Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Nửa tháng qua, theo dõi tin tức trên báo chí Việt Nam, dường như không thấy có đưa tin về các hoạt động trên chính trường của ông chủ tịch nước – tổng bí thư đảng.
Ở trang web của Thông tấn xã Việt Nam mấy tháng trước có chuyên mục về những hoạt động của các nhà lãnh đạo Việt Nam, giờ cũng không còn thấy chuyên mục này. Tương tự, trên trang web của chính phủ Việt Nam cũng thấy vắng tin tức về ông chủ tịch nước – tổng bí thư đảng.
Ông ấy đang ở đâu và đang làm gì?
Về mặt tin tức đối ngoại, có lẽ tin theo dạng ‘hot’ nhưng bị chìm trong vô số tin tức trên mạng xã hội, đó là trong một nội dung của Thông tấn xã Việt Nam hôm 22/11/2019, “Đại sứ Phạm Sao Mai đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; đồng thời chuyển lời mời của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm lại Việt Nam trong năm 2020 nhân dịp hai bên kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao”.
“Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chuyển lời thăm hỏi thân thiết đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thời gian qua về tổng thể phát triển tích cực, hai bên cần nắm vững phương hướng phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước, duy trì trao đổi cấp cao, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi, mở rộng giao lưu nhân dân, đưa quan hệ hai nước có bước tiến mới trong thời gian tới”.
Bản tin có đoạn như phần trích ở trên. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc là 18/1/1950, như vậy liệu ngày 18/1/2020 sắp tới đây, theo lời mời đó từ phía Việt Nam, ông chủ của Trung Nam Hải sẽ có mặt tại Hà Nội?
Rõ ràng đây là những tin tức nếu được đẩy mạnh truyền thông sẽ có độ nóng nhất định, và có lẽ cuộc diễn tập về chuyện sẵn sàng dùng vũ lực để trấn áp biểu tình mà chính quyền thành phố Hồ Chí Minh vừa tiến hành gần tuần lễ trước, là đòn răn đe tránh tái diễn cuộc biểu tình của người Sài Gòn như sự kiện vào đầu tháng 11/2015, với nội dung phản đối chuyến viếng thăm Việt Nam của chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hồi ấy, những người tham gia các cuộc biểu tình chống chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cho rằng việc họ xuống đường để thể hiện chính kiến là điều được Hiến pháp Việt Nam cho phép.
Thế nhưng ở lần sắp tới đây, tin tức về khả năng lại có chuyến đến Hà Nội để dự kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Việt của Tập Cận Bình dường chừng không được ai nhắc tới, mặc dù nghi vấn với cột mốc đang rất gần của cái gọi là Hiệp ước Thành Đô vẫn ám ảnh.
Cộng đồng mạng xã hội trong tuần lễ gần đây cũng chẳng buồn nhớ tới ông chủ tịch nước Việt Nam, mặc dù hôm 7/12/2019 trong chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, vị đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Phú Trọng đã vắng mặt với lý do được thông báo “bận công tác đột xuất”. Và theo dõi báo chí ở ngày 7 và 8/12, không ai thấy tin tức nào liên quan về ‘công tác đột xuất’ ấy của vị đại biểu Quốc hội này là gì?.
Trong vô số các diễn tiến đó của thời sự chính trị trên truyền thông, chợt nhớ tới nhà báo Phạm Chí Dũng. Nếu lúc này mà ông được trả lại quyền viết lách, tin chắc ông sẽ có những lập luận giúp người dân trong nước, cho tới người Việt ở nước ngoài lý giải về sự vắng mặt khó hiểu đó trên báo chí của ông Nguyễn Phú Trọng.
Không chỉ là chuyện của mối quan hệ đảng anh – đảng em như từ mà mạng xã hội gọi tắt chỉ sự gắn bó môi – răng của Bắc Kinh – Hà Nội, tin rằng nhà báo Phạm Chí Dũng bằng viễn kiến chính trị, ông sẽ góp thêm những nhận định thời cuộc kiểu tương tự như bài báo hôm 19/12 của VOA, “Mỹ tái khẳng định ủng hộ Việt Nam ‘vững mạnh và độc lập’ – https://www.voatiengviet.com/a/5211193.html
Có ai biết ngài chủ tịch nước Việt Nam đang ra sao, cũng như nhà báo Phạm Chí Dũng đang thế nào trong chốn lao lý?