Phạm Lê
(VNTB) – Cần gì là còn tùy người muốn nhận câu trả lời…
Ngày 24-4, đoàn công tác của TP.HCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn đã đến thăm, khảo sát thực tế tại huyện Cần Giờ.
Tin tức cho biết, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác đã khảo sát thực tế về mô hình hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, dự án phát triển Khu du lịch 30 Tháng 4 và xã đảo Thạnh An; làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Cần Giờ.
Tiến sĩ chuyên ngành khảo cổ, bà Nguyễn Thị Hậu chia sẻ phát triển Cần Giờ phải dựa trên đặc trưng riêng biệt mà bà gọi là ADN. Theo bà Hậu, Cần Giờ có 3 đặc trưng riêng biệt: môi trường sinh thái ngập mặn, vị trí mặt tiền cửa biển và hệ thống di tích hết sức đặc biệt.
Bà Hậu cho rằng: “Nếu bám vào những đặc trưng này sẽ phát triển Cần Giờ đúng là Cần Giờ chứ không phải giống như các khu du lịch biển khác bị biến dạng, không còn như sơ khai. Mà nếu biến dạng, Cần Giờ sẽ mất lợi thế cạnh tranh”.
Vậy lợi thế cạnh tranh của Cần Giờ là gì?
Ghi nhận tại tại Hội thảo “TP Hồ Chí Minh – Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”, thì hãy xây dựng Cần Giờ trở thành khu đô thị sinh thái cộng sinh, với điều kiện tự nhiên để bảo tồn rừng ngập mặn và khu dự trữ sinh quyển.
Một mặt, Cần Giờ cần được chú trọng phát triển theo hình thức đô thị có hàm lượng các-bon thấp để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển khỏi tác động xấu về môi trường.
Mặt khác, Cần Giờ phát huy những lợi thế biển để phát triển kinh tế. Ví dụ như Vũng Tàu có khu đô thị dịch vụ sau cảng Cái Mép – Thị Vải; Cần Giờ là mặt tiền biển; Gò Công – một trọng điểm miền Tây về nông nghiệp và sinh thái sẽ tạo nên một chuỗi đô thị mặt tiền biển. Đây sẽ là động lực tiến biển, làm kinh tế biển, cảng biển, logistics kết hợp Cảng hàng không quốc tế Long Thành, làm tăng hiệu quả đầu tư và tạo bộ mặt mới cho thành phố và vùng lân cận.
Mấy năm trước, tháng 04/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM có văn bản số 549/SNN-CCTS, ký ngày 7/4 gửi Tổng cục Thủy sản đề xuất thành lập Khu bảo tồn biển Cần Giờ, đưa Khu bảo tồn này vào danh mục các khu bảo tồn biển thuộc quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ có 178 loài cá, thuộc 111 giống, 56 họ, 19 bộ. Trong đó, có 13 loài cá nuôi làm thực phẩm (chiến 7,30%); 16 loài cá nuôi làm cảnh (chiếm 8,99%); 3 loài có giá trị làm thuốc (chiếm 1,69%); 9 loài trong Sách Đỏ Việt Nam thuộc 8 giống, 7 họ và 5 bộ trong Sách Đỏ Việt Nam ở mức phân hạng sẽ nguy cấp, chiếm 5,06% tổng số loài cá ở rừng ngập mặn Cần Giờ.
Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Xuân Dũng (năm 2012) đã xác định được 129 loài thuộc 12 bộ, trong các loài cá đã được xác định trong Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, có 5 loài cá đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam 2007 là: cá Cháo Biển (Elops saurus), cá Cháo Lớn (Megalops cyprinoides), cá Mang Rổ (Toxotes chatacus), cá Măng Sữa (Chanos chanos), cá Mòi Đường (Albula vulpes).
Đến năm 2015, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ được xác định có 282 loài cá, thuộc 180 giống, 83 họ và 24 bộ. Trong đó, có 32 loài cá kinh tế; 18 loài cá nuôi làm cảnh; 9 loài trong Sách Đỏ Việt Nam.
Bổ sung cho các công trình nghiên cứu trước đây 67 loài, 44 giống, 21 họ và 4 bộ. Có 62,57% tổng số loài cá ở Cần Giờ có độ thường gặp ít, rất ít và không gặp; chỉ có trên 37,42% số loài có độ thường gặp rất nhiều và nhiều; 3 loài (chiếm 1,06%) đang bị giảm sút mạnh, cần được bảo vệ là cá Cháo Lớn (Megalops cyprinoides), cá Mang Rổ (Toxotes chatacus), cá Nhồng Vằn (Sphyraena Jello).
Đến tháng 04/2021, một lần nữa, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại tái nhắc lại về sự cần thiết của thành lập Khu bảo tồn biển Cần Giờ.
Cần Giờ bây giờ cần gì?
Ở tầm nhìn vĩ mô, đó là câu chuyện của ‘nói đi, nhắc lại’ về thành lập Khu bảo tồn biển Cần Giờ. Bởi khu rừng rộng hơn 30 ngàn hecta được ví như “lá phổi xanh” của thành phố, là tấm khiên che chắn cho hàng triệu người dân TP.HCM trước bão gió đến từ Biển Đông, là “quả thận” lọc nước thải từ đất liền đổ ra. Vai trò của Cần Giờ càng cần thiết hơn bao giờ hết khi TP.HCM đứng trước viễn cảnh đen tối rằng thành phố có thể sẽ chìm dưới mực nước biển trong vài ba thập niên tới, như một nghiên cứu của Climate Central năm 2019.
Cần Giờ bây giờ cần gì?
Tác giả Võ Kiều Bảo Uyên, trong một chương trình hỗ trợ truyền thông của Viện môi trường Stockholm (Stockholm Environment Institute – SEI), với chủ đề “Những phận người đặc biệt dưới tán rừng ngập mặn Cần Giờ”, có đoạn ghi nhận như sau:
“Nhiều hộ khác đã trả lại rừng do lương thấp, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Nhưng với Sang, cô không suy nghĩ về hay ở. Bởi sau gần 20 năm nhận rừng từ cha mẹ, cô vẫn không có lựa chọn nào khác.
“Ở đất liền, mình không có gì cả. Không đất, không nhà, không nghề nghiệp, không vốn liếng”, cô nói.
Nhiều dự án xây dựng đô thị, kinh tế du lịch ở huyện Cần Giờ được chính quyền TP.HCM thông qua. Thành phố cho rằng, điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Cần Giờ, nhiều việc làm cho người dân địa phương. Còn với Sang, “phát triển cái gì cũng được, miễn đừng đụng tới rừng, miễn không làm giảm tôm cá. Đời sống của hộ giữ rừng chỉ có bấy nhiêu đó thôi”, cô chỉ tay vào những rặng đước sau nhà.
“Nhưng có dự án sao? Bọn tôi trong này không hay biết gì cả”, cô hỏi ngược lại.
Có nhiều sự kiện bên ngoài tán rừng diễn ra và trôi qua mà Sang, Lan, bà Dỡn… những người phụ nữ trồng rừng, những người phụ nữ giữ rừng không được biết đến”.
Cần Giờ bây giờ cần gì?
Dường như tùy người hỏi là ai mà có câu trả lời thích hợp…