VNTB – Bộ công an lươn lẹo trước Liên Hiệp Quốc về luật biểu tình

VNTB – Bộ công an lươn lẹo trước Liên Hiệp Quốc về luật biểu tình

Dân Trần

 

(VNTB) – Việc ban hành luật biểu tình có thể làm ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ

 

Trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) ngày 07/05 trong toà nhà của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đại diện bộ công an Việt Nam cho rằng “Dù chưa ban hành luật biểu tình, Việt Nam vẫn tạo điều kiện cho người dân diễu hành mít tinh, đông người”. (1)

Đây rõ ràng là việc đánh tráo khái niệm giữa diễu hành mít tinh và biểu tình. Những cuộc diễu hành do Nhà nước tổ chức thì được diễn ra rầm rộ; còn biểu tình tự phát, do người dân hoặc các tổ chức xã hội dân sự phát động thì bị cấm đoán hoặc bị chụp mũ phản động, chống phá Nhà nước. Và những người tham gia biểu tình có thể chịu những mức án vô cùng nặng nề, hoặc bị tra tấn, đánh đập dã man ngay tại chỗ hoặc tại đồn công an.

Đây chỉ là một trong những lý do lươn lẹo trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Bộ Công an. Trước đây, Việt Nam đã nhiều lần trì hoãn việc ra luật biểu tình vì lý do an ninh quốc phòng. Năm 2020, cử tri tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công an xem xét sớm trình Quốc hội ban hành luật biểu tình để người dân có thể thực hiện quyền con người của mình tuy nhiên chưa được chấp thuận. Bộ Công an cho rằng, luật Biểu tình có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm, nên cần phải được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá. (2)

Như vậy, đối với Bộ Công an, việc ban hành Luật Biểu tình có thể làm ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ mặc dù Nhà nước hiện nay đang nuôi tới một triệu công an và một triệu lính quân đội với khí tài vũ trang chuyên nghiệp và hiện đại. Còn người dân, dẫu có xuống đường thì cũng chỉ có tay không tấc sắt, cao lắm chỉ là tờ giấy ghi vài dòng chữ yêu cầu quyền lợi.

Cần nhớ rằng quyền biểu tình đã được hiến định. Điều 25, Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Do không có luật biểu tình, nên khi người dân xuống đường lên tiếng cho quyền lợi của mình thì có thể bị chụp mũ vì nhiều tội danh liên quan tới chống phá Nhà nước, hoặc gây rối trật tự công cộng. Điều 7 Nghị định 38/2005/NĐ-CP:  quy định “Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Ủy ban Nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Quy định này không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức”.

Nếu không thực hiện quy đúng quy định nêu trên thì đó bị xem là biểu tình trái pháp luật. Như vậy, dù không có luật biểu tình, người dân hoàn toàn có thể bị phạt những tội liên quan tới việc biểu tình trái pháp luật.

Tuy nhiên, có luật biểu tình cũng chưa hẳn là tốt. Anh B.H., một người vận động dân chủ Việt Nam nói với phóng viên VNTB: “Bây giờ chưa có luật biểu tình thì mình cứ biểu tình theo đúng tinh thần hiến pháp. Còn nếu Đảng Cộng sản ra luật biểu tình rồi bắt buộc người dân phải lên đồn công an trình báo thời gian, địa điểm, nguyên nhân biểu tình thì càng nguy hiểm. Lúc đó chưa kịp biểu tình thì công an đã có mặt trấn áp rồi. Vì Nhà nước ra luật để bảo vệ Đảng Cộng sản, nên độc tài càng có thêm luật thì dân sẽ càng khổ thêm. Chỉ khi nào người dân được phúc quyết hiến pháp, được ứng cử và bầu cử tự do thì luật mới là cả dân do dân và vì dân”.

 

______________

Tham khảo:

(1) https://www.facebook.com/share/p/eYvkGoYokpgyXDeb/?

(2) https://thanhnien.vn/no-luat-bieu-tinh-vi-nghien-cuu-ky-khong-de-cac-the-luc-thu-dich-loi-dung-185954780.htm

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)