Thới Bình
(VNTB) – “Đặc xá trong trường hợp đặc biệt” được quy định tại Điều 22, Điều 23 của Luật Đặc xá.
Ngày 30-6-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN, về đặc xá năm 2021. Theo đó, ở Điều 5 “Đặc xá trong trường hợp đặc biệt”, ghi: Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo Điều 22, Điều 23 của Luật Đặc xá để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Sáng 2-7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức buổi họp báo công bố Quyết định về đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, ông Lê Khánh Hải nói rằng trong năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; đồng thời, “Xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc ta, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội, kết quả thực hiện công tác đặc xá và tình hình thực tế công tác thi hành án phạt tù thời gian qua, căn cứ Điều 88, Điều 91 Hiến pháp năm 2013 và Luật Đặc xá năm 2018, theo đề nghị của Chính phủ ngày 30-6-2021, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc xá năm 2021” – ông Lê Khánh Hải diễn giải.
Ở đây có hai lưu ý về pháp lý, thứ nhất, việc đặc xá này là theo đề nghị của Chính phủ, tức của Thủ tướng Phạm Minh Chính, và được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng ý.
“Điều 8. Trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá
Theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc trong trường hợp Chính phủ đề nghị đặc xá được Chủ tịch nước chấp nhận, Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng tờ trình của Chính phủ và dự thảo Quyết định về đặc xá. Tờ trình và dự thảo Quyết định về đặc xá phải được trình Chủ tịch nước chậm nhất là 60 ngày trước thời điểm đặc xá để Chủ tịch nước xem xét, ban hành Quyết định về đặc xá” – trích Luật Đặc xá 2018.
Thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính có đề nghị về “đặc xá để đáp ứng yêu cầu đối nội và đối ngoại”. Yêu cầu này được thể hiện bằng một câu có 62 từ ở Điều 5 của Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc xá năm 2021: “Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo Điều 22, Điều 23 của Luật Đặc xá để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định”.
“Đặc xá trong trường hợp đặt biệt” gồm có các Điều từ 22 đến 24, Chương III, Luật Đặc xá:
“Điều 22. Người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt
Trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang chấp hành án phạt tù chung thân mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Luật này.
Điều 23. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt
1. Theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc trong trường hợp Chính phủ đề nghị đặc xá được Chủ tịch nước chấp nhận, Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập hồ sơ đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
2. Bộ Công an chịu trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị đặc xá của người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân báo cáo Chính phủ để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị đặc xá của người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù gửi Chính phủ để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
3. Văn phòng Chủ tịch nước rà soát, kiểm tra hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước quyết định.
Điều 24. Thực hiện Quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt
1. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt.
2. Việc thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài trong trường hợp đặc biệt được áp dụng theo quy định tại Điều 19 của Luật này. (Điều 19. Thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài).
3. Người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 20 của Luật này”.
Câu hỏi đặt ra, giả dụ như ông Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Tường Thụy được “Đặc xá trong trường hợp đặt biệt”, liệu có phải tương tự như các trường hợp của các ông bà Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Đài và nhiều tù nhân chính trị khác đã từ nơi thi hành án lên máy bay ra định cư ở nước ngoài?
Câu trả lời có thể là “Không”, vì ở đây, Điều 5 của Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc xá năm 2021, ghi: “Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo Điều 22, Điều 23 của Luật Đặc xá để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định”.
Quy định trên có nghĩa nếu như các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy “đặc xá trong trường hợp đặc biệt”, có nghĩa cả hai ông đều có quyền và nghĩa vụ ghi tại Điều 20 của Luật Đặc xá:
“Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá
1. Người được đặc xá có quyền sau đây:
a) Được cấp Giấy chứng nhận đặc xá;
b) Được chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan giúp đỡ để hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện về việc làm, ổn định cuộc sống;
c) Được hưởng các quyền khác như người đã chấp hành xong án phạt tù theo quy định của pháp luật.
2. Người được đặc xá có nghĩa vụ sau đây:
a) Xuất trình Giấy chứng nhận đặc xá với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tổ chức, đơn vị quân đội nơi người đó về cư trú hoặc làm việc;
b) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết;
c) Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
3. Người được đặc xá là người nước ngoài có các quyền quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này, phải thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này”.
Có lẽ, ông Trịnh Xuân Thanh cũng là “Đặc xá trong trường hợp đặc biệt”, vì chính phủ Đức từng yêu cầu phóng thích để Berlin giải quyết đơn xin tị nạn của ông Trịnh Xuân Thanh, sau khi ông bị ‘bắt cóc’ tại Đức vào năm 2017.
***
Tối 1-7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan để trao đổi về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương thông qua các biện pháp cụ thể như duy trì trao đổi, tiếp xúc ở cấp cao, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như khắc phục hậu quả chiến tranh, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn và đánh giá cao vai trò của Hoa Kỳ trong thúc đẩy hỗ trợ vaccine cho các nước trên thế giới, thông qua chương trình COVAX cũng như hợp tác song phương; đồng thời mong muốn phía Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam được sớm tiếp nhận nguồn vaccine Hoa Kỳ đã cam kết dành cho Việt Nam.
Phó Thủ tướng đề nghị phía Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để thúc đẩy và bảo đảm quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư giữa hai nước phát triển hài hòa và bền vững.
Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan khẳng định Hoa Kỳ tiếp tục coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam; đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới. Ông Sullivan khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước sớm tiếp nhận nguồn vaccine để đẩy lùi dịch COVID-19; khẳng định phía Hoa Kỳ sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân của cả hai nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để xử lý các thách thức chung.
Hai bên cũng trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như hợp tác Tiểu vùng Mê Công, ứng phó biến đổi khí hậu… ; khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
PV