tôi cho rằng nếu như Đảng đã nhìn nhận ông Phan Đăng Lưu là một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1937), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng (1938) thì cần lưu ý những gì mà ông Phan Đăng Lưu đã viết đăng số ra ngày 10-11-1938 trên báo Dân Tiến về tự do báo chí, qua đó có thể xem xét điều chỉnh về một số nội dung cáo buộc liên quan quyền tự do báo chí theo điều 117 và 331 của Bộ luật hình sự” – luật sư Tr.Th., nói.

Nội dung vẫn được hay nhắc tới về chuyện tự do báo chí qua lăng kính Phan Đăng Lưu, một đảng viên cộng sản:

“Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền, vì nhiều lẽ:

1. Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.

2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên nó đại diện cho tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.

3. Một tờ báo nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù.

4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chánh sách cai trị đi để chuộc lòng dân.

Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hoá của dân chúng mà thôi”.

Vẫn theo luật sư Tr.Th., trong các bài giảng trên giảng đường đại học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh viên thường nghe giảng với giáo trình quen thuộc thế này:

“Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Người rất chú ý và quan tâm đến hoạt động báo chí và quyền tự do báo chí, vừa coi đó là một “vũ khí” và phương tiện trong quá trình đấu tranh cách mạng, đồng thời Người còn coi đó như là một cuộc đấu tranh cho quyền con người.

Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ tố cáo chế độ thực dân Pháp ngăn cấm quyền tự do báo chí: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận… chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt và tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập”.

Trong tác phẩm Đông Dương, Người viết: “Sự thật là người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết. Báo chí, hội họp, lập hội, đi lại đều bị cấm… Việc có những báo hoặc tạp chí mang tư tưởng tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng”.

Trong một bài báo khác, bài “Báo chí”, Người viết: “Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo. Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi”…”.

Đã tự tin về cơ đồ, sao không mở rộng dân chủ?

Cách hiểu về quyền tự do báo chí từ Phan Đăng Lưu đến Hồ Chí Minh xem ra không có sự khác biệt. Trong cách hiểu này, nếu như hiện nay đã đủ tự tin khi nhiều lần được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về cơ đồ đất nước đang phát triển mạnh mẽ, thì tại sao lại “quy hoạch báo chí” kiểu hạn chế nhật báo, chăm chăm vào tạp chí?

Nhìn từ những gì đang diễn ra về truyền thông trong đưa tin về cuộc chiến Nga – Ukraina, có lẽ Đảng và Nhà nước sẽ ‘dễ ăn dễ nói’ hơn rất nhiều với cả phía Nga lẫn Ukraina khi có sự góp mặt danh chính ngôn thuận của báo chí tư nhân, mang tính độc lập, không phải chịu sự định hướng nào từ cơ quan tuyên giáo.

Bởi báo chí tư nhân được cấp phép,thì chủ báo phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nếu họ vi phạm, và như các nước, người xin ra báo phải ký quỹ. Đàng nào thì Đảng và Nhà nước cũng luôn nắm đàng chuôi, chẳng gì phải ngại nếu như thật tâm muốn mở rộng dân chủ.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)