Triệu Tử Long
(VNTB) – Thời gian gần đây việc chống lây lan dịch virus corona đến từ Trung Quốc của Việt Nam đang bắt đầu vắng dần những phát biểu mang tính quyết liệt và ít nhiều là cả quyết đoán của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Và ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng bí thư – Chủ tịch nước vẫn chưa có phát biểu nào, dù là để chỉ đạo hay động viên liên quan đến chống cơn đại dịch đến từ Trung Quốc đó.
“Chỉ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình chúng tôi mới có thể kiểm soát dịch bệnh bất ngờ lây lan quá nhanh. Đây không chỉ bảo vệ sức khỏe của người dân Trung Quốc mà còn ngăn chặn sự lây lan nhanh của dịch bệnh trên thế giới. Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp vượt ngoài các quy định y tế quốc tế và các khuyến nghị của tổ chức Y tế thế giới (WHO)” – bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nói với truyền thông phương Tây.
Tập Cận Bình, người ‘hàng xóm anh em’ của ông Trọng thì sau mấy tuần lễ im lặng, cũng đã lên tiếng trên truyền thông. Khác với những ngôn từ sặc mùi… tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, huy động các “ông bà” bần cố nông lật đổ ‘cường hào Coronavirus’ đã ‘phun’ ra hôm 12-2, ông Tập dịu giọng làm như tự kiểm thảo: Cần phải cải tổ hệ thống quản lý và ứng phó y tế khẩn để nỗ lực chống dịch viêm phổi.
“Không có sự chuẩn bị đầy đủ cho một thảm họa – các đánh giá rủi ro, nghiên cứu và quản lý chuyên sâu cho các trường hợp khẩn cấp không được thực hiện. Không có sự giám sát và hệ thống cảnh báo sớm phù hợp, và nền tảng quản lý khẩn cấp phải được cải thiện”, ông Tập Cận Bình nói trong cuộc họp với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc hôm 14-2 ở Bắc Kinh.
Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn im lặng, mặc dù Việt Nam đang bước vào cuộc khủng hoảng đầu tiên từ dịch bệnh này, là thiếu khẩu trang y tế ở mức nghiêm trọng phạm vi cả nước.
Trên báo chí, đáng tiếc là người dân vẫn chỉ thấy đưa tin ông cùng Bộ Chính trị của ông lo lắng về chuyện sẽ phải viết văn kiện đại hội đảng sắp tới đây phải ra sao, để người đời có thể xem đó là một văn bia lưu danh muôn thuở (xem thêm bài viết của tác giả Lynn Huỳnh https://vietnamthoibao.org/vntbvntb-co-le-cu-tong-chu-vua-say-loi/).
Liệu có gì liên tưởng gì về sự vắng mặt khó hiểu của ông Tổng – Chủ giữa lúc bộn bề chống dịch như đang chống giặc xâm lăng, với vụ bắn hạ Tuấn ‘khỉ’ đang rầm beng trên báo chí?
Một so sánh dạng trà dư tửu hậu mà người viết nghe được trong một trò chuyện của cánh nhà báo mảng nội chính ở Sài Gòn. Đó là vì sao trong một trận đánh rầm rộ trống giong kèn mở, với sự chỉ huy của một thứ trưởng bộ Công an từ Hà Nội bay vào Sài Gòn, ròng rã kéo dài suốt mấy ngày đêm để rồi… bóng chim tăm cá. Vị thứ trưởng đành cuốn gói không kèn trống về lại Hà Nội.
Thế rồi thời gian ngắn sau đó, chỉ cần một phó giám đốc sở công an của TP.HCM chỉ huy xuất trận cùng vài mươi đặc nhiệm trong vòng một tối, là đã tiêu diệt dễ dàng Tuấn ‘khỉ’. Bẽ mặt cho vị thứ trưởng lãnh ấn soái cầm quân ra trận quá chứ.
… Dịch bệnh đến từ lây lan Trung Quốc sang Việt Nam đang khiến dân tình rối ren từ chuyện học hành của con em, đến việc khẩu trang y tế từng đổ cả đống bán đầy đường chẳng ai thèm mua, giờ thì cả nhân viên y tế cũng không dễ tìm mua được khẩu trang y tế. Đã vậy, chính phủ Việt Nam còn mang mấy chục tấn khẩu trang y tế để chuyển sang cho Trung Quốc gọi là viện trợ nhân đạo.
Kích tính đang dần đẩy lên cao trào của diễn biến dịch virus corona ở Việt Nam về nhiều lãnh vực, từ xã hội đến kinh tế. Có lẽ cũng sắp sửa kéo mở bức màn để ông Tổng – Chủ xuất hiện hệt như người đồng liêu Tập Cận Bình.
Chờ đợi coi sắp tới đây ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có những phát ngôn ‘văn bia’ gì đây, trong chuyện dịch bệnh đến từ quốc gia của ông hàng xóm thân tính ‘Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’. Sở dĩ nhắc đến điều đó là vì trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters tại thủ đô Đức hôm 14-2, Ngoại trưởng Vương Nghị cảnh báo, “Một số nước đã tăng cường các biện pháp, trong đó có những biện pháp cách ly, điều này là hợp lý và có thể hiểu được nhưng một số quốc gia phản ứng thái quá cũng đã gây ra những hoảng loạn không cần thiết”. Theo nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, các nước sẽ dần nới lỏng những hạn chế đó vì cuối cùng họ vẫn cần phải quan hệ với Trung Quốc.
Dĩ nhiên đến lúc này, ông Tổng – Chủ của Việt Nam đã hiểu cần phải làm gì.