Yến Phương
(VNTB) – Chính phủ lên tiếng. Người dân lên tiếng. Báo chí lên tiếng nhưng chính quyền địa phương vẫn làm theo ý mình.
Mặc dù nghị quyết 128 kèm hướng dẫn chuyên môn về y tế đã được ban hành, bên cạnh một vài tỉnh thành bước đầu thực hiện, song nhiều nơi vẫn “im hơi lặng tiếng”; một số nơi vẫn trung thành với văn bản không mang tính chất quy phạm pháp luật là những chỉ thị được ban hành dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Chính phủ lên tiếng. Người dân lên tiếng. Báo chí lên tiếng nhưng chính quyền địa phương vẫn làm theo ý mình. Có nơi, đúng là không xét giấy âm tính ở cửa ngõ, song, nếu ai đã chích hai mũi, vẫn phải thực hiện cách ly tại nhà và xét nghiệm hai lần ngay tại địa phương. Bề ngoài là mở cửa nhưng thực chất vẫn là kiểm soát gắt gao người dân từ các nơi gọi là vùng dịch phía Nam về.
“Trên mạng nhiều người cho rằng sở dĩ làm khó đi lại là do chính quyền địa phương bị dính cái trách nhiệm chống dịch thất bại. Nhất là với việc đồn đoán về thuyên chuyển công tác của đồng chí Nguyễn Thành Phong nữa. Tuy nhiên, thế nào là chống dịch thất bại? Và liệu sẽ có thật sự chống dịch thất bại hay không?
Lấy ví dụ điển hình, nếu, xin nhấn mạnh là nếu, nếu nói ông Phong chống dịch thất bại, có đúng không? Có chắc không có ông phó thủ tướng từ trung ương nào vào can thiệp, hà rứa chỉ đạo buộc phải chống dịch kiểu này, cách ly tập trung kiểu kia không? Thành ra để quy kết chống dịch thất bại nhận trách nhiệm là một quy kết chung chung. Nếu nói thất bại, là lỗi từ chỉ đạo chung, là Vũ Đức Đam.
Thế nhưng, hạn chế quyền tự do đi lại của người dân thì lại là đi ngược lại với Hiến pháp à nhen, lỗi không nhỏ đâu” – một ý kiến trên tinh thần ‘đồng chí’ của ‘phê – tự phê’ theo đúng quy định về yêu cầu sinh hoạt tư tưởng đảng viên.
Điều 23 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”. Như vậy, quyền tự do đi lại theo Hiến pháp năm 2013 cũng bao gồm các nội dung như quy định của pháp luật quốc tế, đó là: tự do đi lại trong phạm vi lãnh thổ nước mình, quyền ra nước ngoài (quyền xuất cảnh) và quyền trở lại nước mình (quyền nhập cảnh).
Có ý kiến cho rằng, vì lý do dịch nên phải hạn chế quyền đi lại của người dân, chí ít là cho đến khi hết dịch. Vậy thì câu hỏi được đặt ra, bao giờ hết dịch và thế nào là dịch? Trong khi nhiều nước tiến bộ khác đã bỏ “zero covid” chẳng lẽ vẫn tiếp tục đeo đuổi cách ly tập trung – xét nghiệm?
Và Việt Nam cũng chưa từng ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chính quyền các tỉnh thành không được hạn chế quyền tự do đi lại của người dân.
Trong một diễn biến trước đó, câu chuyện của một năm về trước, báo chí đăng tin, dù dịch bệnh nhưng Đảng và Nhà nước vẫn đảm bảo quyền tự do đi lại. Nếu cho rằng Phạm Minh Chính vẫn là chân ướt chân ráo với cái ghế Thủ tướng, vì sao ông cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với kinh nghiệm đầy mình từ năm ngoái về đảm bảo tự do đi lại, không góp tiếng nói cũng như công sức của mình vào việc hỗ trợ tự do đi lại, không đòi giấy xét nghiệm từ phía các địa phương.
Nhất là ông Nguyễn Xuân Phúc lại là cử tri của Thành phố Hồ Chí Minh, được bầu lên, không lẽ không đóng góp gì cho thành phố?
Chống dịch thất bại ra sao, như thế nào, có thất bại thật sự hay không thì chưa biết. Chịu trách nhiệm đến mức độ nào, cũng chưa rõ luật nào quy định. Song, việc ngăn sông cấm chợ, tạo thêm khó khăn cho việc đi lại, hạn chế quyền đi lại của người dân là vi hiến.
Việt Nam là đất nước có Hiến pháp và Pháp luật. Nếu bất kỳ chính quyền địa phương nào vi hiến, thiết nghĩ, hậu quả phải gánh ra sao, đã quá rõ…
Vì sao các chủ tịch, bí thư nhiều đời trước, làm nhiều điều có lợi cho dân được? Còn bây giờ thì….
Chọn cái nào, tùy từng địa phương. Nguyễn Thanh Long hay Vũ Đức Đam rồi cũng sẽ đi xuống, nhưng tiếng oán ngàn đời thì chính quyền địa phương sẽ chịu.