Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khát vọng tự do báo chí

Khát vọng tự do báo chí

Trish Nguyễn

 

(VNTB) – IJAVN không phải là kẻ thù của nhân dân, cũng không là kẻ địch của chính phủ.  Trái lại,  IJAVN là một đồng minh quan trọng trong việc tăng cường quản trị tốt, và phát triển bền vững ở Việt Nam.

 

Tròn một thế kỷ trước đây, thay mặt những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, ông Nguyễn Tất Thành đã gửi đến Văn phòng Hội nghị và các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc.

Bản yêu sách của ông Nguyễn Ái Quốc gồm 8 điểm, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ cơ bản tối thiểu cho nhân dân Việt Nam và xứ Đông Dương. Đồng thời, ông đã có thư gửi Tổng thống Mỹ Thomas Woodrow Wilson kèm bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, đề nghị Tổng thống Mỹ ủng hộ trước những người có thẩm quyền về các nội dung đã nêu trong bản Yêu sách.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, chuyên gia cao cấp của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho rằng, bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” đã thể hiện tính hiện đại, phổ quát nhưng mang tính chất đặc thù Việt Nam. 8 điểm trong bản Yêu sách sau 100 năm vẫn có giá trị thực tiễn.

Khi viết bản Yêu sách với 8 điểm yêu cầu, Nguyễn Ái Quốc đã dùng văn hóa và tâm hồn kẻ địch để khẳng định quyền con người. Bản yêu sách cũng thể hiện tư duy chính trị trong thời đại mới, trong đó nhân dân được nắm quyền tự quyết. Bản Yêu sách thể hiện tiếng nói của các dân tộc, bênh vực quyền của các dân tộc; thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau của các nền văn hóa.

Luận điểm thứ 3 và thứ 4 trong bản Yêu sách Nguyễn Ái Quốc đã gởi cho thực dân Pháp và đế quốc Mỹ yêu cầu các điều sau:


3- Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4- Tự do lập hội và hội họp;

Hai điểm này tuy được bảo hộ bởi điều 25 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thế nhưng nhìn lại những sóng gió mà Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) trải qua trong thời gian qua khiến chúng tôi phải tự hỏi liệu Hiến pháp của Việt Nam có phải là vô dụng hay không?

Ngày 21 tháng 11 năm 2019, ông chủ tịch IJAVN, Phạm Chí Dũng bị bắt và buộc tội theo điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán tài liệu, vật phẩm chống phá nhà nước Việt Nam” vì 63 bài báo mang tính chất phản biện các chính sách của nhà nước.

Có thể nói là giọt nước làm tràn ly khiến ông Phạm Chí Dũng vướng vào vòng lao lý chính là Kiến nghị thư mà ông gởi cho Nghị Viện Châu Âu yêu cầu hoãn thông qua Hiệp định Thương Mại Tự Do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) cho đến khi nào Việt Nam chứng tỏ đã thực hiện đúng theo các cam kết về nhân quyền đó là phê chuẩn các công ước ILO 87, 98 và 105.

EVFTA sau đó đã được ký kết thế nhưng những vi phạm nhân quyền của Việt Nam ngày càng trầm trọng. Những sự kiện này chỉ càng củng cố thêm rằng không nên đặt lòng tin vào sự cam kết nhân quyền của Việt Nam và rằng đã bỏ được EVFTA vào túi, thì Việt nam sẽ lại càng gia tăng bắt bớ.

Sau khi ông chủ tịch hội bị bắt, tất cả các hội viên ở trong nước luôn sống trong tình trạng căng thẳng. Họ đã lần lượt được công an địa phương “mời lên uống cà phê, tâm tình” ít nhất vài ba lượt về các hoạt động của hội và của ông Phạm Chí Dũng. Khá nhiều người được công an “ưu ái” đến tận cửa nhà chăm sóc hàng tháng liền.

Ông Nguyễn Tường Thuỵ, Phó chủ tịch IJAVN được an ninh canh cửa nhà và theo dõi liên tục. Lê Tuấn cũng đã sống trong sự phập phồng với 4-5 cái bóng an ninh từ cuối năm 2019 với cái cảm giác sẽ được đưa đi bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Tuấn đã lần lượt bị bắt vào tháng 5 và tháng 6 năm 2020, bổ sung vào danh sách những tù nhân lương tâm ở Việt Nam đang ngày càng dài ra mãi. Cả hai cùng bị buộc tội theo điều 117 Bộ luật hình sự vì những bài đăng trên Việt Nam Thời Báo mà cơ quan an ninh cho rằng họ là tác giả.

Trong những lúc này, bất cứ một hội viên nào cũng sẽ bị bắt để phục vụ điều tra với cùng tội danh của những thành viên đã bị bắt. Tuy nhiên việc bắt bớ, sách nhiễu đã làm cho hội viên IJAVN phải cẩn bút, có người phải tạm lánh mặt nhưng không vì vậy mà họ xếp bút nghiên vì sợ hãi.

Chúng tôi hiểu những ai vì sự an nguy của bản thân buộc phải chọn cách im lặng, chúng tôi hiểu cả sự lựa chọn phải ra đi. Những người còn ở lại, gắn bó với IJAVN và Việt Nam Thời Báo đã tạo ra một mối liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết hơn để chúng tỏ rằng khát vọng tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội mà ông Nguyễn Ái Quốc đòi hỏi 100 năm trước, giờ đây đang được chúng tôi tiếp tục thực thi bằng ngòi bút của mình.

IJAVN có thể chọn một lối đi dễ dàng hơn chẳng hạn như chỉ đăng lại những bài sẵn có trên mạng xã hội hay các báo đài nào đó, vừa không tốn tiền nhuận bút, lại chẳng gây nguy hại gì đến các thành viên. Nhưng chúng tôi không thể.

Chọn một bên nào đó luôn dễ dàng hơn là trung dung. Trong cuộc khẩu chiến, bút chiến về Trump chúng tôi vẫn chọn bài thể hiện quan điểm hai chiều, hay về cuộc biểu tình của những người da mầu ở Mỹ chúng tôi không ủng hộ bạo loạn nhưng IJAVN cũng không dung thứ những ngôn ngữ thù hận gây chia sẽ chủng tộc. Khi chọn lối đi như vậy, chúng tôi đã bị buộc là chống tổng thống Mỹ đương nhiệm hay ủng hộ bạo loạn, thậm chí là đưa tin giả.

Khi viết bài biểu dương thành tích nào đó của Việt Nam chúng tôi đã bị cho là báo thân cộng, khi chỉ trích nhà nước Việt Nam chúng tôi bị cho là ba que phản động hay thậm chí là nhận tiền của tổ chức chính trị nước ngoài để bôi nhọ nhà cầm quyền.

IJAVN cũng không thể chỉ chọn đăng tin “cướp giết hiếp” để lôi kéo sự hiếu kỳ của độc giả để thay cho những bài viết nghiêm túc; hay thậm chí chỉ cho đăng lại toàn các bài dịch lại từ tin tức nước ngoài hoặc chỉ cần cóp nhặt từ nhiều nguồn chắp vá để tổng hợp lại một bản tin không ghi rõ xuất xứ.

Trang web Việt Nam Thời Báo của chúng tôi vẫn luôn bị tấn công hàng ngày hàng giờ khiến gánh nặng cho người chịu trách nhiệm trang web càng thêm nặng nề, trang Facebook cũng rơi vào tình trạng tương tự khi bài viết bị ẩn đi không cho hiện lên New feed.

Trong những lúc khó khăn này, chúng tôi càng trân quý những tình cảm, tinh thần đoàn kết của nhưng tổ chức Phi chính phủ trong và ngoài nước dành cho IJAVN và Việt Nam Thời Báo; những người bạn, cộng tác viên, độc giả từ khắp nơi đã chung tay nâng đỡ IJAVN trong lúc khó khăn này.

Khó khăn vẫn còn rất nhiều ở phía trước nhưng IJAVN vẫn là một sân chơi dành cho những nhà báo còn có tâm huyết với vận mệnh dân tộc, những người mong tiếng nói của mình được lắng nghe, hay những người muốn được thoả chí được tự do làm báo. Việt Nam Thời Báo vẫn là nơi để độc giả có thể tìm đọc những ý kiến phản biện trái chiều, trung hoà.

Khát vọng của chúng tôi không khác với khát vọng của Nguyễn Ái Quốc đã phải bôn ba tận ngoại quốc hơn thế kỷ trước để đòi hỏi cho con dân Việt Nam. Chỉ có khác rằng đòi hỏi và khát vọng của IJAVN có thể khiến bất kỳ ai trong chúng tôi vướng vào vòng lao lý và IJAVN đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ hoàn toàn ngay trên chính mảnh đất Việt Nam này.

IJAVN không phải là kẻ thù của nhân dân, cũng không là kẻ địch của chính phủ, mà ngược lại đó là một đồng minh quan trọng trong việc tăng cường quản trị tốt và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Tin bài liên quan:

VNTB – Tuần lễ nhạy cảm đã bắt đầu

Phan Thanh Hung

VNTB – Tiếng Chim

Do Van Tien

VNTB – Không thay đổi… thì sẽ bị thay thế

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Anonymous 06.07.2020 10:44 at 22:44

Khát vọng trăm năm giờ muốn là đi tù

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo