Đặng Đình Mạnh
(VNTB) – Nguyễn Phú Trọng đưa cả một dân tộc hàng trăm triệu dân đi ngược lại với văn minh loài người.
Theo dõi phản ứng từ cộng đồng mạng xã hội nhân dịp ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng Cộng Sản qua đời, chúng ta dễ dàng nhận thấy xuất hiện nhiều bình luận trái chiều. Kẻ chê, người khen, thậm chí người khen đã từng biết rõ những “thành tích” đầy phản động của cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa đất nước lâm vào đấy.
Dĩ nhiên, khái niệm phản động không thể hiểu theo cách mà chế độ thường dùng, mà phải hiểu theo cách chung nhất, để ám chỉ những đối tượng, hành vi đi ngược lại với lợi ích của dân tộc và nguyện vọng của nhân dân.
Trong đó, nhiều bạn đã tránh né quyền phán xét mà “Để dành phần lại cho lịch sử”. Cho dù, không hề có lý do nào đủ chính đáng đến mức có thể ngăn cản sự phán xét đối với một cá nhân đã từng có hành xử gây tổn hại cho cá nhân mình, cho thế hệ con cháu mình và cho quê hương, đất nước mình. Hơn nữa, lịch sử ngày mai là ai nếu không phải là chính chúng ta ngày hôm nay?
Mạnh dạn đánh giá về ông, không ít người cho rằng ông ấy ảo tưởng một cách đầy ngây thơ khi kiên trì dẫn dắt cả một dân tộc đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội, kể cả Việt Nam Canh Tân Cách mạng Đảng (Việt Tân) cũng vậy, trong ngay tựa đề của bản tuyên bố chính thức cũng cho rằng “Nguyễn Phú Trọng là người Cộng Sản cuối cùng”.
Tôi tin rằng các lời đánh giá trên đã đầy khoan dung, kể cả của đối thủ chính trị. Thế nên, chưa lột tả được hết bản chất chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông ấy có là người Cộng Sản hay không? Nếu bỏ qua đảng tịch và những tuyên bố mị dân, đồng thời, chỉ nhìn vào hành xử của nhân vật, tôi có thể khẳng định ông Nguyễn Phú Trọng không phải là một người Cộng Sản và càng không phải là người Cộng Sản cuối cùng.
Chủ nghĩa Cộng Sản không chỉ bất khả thi và sai lầm. Tuy vậy, về lý thuyết, thì chủ nghĩa ấy vẫn đầy lý tưởng tốt đẹp khi hướng đến một thế giới đại đồng, tự do, bình đẳng, không nhà nước, rằng “Mọi người có thể làm theo năng lực, nhưng hưởng theo nhu cầu”… Chẳng thế mà chủ nghĩa ấy đã dễ dàng thuyết phục được không ít trí thức Việt Nam, từ trong và ngoài nước đi theo tiếng mời gọi của Cộng Sản từ sau năm 1945, kể cả trí thức miền nam từ trước năm 1975, cho đến khi bẽ bàng vỡ lẽ ra sự thật sau đó.
Thế nhưng, với ông Nguyễn Phú Trọng, thì không hề có một động thái nào cho thấy ông ấy đi theo Chủ nghĩa Cộng Sản để có một thế giới đại đồng, tự do, bình đẳng, không nhà nước, rằng “Mọi người có thể làm theo năng lực, nhưng hưởng theo nhu cầu”… như lời của ông ấy và tuyên truyền đảng Cộng Sản cả. Vì lẽ đơn giản, chính bản thân ông ấy đã biết rất rõ về việc không có Chủ nghĩa Cộng Sản nào cả, cũng như cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội qua câu phát biểu công khai vào năm 2013: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã Hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”
Thế nên, mục tiêu duy nhất mà ông ấy hướng đến khi tại vị tổng bí thư chỉ là củng cố vị thế độc quyền chính trị của Đảng Cộng Sản trong quốc gia mà thôi. Giải pháp cho mục tiêu ấy chính là thực hiện công cuộc đốt lò kéo dài hàng thập kỷ qua nhằm làm trong sạch hóa nội bộ đảng và nâng cao năng lực của đảng.
Nhưng vô ích. Thực tế đã có câu trả lời bẽ bàng rằng đó là một công cuộc vô ích. Vì càng đốt lò, củi càng nhiều. Càng về sau, quan chức càng cao cấp hơn. Thậm chí, nạn tham nhũng lên đến cả cấp cao nhất như chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, 2 phó thủ tướng, hàng loạt bộ trưởng, bí thư, chủ tịch đầu tỉnh… và cho đến nay chưa từng có dấu hiệu gì hạ nhiệt cả. Cuối cùng, đến nay thì nạn tham nhũng vẫn là con bệnh không thuốc chữa của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Không chỉ thế, khi mất đi, di sản của ông Nguyễn Phú Trọng để lại lúc này còn thêm vấn nạn kiêu binh từ lực lượng công an. Chúng chiếm giữ phần lớn ngân sách vốn đã còm cõi, cùng các nguồn lực khả dĩ về nhân lực, vật lực, tài lực của quốc gia… Nhưng đổi lại, cuộc sống của người dân vẫn không hề bình yên, trật tự xã hội vẫn diễn biến phức tạp, tiêu cực. Mọi động lực phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa, chăm sóc y tế đều bị triệt tiêu.
Củng cố đảng, duy trì sự độc tài, nâng cao vị thế công an… Với tất cả những hành xử tóm lược vừa nêu về ông Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đã thấy dấu vết nào của một người Cộng Sản?
Thế nên, nếu được giao viết trang sử về ông Nguyễn Phú Trọng, tôi sẽ không ngần ngại gì khi xếp vị trí ông ấy đứng bên cạnh những Lê Long Đĩnh, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống…
Trong một ảnh đính kèm, chuyến xe y tế đưa thi hài ông Nguyễn Phú Trọng rời Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nơi ông ấy đã trút hơi thở cuối cùng, thì chiếc xe y tế đã đi ngược chiều với làn đường được quy định.
Với tôi, tuy vô tình, nhưng tấm ảnh ấy thật giàu ý nghĩa, nó đã khái quát toàn bộ sự nghiệp của ông Nguyễn Phú Trọng khi đưa cả một dân tộc hàng trăm triệu dân đi ngược lại với văn minh loài người. Và có vẻ như, chuyến xe ngược chiều cuối cùng của cuộc đời ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng chưa phải là chuyến xe ngược chiều cuối cùng của dân tộc khốn khổ này, khi hàng trăm triệu đồng bào vẫn phải làm hành khách bất đắc dĩ trên chuyến xe ngược chiều ấy.
DC, ngày 27/07/2024
Lưu ý:
– Nhìn phía trước xe cấp cứu trong ảnh, bạn sẽ thấy dấu mũi tên chỉ hướng giao thông được vẽ trên mặt đường