Hoàng Lan Mộc Châu
(VNTB) – Cái loại đại nhạc hội này luôn được gắn một con số làm đuôi, lần này là Đại Nhạc Hội 13.
Cụm từ Đại Nhạc Hội (ĐNH) có trước năm 1975 trong miền Nam VN, nó chỉ cái sự kiện tụ tập nhiều loại nghệ sĩ trên một sân khấu, trong đó hàng chuỗi liên tục những biểu diễn của các nghệ sĩ khác nhau, khiến khán giả trải qua đủ các cung bậc cảm giác hỉ nộ ái ố, khóc cười trong vài tiếng đồng hồ rồi vui vẻ ra về.
Hồi đó các đại nhạc hội được tổ chức vài tháng một lần hay vào một mùa nào đó và thường kèm theo sau cái đuôi trữ tình, gợi cảm như Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ, Tình Thương, Hoa Mùa Hạ, v..v, như ĐNH Mùa Thu Hoa Tím, hay ĐNH Mùa Hè..Tuyết Rơi chẳng hạn.
Từ sau 1975, dân miền Nam tiếp xúc được với các loại đại nhạc hội nghe lạ tai như đại hội xã, phường, quận gì gì đó. Người dân được nghe đến cái loại đại nhạc hội đó nhưng chưa bao giờ được vào xem dù xem cọp hay muốn trả tiền mua vé. Đặc biệt cứ 5 năm một lần lại thấy mở cờ, nghe gióng chuông trống tùng xòe quảng cáo một cái đại nhạc hội được tổ chức đâu đó xa xa lắm. Cái loại đại nhạc hội này luôn được gắn một con số làm đuôi, lần này là Đại Nhạc Hội 13.
Dân miền Nam mê kịch, mê cải lương, muốn được mua vé vào coi, dù có bị xếp hạng cá kèo, vẫn tuyệt đối bị cấm cửa nên thường lơ là với các kỳ đại nhạc hội tổ chức 5 năm một lần trên sân khấu Hà nội. Chỉ nhìn thấy các bảng quảng cáo khắp hang cùng ngõ hẻm đỏ lòm cả trên TV, nghe thấy trống kèn cà rùng inh tai nhức óc, nhưng Bà Ba, cô Bảy không biết trong rạp đóng cửa kín bưng các kịch sĩ diễn gì nên cũng tò mò, lúc rảnh, chạy ra hỏi nhau sao rồi, sao rồi, rồi lót dép ngồi bên cạnh nhau, nhai trầu bỏm bẻm cùng vừa hóng gió, hóng chuyện, đoán già đoán non trên sân khấu trong nhà hát kịch đóng cửa kín bưng các diễn viên đang ra sức diễn thế nào, kỹ năng biểu diễn ra sao.
Nghe tiếng huýt gió vỗ tay rần rần, họ đoán là màn nhung được kéo lên, nghe cười khằng khặc vẳng ra họ đoán mò trong đó Trần Văn Trạch, Hoài Linh, Chí Tài đang chọc cười, nghe rần rật dục lạc họ đoán Lã Bố Điêu Thuyền đang hí nhau, nghe rú rít kinh hoàng họ đoán thằng con nuôi Lã Bố đang đâm ngọn thiên phương họa kích vào rốn ông bố nuôi Đổng Trác của y; đoán già đoán non thế, bà Ba, cô Bảy nhổ toẹt cốt trầu xuống đất, vuốt mép cười khành khạch: Đã nha, đã nha. Nghe tiếng kèn ò e con ma đánh đu tạc zăng nhảy dù họ biết là hạ màn. Xong chuyện, bà Ba, cô Bảy ngồi dậy, phủi đít, xỏ dép về cho heo ăn.
Để được diễn trên sân khấu nhà hát gọi là Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, Hà Nội những diễn viên phải là những nghệ sĩ nhà nghề cực giỏi, những kịch sĩ bẩm sinh thiên tài, được hun đúc, trau chuốt, bồi dưỡng tài năng từ ngày còn là Hồng Hài nhi đồng, được đeo băng đỏ, quàng khăn đỏ vào đội, vào đoàn, đặc biệt được vinh dự vào đội cờ đỏ, tập tễnh theo gương cha anh làm đoàn viên, đảng viên, được dạy đóng kịch, yêu ông tổ nghệ thuật kịch VN, được dặn phải trổ hết tài nghệ để vào được đoàn kịch thiếu nhi cấp xã, phường, hơn 5 triệu diễn viên trên toàn quốc đã phải trải qua các khâu:
1. Hoàn thiện và nâng cao tay nghề.
Từ các sàn diễn địa phương, các nghệ sĩ phải qua các bước gian nan để vươn lên sân khấu cao hơn, họ phải chuyên cần trau dồi nghệ thuật, một mình có thể sắm được nhiều vai, vai nào cũng đòi hỏi phải xuất sắc, lấy hình mẫu các nhân vật nổi danh; khóc cười, si mê, đắm đuối như Điêu Thuyền, hừng hực lửa như Nguyễn Văn Tám, thần thánh như Nguyễn Thị Sáu. Lấy Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng làm kim chỉ nam xây dựng nghề nghiệp chuyên môn.
Kép thì phải giỏi cung cúc tận tụy, lưu manh xỏ lá, trèo me, trèo sấu, thổi kèn, quảng cáo thuốc lậu, nhặt banh ở sân quần vợt như Xuân tóc đỏ, hay phải học đạo đức của Cụ Hồng, mới gần 60 tuổi, nghiện thuốc phiện oặt xà lai mà lúc nào cũng tỏ ra là mình già, là cụ cố, là cha, là bác thiên hạ, hay như ông Tuyp Pờ Nờ yêu thương phụ nữ, hay lại như Văn Minh khoe mình từng bôn ba hải ngoại, học được nhiều cái tiến bộ Mác Lê, bỏ phồng túi vài cái bằng tiến sĩ bán ở chợ Đồng Xuân, lúc nào cũng muốn cải cách xã hội thối nát cho mau tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Đào thì phải nhuần nhuyễn tính cách của Bà Phó Đoan, chủ tịch hội phụ nữ, chồng Tây, đã 2 đời rổ rá cạp lại, cực kỳ dâm đãng nhưng lúc nào cũng tỏ ra quả phụ tiết hạnh khả phong, gương mẫu, hay như cô Hoàng Hôn con gái cụ Hồng, đại biểu quốc hội, thường xuyên ngoại tình, hay như Cô Tuyết, gái út cụ cố Hồng, mới 18 tuổi đẹp và quyền rũ, muốn hư hỏng một cách có khoa học xã hội chủ nghĩa, nhưng luôn tự hào chưa đánh mất cái chữ trinh.
Họ càng đóng kịch giỏi bao nhiêu thì vai trò càng được nâng cao hơn, tiền thưởng, bổng lộc càng cao hơn. Đóng kịch là giả, nhưng tiền tươi là thật, kẻ hầu người hạ là thật. Không ai dám gán ghép những kịch sĩ này vào đám xướng ca vô loài mà thường là phải kỵ húy, gọi họ là bác Tám, Chú Ba, Cô Bảy và cúi đầu trước họ.
2. Cấu kết bè phái, hoàn thành, củng cố nhóm lợi ích.
Nhưng dù có tài đóng kịch đến thế nào chăng nữa, nguy cơ bị đồng nghiệp hất cẳng luôn hiện diện. Trụ được trên sàn diễn đã khó, thăng tiến địa vị, lên diễn được sân khấu cấp cao hơn lại càng khó khăn. Như đại nhạc hội Hà Nội kỳ này, hơn 5 triệu kịch sĩ chỉ chọn năm ngàn, 1 ngàn người mới chọn được một người, trong hơn 5 ngàn cây đũa ấy lại chỉ chọn ra vài cây làm cột cờ, đủ biết sức cạnh tranh gay gắt đến mức nào.
Mấy ông chủ của tập đoàn đại nhac hội nói là: “Vấn đề nhân sự là then chốt và vấn đề nhân sự cấp cao lại là then chốt của then chốt cho nên muốn vào cái then chốt đã khó, vào được cái then chốt của then chốt lại càng khó vô cùng.”
Người then chốt trước nhất phải đóng kịch tuyệt xảo diệu vượt lên trên những người còn lại, lại phải là người có thể ‘đoàn kết’ được các đào kép với mình, có nghĩa là phải nối kết dây mơ rễ má được với người khác, biết hòa mình vào nhóm 5,7 người, 7, 8 chục người, hàng trăm người, càng đông càng tốt.
Mỗi nhóm có lợi ích chung và cũng phải biết tôn trọng luật chơi, lợi ích của các đào kép thuộc nhóm khác, biết hứa không đánh ai mà phải biết nói có đánh ai thì cực kỳ đau xót, nhưng sẽ không tương nhượng bất cứ kẻ nào dám xé lẻ ăn mảnh, đụng đến quyền lợi của nhóm mình hay của cả gánh kịch.
Ngoài ra còn phải khéo che chắn đừng để bị bể mánh, đừng cho nhóm khác thấy cái lỗi của mình. Quyền lợi cá nhân là quyền lợi nhóm, cá nhân phải bảo vệ nhóm, nhóm phải bảo vệ cá nhân, mỗi nhóm muốn đứng vững phải chế ngự các nhóm khác, thậm chí nên tiêu diệt các nhóm khác để nhóm mình là độc tôn mặc dù vẫn luôn kêu gọi đoàn kết. Sức cạnh tranh giữa cá nhân trong gánh kịch không thua kém sức cạnh tranh, kèn cựa vì quyền lợi của các nhóm với nhau. Mặt ngoài thơn thớt nói cười. Mặt trong nham hiểm giết người không gươm!
3. “Phí”
Để được góp mặt diễn trên sân khấu đại nhạc hội các nghệ sĩ phải vượt qua vô vàn thử thách như ở trên đã nói là phải có tài đóng kịch siêu việt, lại phải biết cấu kết vào nhóm lợi ích, nhưng không thể quên phần cũng vô cùng quan trọng sinh tử là phải biết điều với giám khảo cấp trên. Đào kép cấp xã, phường phải biết “trả phí” cho giám khảo sân khấu quận. Được là đào kép sân khấu quận lại phải trả phí cho giám khảo cấp thành phố. Anh chị nào cũng phải nộp phí hối lộ giống như kiểu đấu thầu chỗ giữ xe.
Mà này liệu đấy, cái giá không phải rẻ đâu, ông bà giám khảo không phải dân tham nhũng, không ăn tiền, chỉ khẽ thở dài giọng hiền lành, thều thào, ngọt ngào, yếu ớt, đầy xót thương như Cụ “Cố”: trong Tắt Đèn, sau khi bú sữa chị Dậu bảo cho anh chị gõ cửa chạy chọt biết: “Thằng A, con B mới ở đây ra, nó bảo biếu cụ 5 tỷ, Cụ không nhận đâu”, thế là cái giá sẽ lên 7 tỷ, và chưa ngừng ở 7 tỷ, sẽ còn lên mãi qua những nhắc nhở nhẹ nhàng đầy lòng lân tuất của cụ như vậy cho đến khi ai đó bỏ cuộc vì trắng tay. Càng lên sân khấu cao cấp phí chạy chọt càng cao. Các đào kép đang có mặt ở sàn diễn Hà Nội phải trả hàng triệu, hàng vài chục triệu ông Washington là chuyện không gì ngạc nhiên.
Màn kéo xuống, các nghệ sĩ phường tuồng trong đại nhạc hội 13 vừa gõ trống cơm, vừa đập chũm chọe dắt díu nhau, hát câu “Bông bông dắt, bông bông díu/ xa xa lắc, xa xa líu” như trong tuồng Xúy Vân Giả Dại. Đi, đi, đi. Đi như đám xẩm mù. Họ dẫn nhau xa lắc xa líu về mọi hướng khác nhau, vì lợi ích nhóm, vì đố kỵ cá nhân. Rồi cũng đến lúc rã đám thôi.