Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần mạnh dạn thay đổi

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Cần mạnh dạn thực hiện những cải cách nhất định để nâng cao vai trò của Quốc hội Việt Nam.

 

Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần mạnh dạn thay đổi việc cho phép quá nhiều nhân sự kiêm nhiệm của hành pháp, tư pháp tham gia vào lập pháp, đẩy Quốc hội Việt Nam vào tình trạng mất ưu thế ngay trong quá trình lập pháp.

Có các vấn đề đang đặt ra như sau:

Một, sự áp đảo về thành phần nhân sự trong cơ quan lập pháp của hành pháp, tư pháp.

Ở Việt Nam, khi tham gia ứng cử hoặc được đề cử, đối tượng công bộc của nhân dân rõ ràng là được luật cho phép (Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội), và được ưu tiên giới thiệu hơn những chủ thể quyền lực thực thụ – nhân dân. Cũng không lạ vì ở đây xuất phát từ “Đảng cử”.

Bởi những đối tượng này là những người có được những lợi thế nhất định trong quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, như những tiêu chí để đánh giá: về trung thành với tổ quốc, với Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật…

Và thực tiễn là, đa số các đối tượng được giới thiệu và ứng cử đều đang kiêm nhiệm và áp đảo về số lượng đại biểu trong các nhiệm kỳ Quốc hội Việt Nam từ trước đến nay.

Hai, với cơ chế nhiệm kỳ, đồng thời với những quy định của pháp luật đối với công chức do lập pháp thông qua đã vô hình trung đẩy những thành viên kiêm nhiệm của hành pháp, tư pháp trong Quốc hội thành những người đại diện cho các cơ quan này.

Ví dụ quy định, cán bộ, công chức phải có nghĩa vụ: “Chấp hành quyết định của cấp trên” (Luật Cán bộ, công chức). Và với lợi thế về thành phần đại biểu như vậy trong lập pháp, dễ dẫn đến những hiểu lầm rằng, Quốc hội là cơ quan lập pháp của hành pháp hoặc tư pháp, chứ không phải cơ quan lập pháp của nhân dân.

Từ cơ chế giới thiệu, ứng cử, đề cử đại biểu Quốc hội Việt Nam, đã tạo điều kiện cho tỷ lệ công bộc được tham gia vào lập pháp quá cao, nó dẫn đến một hiện trạng là các công bộc này chưa thể quan tâm được một cách đúng mức tới chủ quyền quyền lực của nhân dân trong hoạt động lập pháp.

Ba, về chức năng lập pháp của Quốc hội Việt Nam, với ưu thế của mình, hành pháp và tư pháp đã ràng buộc ưu thế lập pháp của Quốc hội ngay chính tại Quốc hội.

Cho dù Quốc hội có được lợi thế là ban hành pháp luật nhưng lợi thế này đã nhanh chóng bị tước bỏ. Bởi:

Thứ nhất, về thủ tục thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lợi ích của hành pháp, tư pháp. Với số thành phần đại biểu chiếm ưu thế trong cơ quan lập pháp như trên, chính lập pháp cũng khó có thể là chính mình khi ban hành các văn bản này.

Thứ hai, với trình tự ban hành pháp luật hiện nay ở Việt Nam, Quốc hội đã tự mình hạn chế phần nào chức năng lập pháp của mình bằng việc biểu quyết, thông qua những đạo luật do chính các thành viên của hành pháp trình lên, mà khó có thể có những sửa đổi sâu sắc về bản chất, có chăng chỉ một vài điều khoản có những nội dung mà dư luận xã hội lên tiếng gay gắt.

Mặt khác, các đạo luật này vốn đã được nghiên cứu một cách công phu để thể chế hóa lợi ích của các cơ quan soạn thảo vào trong đó. Và khi các đạo luật được lập pháp thông qua, đa số muốn có hiệu lực thi hành trên thực tế đều phải có những nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành từ phía hành pháp hoặc tư pháp.

Thứ ba, về thực tiễn có thể thấy ngay ưu thế của hành pháp và tư pháp trong cơ quan lập pháp. Đó là, những đạo luật về chức năng, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và hành pháp là khá đầy đủ và chi tiết.

Tuy nhiên, những đạo luật để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân chưa được quan tâm thỏa đáng. Cụ thể, trong những năm vừa qua một số dự luật liên quan đến tự do của cá nhân, công dân, tổ chức dân sự đã được đệ trình nhiều lần và có nhiều dự thảo khác nhau mà chưa được thông qua, như: Luật về Hội, Luật về tự do biểu tình…

Bốn, trong mối tương quan về thành phần nhân sự và chức năng lập pháp của Quốc hội, sẽ là thiếu sót lớn nếu chưa đề cập đến vai trò lập hiến của Quốc hội.

Việc phân chia, giới hạn quyền lực của các cơ quan nhà nước và bảo đảm quyền con người, quyền công dân là một vấn đề hết sức quan trọng trong Hiến pháp. Thẩm quyền này lại được thực hiện bởi Quốc hội, với thành phần đại biểu Quốc hội đa số làm kiêm nhiệm trong các cơ quan nhà nước, sẽ là những thách thức không nhỏ đến chủ quyền nhân dân ngay trong chính Hiến pháp do các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm này thông qua.

Từ một số phương diện tiếp cận đối với Quốc hội Việt Nam như trên, có thể thấy rằng muốn xây dựng được một Quốc hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, theo tinh thần Nhà nước pháp quyền, cần phải thực hiện những cải cách nhất định để nâng cao vai trò của Quốc hội Việt Nam.

Tin bài liên quan:

VNTB – Vai trò của đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

Do Van Tien

VNTB – Hồ sơ: Đế chế Vạn Thịnh Phát sẽ sụp đổ? (Kỳ 4)

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Cuba để tang Nguyễn Phú Trọng: dằn mặt cộng sản Việt Nam

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.