VNTB – Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trước giờ vẫn vậy

VNTB – Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trước giờ vẫn vậy

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Các thỏa thuận quân sự giữa Việt Nam với Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ cản trở vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam.

 

“Tôi nhận được cuộc gọi từ người đứng đầu Việt Nam, rất muốn gặp tôi khi tôi tới G20. Ông ấy muốn nâng tầm chúng tôi thành một đối tác lớn, ngang hàng Nga và Trung Quốc”, ông Biden nói với hàng chục nhà tài trợ ủng hộ chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông tại một sự kiện ở Freeport, bang Maine, Hoa Kỳ.

Washington và các công ty quốc phòng của Mỹ đã công khai nói rằng họ muốn đẩy mạnh việc cung cấp hàng quân sự cho Việt Nam – cho đến nay phần lớn mới chỉ dừng ở mức là các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện – vào lúc Việt Nam tìm cách đa dạng hóa vũ khí khí tài, tách dần khỏi Nga, hiện vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính của Việt Nam.

Tuy nhiên các thỏa thuận quân sự với Hoa Kỳ nhiều khả năng bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ cản trở vì họ chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.

Vì sao hồ sơ nhân quyền của Việt Nam bị chỉ trích?

Hơn chục năm trước, trong báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam do Bộ Ngoại giao thực hiện, có nhận xét tóm lược và những nội dung đó vẫn đúng cho đến hiện nay, chính vì vậy nên chuyện hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tiếp tục bị chỉ trích là điều không lạ.

Báo cáo viết (trích):

“Những vi phạm quyền con người cụ thể bao gồm cả việc công an tiếp tục ngược đãi nghi can trong quá trình bắt giữ và tạm giam, kể cả sử dụng vũ lực làm chết người, cũng như các điều kiện khắc khổ của trại giam, bắt giữ người và giam cầm tùy tiện vì các hoạt động chính trị, và từ chối quyền được xét xử nhanh chóng và công bằng.

Ảnh hưởng chính trị, nạn tham nhũng cố hữu và sự kém hiệu quả đã bóp méo hệ thống tư pháp một cách đáng kể.

Chính quyền ngày càng hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và trấn áp những bất đồng quan điểm; tiếp tục hạn chế quyền tự do sử dụng Internet; theo báo cáo, chính quyền tiếp tục tấn công các trang mạng có tính chất phê phán chế độ; và duy trì việc theo dõi những người viết nhật ký cá nhân trên mạng (blog) có tính chất đối kháng; tiếp tục hạn chế quyền riêng tư và quyền tự do hội họp, phong trào, hội đoàn.

Những người Việt Nam thực hiện quyền tự do tôn giáo tiếp tục bị quấy nhiễu, cách hiểu và áp dụng luật thiếu nhất quán, sự bảo vệ thiếu nhất quán của pháp luật, đặc biệt ở cấp tỉnh và làng xã.

Sự tham nhũng của công an còn tiếp tục dai dẳng ở các cấp độ khác nhau. Chính quyền vẫn duy trì lệnh cấm các tổ chức độc lập về quyền con người.

Bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ và nạn buôn bán người vẫn diễn ra, cũng như tình trạng bóc lột tình dục trẻ em và phân biệt đối xử xã hội nhất định dựa trên sắc tộc, thiên hướng tình dục và bản dạng giới và tình trạng HIV/AID.

Chính quyền đã hạn chế quyền của người lao động được thành lập và gia nhập các công đoàn độc lập và đã thực thi không đầy đủ các điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh. Lao động trẻ em vẫn còn tiếp tục.

Chính quyền đã thực hiện các biện pháp thiếu nhất quán nhằm truy tố và trừng phạt những quan chức đã phạm tội lạm dụng công quyền, và cảnh sát đôi khi có hành động vi phạm nhưng không bị xử lý”.

Tính đến hiện tại, Tổ chức Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch, HRW) tiếp tục chỉ ra các điều khoản mơ hồ trong Bộ luật hình sự mà chính phủ Việt Nam thường xuyên sử dụng để truy tố và bỏ tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo ôn hòa.

Bao gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 109); Phá hoại chính sách đoàn kết (điều 116); Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (điều 117); Phá rối an ninh (điều 118); Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (điều 331); Gây rối trật tự công cộng (điều 318).


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)