VNTB – Có phải cộng sản thì luôn độc tài?

VNTB – Có phải cộng sản thì luôn độc tài?

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Về nguyên tắc, cộng sản không phải luôn là độc tài.

Cộng sản Trung Quốc có đạo đức giả không?

Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiều đảng cộng sản trên thế giới giải tán, phần lớn những người cộng sản thành lập các đảng dân chủ xã hội, một số đảng viên cũ gia nhập các đảng tự do, bảo thủ hay dân chủ Thiên chúa giáo hoặc các nhóm hệ tư tưởng khác. Một số kiên định theo chủ nghĩa cộng sản nhưng đường lối hoạt động không khác mấy với các đảng dân chủ xã hội, đấu tranh nghị trường.

Do ảnh hưởng của định kiến với các chế độ của Liên Xô và Đông Âu trước đây, đa phần các đảng cộng sản tái lập ở Đông Âu chỉ thu được một lượng nhỏ cử tri ủng hộ trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên một số đảng cộng sản do khai thác được bất mãn của dân chúng đối với các chính sách kinh tế tự do gây bất bình đẳng xã hội, đã có đủ số phiếu để trở lại cầm quyền dù chỉ áp dụng rất ít các lý thuyết cộng sản ban đầu.

Nhiều đảng gắn với các tổ chức công đoàn, đấu tranh bảo vệ quyền lợi công nhân, đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, bình đẳng giới… Nhiều phong trào du kích cộng sản cũng tan vỡ, hoặc hòa giải chính quyền và có địa vị hợp pháp. Một số quốc gia có Đảng Cộng sản cầm quyền điều chỉnh các chính sách kinh tế xã hội, tiếp tục nắm độc quyền lãnh đạo. Nhiều đảng Cộng sản và phong trào cánh tả khác thì lại đang manh nha phát triển, gia tăng ảnh hưởng tại một số khu vực như Nam Mỹ và châu Phi.

Có những nhà phê bình chống cộng cho rằng cho rằng các nhà nước cộng sản đã tỏ ra “đạo đức giả” khi lên án chủ nghĩa đế quốc Phương Tây bởi một số quốc gia cộng sản như Liên Xô hay Trung Quốc đã từng nhiều lần thực hiện can thiệp vào nội bộ nước khác, chẳng hạn như khi Liên Xô sáp nhập Baltic và tấn công Phần Lan trong thế chiến II, hoặc trấn áp cuộc nổi dậy ở Tiệp Khắc và Hungary cùng với một loạt các hành động can thiệp quân sự trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Việc Trung Quốc sáp nhập Tây Tạng hay những tranh chấp của Trung Quốc trên biển Đông thời gian gần đây cũng được nhiều người coi là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc.

Ngược lại, những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản cho rằng một số hành động dùng vũ lực nêu trên của các quốc gia cộng sản chỉ thể hiện những tranh chấp mang tính cục bộ, là mâu thuẫn lịch sử từ xa xưa giữa các dân tộc láng giềng, hoặc do tinh thần dân tộc chủ nghĩa chứ không liên quan đến chủ nghĩa cộng sản (việc các nước láng giềng xảy ra tranh chấp lãnh thổ, tấn công lẫn nhau là điều thường xuyên diễn ra trên thế giới dù họ thuộc bất kỳ thể chế chính trị nào, như tranh chấp Ấn Độ – Pakistan, Iran – Iraq, Israel – Palestine, Hàn Quốc – Nhật Bản…), nó khác hẳn với việc Đế quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ đem quân đi nửa vòng trái đất để xâm chiếm châu Á và châu Phi, can thiệp vào chính trị nội bộ quốc gia khác (những dân tộc vốn không có tranh chấp lãnh thổ với họ), và nó cũng không dẫn tới việc thiết lập thuộc địa như các nước đế quốc chủ nghĩa phương Tây đã làm vào thế kỷ 19.

Tất cả nội dung viện dẫn một cách tóm tắt như ở trên, chỉ là những lý thuyết dạng hàn lâm, dùng để giảng dạy trên giảng đường cho sinh viên. Trên thực tế, thì với một vài quốc gia, trong một giai đoạn nào đó thì cộng sản luôn có những biểu hiện độc tài rất rõ ràng.

Sở dĩ dùng từ khá dè dặt “trong một giai đoạn nào đó”, vì như ở Việt Nam, giai đoạn của Hiến pháp 1946, những người cộng sản như Hồ Chí Minh là “biết người hiểu ta”, tôn trọng các quyền tự do, và… không độc tài.

Cộng sản Việt Nam thì sao?

Nhân chuyện ngài tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đề cập về chuyện kiên quyết phải thực hiện bằng được yêu cầu của bản Tuyên ngôn độc lập (xem clip tại trang web https://vtv.vn/video/gia-tri-truong-ton-cua-ban-tuyen-ngon-doc-lap-457362.htm), xin luận bàn tiếp vấn đề này qua góc nhìn thuần về luật của thầy giáo trường luật – ông Ngô Huy Cương:

“Linh hồn của “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba đình vào bảy lăm năm trước, là sự khẳng định giá trị tối cao của độc lập, tự do cho dân tộc qua đoạn văn tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Đó là hệ quả tất yếu mà một bản tuyên ngôn độc lập phải khẳng định. Tuy nhiên sự tập trung duy nhất vào khẳng định đó khiến người ta có thể lãng quên cái nền tảng hay tiền đề quan trọng hơn.

Mở đầu “Tuyên ngôn độc lập”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền tự nhiên của con người, tức quyền con người – một nền tảng bất di bất dịch, một tiền đề hay một nguyên nhân thúc đẩy cho mọi cuộc cách mạng xã hội – bằng cách dẫn những “lời bất hủ” trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Từ hạt nhân lý luận duy nhất đó, ông đã “suy rộng ra” quyền bình đẳng dân tộc, quyền tự do dân tộc.

Tuyên ngôn độc lập luôn là nền tảng tinh thần và đề ra mục tiêu cho Hiến pháp sau đó. Vì vậy phải xem Hiến pháp năm 1946 thì mới có thể hiểu hơn và hiểu hết tinh thần và mục tiêu cách mạng thực sự của “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945.

“Lời nói đầu” của Hiến pháp năm 1946 tuyên bố ba nguyên tắc xây dựng hay ba mục tiêu quan trọng nhất của Hiến pháp, bao gồm: “Đoàn kết toàn dân không phân biệt nòi giống, gái trai, giai cấp, tôn giáo; Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Các nguyên tắc đó cho thấy không có đấu tranh giai cấp; khẳng định quyền tự nhiên của con người và chế độ dân chủ.

Vì vậy Điều 10 của Hiến pháp năm 1946 tuyên bố nguyên văn và toàn vẹn như sau:

“Công dân Việt Nam có quyền:

– Tự do ngôn luận;

– Tự do xuất bản;

– Tự do tổ chức và hội họp;

– Tự do tín ngưỡng;

– Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Cũng với các quyền này, Hiến pháp năm 1959 viết tại Điều 25 như sau: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”. Quy định này cho thấy Nhà nước đã bắt đầu xuất hiện trong các quyền tự nhiên hiến định của công dân để bảo đảm những điều kiện vật chất cho việc thực hiện các quyền đó.

Hiến pháp năm 1980 quy định tại Điều 67 rằng: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân”. Định hướng tư tưởng là đặc trưng quan trọng trong việc thực hiện các quyền hiến định nói trên ở Hiến pháp này.

Hiến pháp năm 1992 quy định tại Điều 69 cụ thể như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”. Các quyền Hiến định ở đây được nêu tên đơn thuần để chờ các văn bản thi hành Hiến pháp xác định rõ nội dung của quyền và thủ tục thực hiện quyền.

Cho tới nay, vẫn theo cách thức này, Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 25 như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Tuy nhiên Hiến pháp năm 2013 tại Điều 14, khoản 2 có quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Các quy định này tiến bộ ở chỗ giới hạn loại văn bản quy phạm pháp luật có quyền hạn chế và mục đích hạn chế các quyền hiến định của công dân. Thế nhưng các quy định này lại không xác định rõ sự hạn chế đó liên tới nội dung vật chất của quyền hay trình tự, thủ tục thực hiện quyền.

Tự do của công dân gắn với độc lập, tự do của dân tộc. Tuy nhiên độc lập, tự do của dân tộc phải là mục đích. Tất cả các khuôn khổ học thuyết chỉ là các phương tiện, công cụ cho mục đích đó”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    wassmaname 4 years

    “vì như ở Việt Nam, giai đoạn của Hiến pháp 1946, những người cộng sản như Hồ Chí Minh là “biết người hiểu ta”, tôn trọng các quyền tự do, và… không độc tài”

    Rất chính xác . Thời hiến pháp 46-54 là thời Việt Nam không độc tài, Việt Nam có đa đảng, thực dân & cộng sản, cùng tranh phiếu của dân bằng súng đạn . 54-59 có 2 đảng cùng nắm quyền, đó là đảng Cộng Sản Việt Nam & đảng Cộng Sản Trung Quốc . 2 đảng này cũng dùng những phương pháp dân chủ xã hội chủ nghĩa để thắng cử, sau đó tiến hành cải cách ruộng đất hợp lòng dân, cải tạo tư bẩn cũng hợp lòng dân nốt . Trước khi sửa hiến pháp cho phù hợp với nền dân chủ của Cụ Hồ vĩ đại, 2 đảng làm thêm cú hattrick Nhân Văn-Giai Phẩm cho nó tôn trọng các quyền tự do & hổng có độc tài .

    Rất hoan nghênh phân tích rất khoa học, tôn trọng sự thật lịch sử, vốn là đặc tính tiêu biểu của tác giả Lynn Huỳnh